.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

.

Trước đòi hỏi bức thiết của bối cảnh mới và thực trạng của nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay, ngày 9-6-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nghị quyết đã nhấn mạnh vấn đề cốt lõi, trung tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người, điều này thể hiện xuyên suốt từ tên gọi đến mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng thời, quan điểm của Đảng là phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Trong hệ thống 6 nhóm nhiệm vụ nêu trong nghị quyết này, nhiệm vụ đầu tiên là “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng đặt ra yêu cầu phải bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người...

Nghị quyết trên cũng đã đề ra được những tiêu chí cụ thể, hợp lý về con người Việt Nam cũng như những yêu cầu cần thiết và khả thi để xây dựng con người thực sự đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, làm thế nào để tất cả những định hướng, chỉ đạo trên trở thành hiện thực, để nghị quyết đi vào cuộc sống mới là vấn đề cốt lõi nhất.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách bền vững qua thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các hành động, việc làm thiết thực.

Trên thực tế, Nghị quyết Trung ương 9 đã được triển khai khẩn trương, quyết liệt trong thời gian qua. Ngày 31-12-2014, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 102/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW với các mục tiêu khá rõ ràng.

Theo đó, đến năm 2020, Chính phủ xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Đến năm 2030, hoàn thiện và phổ biến các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời tạo dựng những giá trị mới phù hợp. Tiếp đó, ngày 14-1-2015, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành VH,TT&DL nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phân công cụ thể các nội dung, kế hoạch của ngành để triển khai Chương trình hành động của Chính phủ.

Có thể khẳng định, Nghị quyết Trung ương 9 là kết quả trực tiếp của thành tựu phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới. Nghị quyết được ban hành đúng thời điểm đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội hiện nay.

Sau khi nghị quyết được ban hành, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc triển khai tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết đến tận cơ sở; xây dựng chương trình hành động thiết thực, khả thi để thực hiện Nghị quyết, chú ý những nhiệm vụ cụ thể và điều kiện thực hiện.

Các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo công tác kiểm tra việc học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động tại cơ quan, đơn vị, coi việc xây dựng chương trình hành động sát, đúng, khả thi và quyết tâm tổ chức thực hiện là khâu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định để Nghị quyết phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống.

Nghị quyết Trung ương 9 ra đời đúng lúc, tạo nên sự phấn khởi và hy vọng mới trong toàn dân. Theo đó, các địa phương trong toàn quốc đẩy mạnh thực hiện những chương trình, dự án về văn hóa, con người; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, các công trình văn hóa; đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, xây dựng các chuẩn mực mới của con người trong bối cảnh mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh…

Nghị quyết thực sự tạo ra luồng gió mới trong công cuộc xây dựng văn hóa, con người hiện nay. Về tầm tư tưởng, nghị quyết đã thỏa mãn được yêu cầu về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, vươn tới một tầm nhìn thế giới về vấn đề văn hóa.

Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến công cuộc xây dựng nền văn hóa đất nước. Chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt nạn xâm lăng về văn hóa, với những yếu tố phản cảm, phản văn hóa, phi văn hóa do mở cửa hội nhập và mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Chúng ta còn phải mất nhiều thời gian khắc phục những hạn chế lớn trong văn hóa và con người Việt Nam hiện nay. Việc cụ thể hóa và thực hiện bằng được các quan điểm xây dựng con người cho sát với thực tiễn từng địa phương đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các cấp lãnh đạo cùng sự đồng thuận của nhân dân, trong đó, tuyệt đối chống lại những cách làm phô trương, hình thức, không đúng ý nghĩa của văn hóa.

Bên cạnh đó, nghị quyết đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các văn nghệ sĩ, trí thức, những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa cũng như sự tham gia, vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học của đất nước. Tin rằng với sự đồng thuận này của toàn xã hội, việc thực hiện nghị quyết sẽ tạo nên sự chuyển biến toàn diện cho văn hóa, con người Việt Nam.

Ths. NGUYỄN THỊ TRIỀU

Học viện Chính trị khu vực III

;
.
.
.
.
.