Chính trị - Xã hội

Xuân này con không về

08:10, 13/02/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Tết đến… Nhiều người làm ăn xa quê háo hức mong mau trở về nhà để được sum họp bên gia đình, được có thời gian dài nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng đâu đó, nhiều công nhân mưu sinh ở đất Đà thành không dám mơ đến Tết. Đồng lương ít ỏi, tiền thưởng Tết không bao nhiêu nên đường về quê ăn Tết của họ gặp không ít nhọc nhằn.

Mỗi người mỗi cảnh

Tết này, cô công nhân Mai phải ở lại Đà Nẵng để kiếm việc làm thêm.
Tết này, cô công nhân Mai phải ở lại Đà Nẵng để kiếm việc làm thêm.

Đến dãy nhà trọ công nhân ở Khu Công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) vào những ngày giáp năm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi không khí đìu hiu, vắng vẻ nơi đây.

Trong những căn nhà cũ kĩ, xuống cấp, chỉ còn vài ba công nhân ở lại chờ Tết đến mà lòng thì luôn ngóng về quê xa. Cái lạnh của những ngày giao mùa càng làm thổn thức trái tim những phận đời “tha phương cầu thực” khi Tết đến xuân về.

Ngồi nói chuyện với 2 cô công nhân làm thủy sản, một người ở miền quê “gió Lào cát trắng” Quảng Trị, một người ở quê Quảng Bình, lòng chúng tôi trào dâng niềm thương cảm. Căn phòng trọ vốn 8 người ở nhưng giờ chỉ còn 2 cô gái trẻ bỗng thấy trống trải, mênh mông.

“Tụi em cũng muốn về quê ăn Tết nhưng sợ tốn tiền tàu xe, tiền quà cáp mà đồng lương công nhân thì không được bao nhiêu nên đành phải ở lại xóm trọ. Năm đầu tiên ăn Tết xa nhà buồn lắm nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tụi em đành cố gắng gượng vượt qua”, em T.T.B, công nhân Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ.

Vừa nói B. vừa lấy tay lau vội những giọt nước mắt còn nóng hổi đang lăn dài trên má. Vào Đà Nẵng mưu sinh mới được 8 tháng, tiền lương và tiền thưởng Tết, B. đều gửi về hết cho gia đình để mẹ sắm sửa cho các em chiếc áo, để thùng gạo ở nhà có thêm mùi nếp mới.

Dù rất buồn khi phải ăn Tết xa nhà nhưng nhiều công nhân như B. đành phải chấp nhận để “dành dụm” cái Tết thật đủ đầy về cho những người thân đang ngóng đợi ở quê.

Ra Đà Nẵng lập nghiệp hơn 4 năm nhưng bạn Nguyễn Thị Tuyết Mai, công nhân Công ty TNHH Sinaran (Khu Công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà) chưa có năm nào về quê ăn Tết. Nhà nghèo, cha mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không đủ cái ăn nên Mai đành phải ra phố xin việc làm phụ giúp thêm cho gia đình.

Dù nhà ở Quảng Nam chỉ cách Đà Nẵng mấy chục cây số nhưng mong ước về quê ăn Tết của Mai lại quá đỗi xa xôi. “Công ty thưởng Tết chưa tới 1 triệu, lương cũng ít mà nhiều khoản phải chi tiêu nên mấy ngày Tết, em phải ở lại Đà Nẵng làm thêm để kiếm tiền gửi về quê cho ba má. Có năm thì đi bán cà phê, có năm thì phụ bán quán ăn, dù vất vả nhưng làm Tết mới có lương cao. Giáp Tết năm nay, em xin được chỗ bán trái cây trong chợ, rồi mấy ngày trong Tết thì bán cà phê nên cũng quên đi nỗi buồn xa nhà”, Mai trải lòng.

Nhìn cô công nhân 9X gầy nhom, chịu đựng cơn đau dạ dày mấy ngày qua do ăn uống thất thường, chúng tôi thấy nhói cả lòng. Mai kể, làm Tết rất bận rộn nhưng vẫn tranh thủ những lúc rỗi việc để gọi điện về hỏi thăm gia đình, có khi vừa cúp máy xong là nước mắt chảy ra không kìm lại được.

4 năm rồi, cô công nhân này thèm cảm giác được ngồi bên nồi bánh tét đêm 30 Tết, được đón giao thừa sum vầy với gia đình nhưng vẫn cứ “điệp khúc” buồn: “Tết ni con không về được nghe ba má”. Giao thừa năm nay cũng như những năm trước chỉ còn Mai ở lại chơ vơ trong dãy nhà trọ với nỗi buồn nhớ quê.

Mong cái Tết năm sau…

Đồng lương ít ỏi, tiền thưởng Tết không nhiều nên đường về quê ăn Tết của nhiều công nhân gặp không ít khó khăn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đồng lương ít ỏi, tiền thưởng Tết không nhiều nên đường về quê ăn Tết của nhiều công nhân gặp không ít khó khăn. (Ảnh minh họa)

Nói chuyện với chúng tôi trong căn nhà thuê hơn chục mét vuông, ánh mắt của chị N.T.C, công nhân Công ty Asociated Việt Nam, Khu Công nghiệp Hòa Cầm lúc nào cũng đượm buồn. Nhìn 2 đứa con nhỏ vui đùa hồn nhiên, lòng chị đau như cắt.

Hơn chục năm xa miền quê nghèo Thanh Hóa, vào Đà Nẵng mưu sinh lập nghiệp, mấy năm đầu chị C. cũng cố gắng về nhà ăn Tết ấm cúng bên gia đình. Nhưng từ lúc lấy chồng, sinh liên tiếp 2 đứa con thì đã 3 năm nay chị không về quê ăn Tết.

“Tiền lương, tiền thưởng Tết ít ỏi nên nếu về quê thì không đủ. 3 năm rồi không về thăm nhà nhớ lắm chứ nhưng cũng chịu chứ biết làm răng. Thôi thì cố gắng dành dụm cho cái Tết năm sau hi vọng sẽ đỡ hơn”, chị C. mủi lòng. Chồng không có nghề nghiệp ổn định, lại hay rượu chè nên mọi gánh nặng đều trút lên đôi vai nhỏ bé của chị C.

Để quên đi nỗi nhớ nhà, mấy ngày Tết, chị C. nấu những món ăn quen thuộc mang hương vị của quê hay chở con đi chơi dưới phố cho khuây khỏa. “Quen cảnh ăn Tết xa quê nhưng khi thấy mấy chị em cùng công ty bàn chuyện sắm sửa quà cáp về quê vui Tết, chị cũng buồn. Tiền thưởng Tết thì ít mà năm ni công ty lại cho nghỉ Tết dài ngày vì không có đơn hàng làm nên cũng rất khó khăn”. Nỗi lo chồng chất nỗi lo, tính tới tính lui thấy thiếu trước hụt sau nên gia đình chị C. cũng chỉ sắm sửa những thứ giản đơn cho qua mấy ngày Tết mà không dám mơ đến cái Tết đủ đầy, vui cảnh đoàn viên với gia đình.

Mơ về cái Tết năm sau cũng là tâm trạng của không ít chị em công nhân nghèo lập nghiệp ở mảnh đất ven sông Hàn. Dù Đà Nẵng là miền đất hứa, miền đất của nhiều niềm vui nhưng cũng không đủ bảo bọc để thôi làm thao thức trái tim của những người con xa quê.

Đi đâu, ở đâu, làm việc nơi nào đi chăng nữa, mỗi dịp xuân sang, ai ai cũng muốn quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” để sum họp bên gia đình, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên hay uống li rượu đầu năm mừng tuổi cha mẹ già.

“Tết ai chẳng muốn về quê nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sắm sửa, đi lại, nhất là những người có gia đình như chị thì phải lo nhiều thứ khác nữa. Bố mẹ chị ở quê cũng lớn tuổi cả rồi, không biết còn sống bao nhiêu năm nữa nhưng Tết năm nay chị không thể về nhà vì không đủ tiền tàu xe”, chị Ngô Thị L, công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng chia sẻ.

Đặng chẳng đành phải ăn Tết xa quê nhưng những phận đời mưu sinh nơi “đất khách quê người” luôn biết dành cho nhau chút hơi ấm những ngày se sắt lạnh cuối năm. Họ chia nhau chiếc bánh tét, chia nhau hũ dưa muối… và san bớt nỗi buồn để thấy ấm lòng trong thời khắc đón Tết xa quê.

Tạm biệt dãy nhà trọ heo hút lạnh, lòng chúng tôi lại nghĩ nhiều đến những phận đời công nhân nghèo khó. Trong khi nhà nhà rộn rã tiếng cười đêm Giao thừa đoàn viên thì đâu đó vẫn còn những phận đời khắc khoải nỗi niềm ăn Tết xa quê. 

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.