Chính trị - Xã hội

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ

09:52, 15/01/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát huy quyền làm chủ của công nhân, viên chức, người lao động; qua đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, tạo nên sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Thông qua đối thoại, người sử dụng lao động giải quyết được khó khăn, bức xúc của người lao động, góp phần làm giảm xung đột lợi ích và tranh chấp lao động. TRONG ẢNH: Công nhân lao động làm việc tại một nhà máy xử lý rác thải ở Khánh Sơn.
Thông qua đối thoại, người sử dụng lao động giải quyết được khó khăn, bức xúc của người lao động, góp phần làm giảm xung đột lợi ích và tranh chấp lao động. TRONG ẢNH: Công nhân lao động làm việc tại một nhà máy xử lý rác thải ở Khánh Sơn.

Nêu cao vai trò của cấp ủy

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 12.000 doanh nghiệp với gần 300.000 lao động hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 78 doanh nghiệp Nhà nước, 283 doanh nghiệp FDI, 11.639 doanh nghiệp dân doanh. 131 doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc Đảng ủy khối Doanh nghiệp; 37 doanh nghiệp có tổ chức Đảng trực thuộc Đảng ủy Các khu công nghiệp; 750 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Liên đoàn Lao động thành phố.

Ông Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp có tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; đối với những chi bộ có ít đảng viên thì phân công đồng chí cấp ủy phụ trách công tác này.

Việc thực hiện QCDC ở các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước chi phối hoặc các doanh nghiệp mà bí thư cấp ủy làm trưởng ban chỉ đạo đồng thời cũng là lãnh đạo doanh nghiệp, có sự chuyển biến rất tích cực”.

Tại các doanh nghiệp này, bên cạnh tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị người lao động, xây dựng quy chế đối thoại, tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định, ký kết thỏa ước lao động tập thể, các cấp ủy Đảng còn thông qua nghị quyết và chương trình làm việc của mình.

Lãnh đạo, đảng viên là cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp luôn gương mẫu thực hiện tốt các quy định về dân chủ tại nơi làm việc, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện QCDC. Chính vì vậy, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và thu nhập của người lao động còn gặp nhiều khó khăn nhưng phần lớn các doanh nghiệp này không để xảy ra sự cố, điểm nóng, đình công, lãn công... làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Minh bạch để tạo đồng thuận

Kể từ khi có Nghị định số 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động về tiền lương và Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, đến nay đã có 3.620 doanh nghiệp thực hiện xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương tại các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện.

Khi xây dựng và sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, hầu hết các doanh nghiệp đều tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp quận, huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Qua đó, giúp người lao động biết được mức tiền lương của mình khi làm việc, khi thỏa thuận làm thêm giờ và hưởng các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Phần lớn các doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện quy chế thưởng, hình thức thưởng cho người lao động như: thưởng vượt năng suất, các ngày nghỉ lễ, Tết, chuyên cần... Trong trường hợp doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, người sử dụng lao động còn được thưởng cao hơn mức quy định và hỗ trợ người lao động các khoản chi phí tàu xe khi về nghỉ Tết.

Thực tế cũng cho thấy, đối với những doanh nghiệp có xây dựng và minh bạch quy chế trả lương, trả thưởng thì tại đó, người lao động làm việc tận tâm, gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho đơn vị.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn quan tâm tổ chức đối thoại. Trong năm 2015, có 87 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, 48 doanh nghiệp tổ chức đối thoại đột xuất. Thông qua đối thoại, người sử dụng lao động và người lao động đã chia sẻ về tình hình của doanh nghiệp, nêu ra những khó khăn của mỗi bên, cùng nhau xem xét, thống nhất hướng xử lý trong thời hạn cam kết.

Nhờ vậy, đã giải quyết được khó khăn nội tại, tạo sự đồng thuận, giảm xung đột lợi ích và tranh chấp lao động. “Việc xây dựng và thực hiện QCDC trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đem lại kết quả đáng kể.

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của người lao động. Bên cạnh đó, người lao động trong doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn quyền lợi của mình gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ, hạn chế được những tiêu cực, mất dân chủ”, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố khẳng định.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

.