Chính trị - Xã hội
Dân vận để phát triển kinh tế ở Hòa Phú
Những ngày này, người dân xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đón “niềm vui kép” khi được Chính phủ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời tặng món quà 1 tỷ đồng để xây dựng công trình phúc lợi xã hội. Trong nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng và triển khai thực hiện sâu rộng, bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét.
Thanh long ruột đỏ được trồng thành công tại xã miền núi Hòa Phú. |
Thay đổi tư duy phát triển kinh tế
Nếu như trước năm 2010, số mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại toàn xã Hòa Phú chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thì đến nay, xã miền núi này tự hào đã thành công với hàng chục mô hình kinh tế gia đình hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho người nông dân.
Chia sẻ thành quả này, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải cho biết, các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại từ chỗ chỉ vận động vài ba hộ gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện, đến nay đã triển khai trên diện rộng với hàng trăm hộ gia đình chủ động học tập và áp dụng.
Ông Trần Văn Phúc (ở thôn An Châu) là người tiên phong trong thực hiện mô hình trồng thanh long ruột đỏ và nuôi dê thương phẩm. Đây là minh chứng sinh động cho việc mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất sau nhiều lần vận động của chính quyền địa phương.
Đánh giá hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, ban đầu thông qua vận động tuyên truyền, ông Phúc nhận thấy lợi ích kinh tế nếu chuyển đổi mô hình mới. Do vậy, từ sự sâu sát tuyên truyền của địa phương và sự cần cù, chịu khó học tập kinh nghiệm của bản thân ông Phúc nên mô hình này đã thành công.
Khi huyện Hòa Vang lựa chọn phát triển kinh tế hộ gia đình làm khâu đột phá vào năm 2012, xã Hòa Phú cũng đã triển khai khá thành công mô hình trồng cỏ nuôi bò, trồng bơ, nuôi cá nước ngọt, ươm keo lá tràm… Đến nay, ước tính hằng năm doanh thu từ các mô hình này lên đến gần 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể mô hình nấu rượu cần thương phẩm, trồng chuối ghép mô, trồng ổi, trồng rừng… cũng mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế.
Chính nhờ vậy, xã Hòa Phú đạt chuẩn tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ thu nhập khá và giàu năm sau hơn năm trước. Đây cũng chính là thước đo khẳng định năng lực lãnh đạo, điều hành, đặc biệt là công tác dân vận được triển khai khá đồng bộ nhằm vận động nhân dân chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đúng với mục tiêu ban đầu khi Thành ủy triển khai Chỉ thị số 18-CT/TU về “tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố”.
Tiếp sức cho nông dân
Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, lợi thế khá lớn của xã Hòa Phú là diện tích đất nông nghiệp khá rộng nên việc triển khai các mô hình kinh tế vườn rất phù hợp và hiệu quả. Vấn đề then chốt là người dân xã Hòa Phú, trong đó có hàng chục hộ gia đình đồng bào dân tộc Cơ-tu thôn Phú Túc, sau khi được vận động, khuyến khích, đã nhận thức rất rõ về ý nghĩa của việc cải tạo vườn tạp, đầu tư kinh phí cùng vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tích cực và sâu sát trong việc tổ chức hướng dẫn, vận động người nông dân phát triển kinh tế, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu, tăng thu nhập để nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, gần đây khó khăn nảy sinh là thời tiết thường xuyên nắng nóng, lại ít mưa, trong khi đó hệ thống tưới tiêu chỉ dựa chủ yếu vào nước giếng bơm, nên người dân thường thiếu nước tưới cho mùa khô, ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng của cây trồng, con vật nuôi.
Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn của địa phương còn thiếu, chủ yếu nhờ vào các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng của Trung tâm Khuyến nông nên đôi lúc người dân vẫn còn bị động và lúng túng. Đối với một số mô hình lớn, triển khai nhiều giai đoạn thì người dân lại thiếu vốn, nên quy mô khó mở rộng, hiệu quả kinh tế chỉ cầm chừng.
Do vậy, người nông dân xã miền núi Hòa Phú cần tiếp sức kịp thời để thu nhập và đời sống ngày càng nâng cao. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng hơn đến công tác vận động các cơ quan, đơn vị cùng hỗ trợ người nông dân tìm những mô hình kinh tế hiệu quả và nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô, tăng doanh thu từ những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Bài và ảnh: Diệu Minh