Chính trị - Xã hội

Chạy vì Đà Nẵng xanh

08:17, 15/02/2016 (GMT+7)

“Tôi muốn những năm tháng còn lại đóng góp cho quê hương Đà Nẵng đạt được mục tiêu thành phố môi trường xanh - sạch - đẹp, từ việc tổ chức phong trào chạy cổ động làm sạch môi trường (Run for a green Da Nang) đến cả việc mưu sinh hằng ngày cũng mang ý nghĩa sạch cho thành phố”, ông Bảo Hòa, Việt kiều Mỹ đang sinh sống tại Đà Nẵng trao đổi với Báo Đà Nẵng về sự kiện “Chạy vì Đà Nẵng xanh” mà ông dự kiến tổ chức.

Vận động viên cao tuổi nhất (61 tuổi) Bảo Hòa (thứ ba, trái sang) trong cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng 2015.      (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vận động viên cao tuổi nhất (61 tuổi) Bảo Hòa (thứ ba, trái sang) trong cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng 2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Có phải sau khi tham gia Cuộc thi Marathon quốc tế năm 2015, ông có ý tưởng tổ chức sự kiện Chạy vì Đà Nẵng xanh?

- Chạy bộ vốn là môn thể thao tôi thích tập luyện hằng ngày từ khi còn ở Mỹ. Cách đây 4 năm, tôi nghỉ hưu và quyết định đưa cả gia đình trở về quê hương Đà Nẵng sinh sống cho đến cuối đời. Về Đà Nẵng, tôi thực sự ngạc nhiên vì sự đổi thay rất ấn tượng của thành phố, của quận 3 (Sơn Trà) quê hương mình. Hạ tầng giao thông của thành phố đúng là thiên đường cho môn chạy bộ đường trường.

Từ năm 2013, thành phố bắt đầu tổ chức giải Chạy Marathon quốc tế hằng năm nhưng cho đến năm 2014, số lượng vận động viên của thành phố tham gia rất ít. Tôi đã cùng một nhóm bạn trẻ lập nhóm Da Nang Runners để tập luyện chạy đường dài và nhóm chúng tôi có 30 người tham gia giải Marathon quốc tế năm 2015 tranh tài cùng 650 vận động viên của 38 quốc gia.

Cả nhóm chúng tôi đều về đích, không có ai bỏ cuộc. Tôi cũng vinh dự được công nhận là vận động viên lớn tuổi nhất của giải.

Từ sự kiện này, tôi dự định tổ chức sự kiện Chạy vì Đà Nẵng xanh, vừa tạo thành phong trào rèn luyện sức khỏe, vừa cổ động cộng đồng chung tay làm sạch môi trường thành phố. Trong sự kiện này, chúng tôi sẽ tổ chức quay lại nhặt rác trên các tuyến đường mà chúng tôi chạy qua.

Bạn thử tưởng tượng xem vài chục người nhặt được vài chục mảnh rác, nhất là rác nhựa plastic. Nếu cả triệu người dân Đà Nẵng cùng nhặt cả triệu mảnh rác thì chắc chắn thành phố sẽ sạch hơn. Điều quan trọng nhất là thông qua sự kiện, chúng tôi mong muốn góp phần tạo thói quen trong tất cả cộng đồng, kể cả khách du lịch, cùng chung tay làm sạch thành phố môi trường.

* Nghe nói dự án kinh doanh cà-phê sạch của ông cũng mang ý nghĩa sạch cho thành phố?

- Đúng vậy, sau khi về Đà Nẵng cả 2 năm tôi chưa đầu tư gì mà chỉ tìm hiểu thị trường và nhu cầu. Tôi biết Đà Nẵng có đến 35.000 nhà hàng, quán cóc kinh doanh thức uống cà-phê nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nỗi lo của cộng đồng mà báo chí vẫn nêu.

Tôi quyết định làm cà-phê sạch cho thành phố sạch nhằm phục vụ cả người dân cũng như du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, tôi đã có 2 nhà hàng cà-phê thương hiệu Caracoli trên địa bàn thành phố. Thương hiệu này có “giấy khai sinh” tại Đà Nẵng nhưng đã được đăng ký bản quyền thương hiệu tại Mỹ với thời gian 50 năm.

Chúng tôi đào tạo nhân viên không chỉ nhằm cam kết phục vụ sản phẩm cà-phê sạch có nguồn gốc nguyên liệu từ cà-phê Tây Nguyên, mà chúng tôi đòi hỏi nhân viên luôn tuân thủ quy trình chế biến rang, xay đến pha chế phải thật sự sạch. Đã có những nhân viên được đào tạo trưởng thành khi rời cửa hàng của chúng tôi thì trở thành những quản lý giỏi của các nhà hàng cà-phê khác.

Song, tôi không tiếc nuối vì tôi đã đào tạo được những người đem kỹ năng, kinh nghiệm của tôi để làm cà-phê sạch. Như vậy sẽ nhân lên thêm những nhà hàng cà-phê sạch, làm giảm những hàng quán kinh doanh cà-phê chưa sạch, cà-phê không có nguồn gốc từ hạt cà-phê, không tốt cho sức khỏe. Đó là điều tôi mong muốn làm cho quê hương Đà Nẵng.

* Ông có ý định giới thiệu cho bạn bè đồng hương từ nước ngoài về đầu tư làm ăn tại Đà Nẵng như mình không?

- Tôi chọn về Đà Nẵng - nơi chôn nhau cắt rốn của mình - theo lẽ lá rụng về cội. Hơn nữa, không có nơi nào khác ở Việt Nam có được những điều kiện tự nhiên về địa lý đẹp, hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh cũng như sự phát triển năng động của thành phố. Tôi cũng đã tìm hiểu chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của thành phố và giới thiệu cho bạn bè của mình.

Tôi ở đây để chứng minh cho bạn bè thấy rằng, tôi về sinh sống và làm ăn được ở quê hương thì người khác cũng có thể làm như tôi. Cách Tết Nguyên đán Bính Thân một tuần, theo gợi ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Sở Ngoại vụ và một số doanh nhân kiều bào, chúng tôi đã thành lập CLB Doanh nhân kiều bào thành phố Đà Nẵng.

CLB sẽ làm cầu nối, thông tin đến doanh nhân kiều bào ở nước ngoài về tình hình phát triển của đất nước, về chính sách, lĩnh vực khuyến khích, thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, CLB còn có nhiệm vụ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp kiều bào của thành phố và thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kiến nghị chính quyền thành phố có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.

Nguồn lực doanh nhân kiều bào, kiều hối rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Nhưng còn một nguồn lực khác cũng rất quan trọng, đó là trí thức kiều bào, đặc biệt là những chuyên gia, nhà khoa học, kỹ thuật viên công nghệ đã nghỉ hưu có mong muốn về định cư tại thành phố. Nếu huy động được tổng hợp các nguồn lực này thì kiều bào sẽ có những đóng góp đáng kể.

* Cảm ơn ông!

SƠN TRUNG thực hiện

.