.
Để Đoàn gần thanh niên hơn

Bài cuối: Làm mới để thu hút thanh niên

.

Những năm 1990, hoạt động Đoàn thanh niên và Hội LHTN trên địa bàn Đà Nẵng phát triển mạnh với nhiều mô hình, CLB, đội, nhóm. Lúc đó, có ít dịch vụ giải trí hơn so với hiện nay nhưng không thể xem sự xuất hiện của nhiều dịch vụ giải trí là nguyên nhân dẫn đến việc thanh niên thờ ơ với Đoàn. Câu hỏi được đặt ra: Đoàn phải làm gì để thu hút thanh niên?

Đoàn Thanh niên và Hội LHTN cần tổ chức các CLB, đội, nhóm theo sở thích trên địa bàn để đáp ứng đúng mong muốn của thanh niên hơn. TRONG ẢNH: CLB Áo xanh bán bánh bột lọc để gây quỹ từ thiện.
Đoàn Thanh niên và Hội LHTN cần tổ chức các CLB, đội, nhóm theo sở thích trên địa bàn để đáp ứng đúng mong muốn của thanh niên hơn. TRONG ẢNH: CLB Áo xanh bán bánh bột lọc để gây quỹ từ thiện.

Cần sân chơi cho thanh niên

Thực tế, các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay đều “bí” chỗ để tổ chức, tập hợp thanh niên. Nếu cứ phải sinh hoạt nay đây mai đó hoặc quá xa khu dân cư sẽ khó thu hút thanh niên tham gia, ảnh hưởng lớn đến chất lượng phong trào.

“Đà Nẵng không có Nhà văn hóa thanh niên, Công viên thanh niên, thiết chế văn hóa dành riêng cho thanh niên. Đó là một bất công lớn, không công bằng với những chủ nhân tương lai của thành phố này”, ông Đ.Q.T, người dân tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) bức xúc khi thấy thanh niên ở quận phải mượn tạm khu đất của một doanh nghiệp để tổ chức cắm trại vào năm ngoái.

Cán bộ Đoàn nhiều quận, huyện cũng thường “so bì” với quận Thanh Khê khi địa phương này có địa điểm lý tưởng là Công viên 29-3 để tổ chức hoạt động. Song, thực tế, Quận Đoàn Thanh Khê và các đơn vị Đoàn cơ sở trên địa bàn muốn tổ chức hoạt động tại đây đều phải tốn phí.

Mỗi năm, Thành Đoàn Đà Nẵng có một chủ đề hoạt động, năm 2015 là “Tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, năm 2016 là “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Riêng với phong trào học sinh-sinh viên thành phố, dù đã có nhiều đổi mới trong cách thức chỉ đạo và triển khai nhưng các hoạt động của Hội Sinh viên vẫn còn khá mờ nhạt, chưa tạo được màu sắc riêng, chưa có diễn đàn dành cho tuổi trẻ.

Trước đó, vào những năm 1990, Thành Đoàn Đà Nẵng luôn tổ chức nhiều hoạt động: cắm trại, dã ngoại, sinh hoạt truyền thống, ánh sáng văn hóa hè, thi bí thư chi đoàn giỏi, thi trò chơi lớn và trò chơi nhỏ, v.v... Mục đích cuối cùng là giáo dục thanh niên về lý tưởng, rèn kỹ năng sống để trở thành những công dân có ích.

Năm 1998, Đoàn Đại học Đà Nẵng thành lập hẳn Trung tâm Văn hóa - xã hội sinh viên với nhiều CLB, đội, nhóm: Đội Sinh viên tình nguyện, CLB Điện ảnh, Bút nhóm... Hội LHTN thành phố lúc đó cũng có nhiều CLB, đội, nhóm trực thuộc như: CLB Nhân ái, Đội Công tác xã hội, CLB Tuổi học trò... Buổi sinh hoạt nào do Hội LHTN tổ chức cũng thu hút đông đảo thanh niên. Tiếc là hiện nay, những phong trào, hoạt động sôi nổi như thế dần ít đi.

Nhiều cán bộ Đoàn tâm sự, nhìn phong trào thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà “thèm”. Bởi lẽ, điều dễ nhận thấy nhất là Đà Nẵng không có những sân chơi dành riêng cho thanh niên như ở tỉnh, thành bạn và hoạt động cũng thiếu “lửa”.

Rất nhiều thủ lĩnh trẻ của thành phố đã hiến kế xây dựng, sáng tạo phong trào thanh niên và Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đã chủ động tìm cách đổi mới phong trào. Nhưng cũng chỉ vì quen nếp nghĩ, thuận tay làm mà những ý kiến đó chưa thật sự được trọng dụng, dẫn đến thực trạng hoạt động của tuổi trẻ thành phố chưa xứng tầm với một đô thị trẻ trung, năng động, giàu tiềm năng như Đà Nẵng.

Anh Trần Vũ Duy Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Đà Nẵng, cũng thừa nhận: “Nhiều năm liền chúng tôi vẫn loay hoay tìm sân chơi cho thanh niên”.

Xây dựng CLB, đội, nhóm theo sở thích

Với nhiều người dân Đà Nẵng, việc xem các bạn trẻ biểu diễn hip hop, trượt ván, khiêu vũ... tại bờ sông Hàn hằng đêm là niềm vui. Một bạn trẻ tham gia nhảy hip hop tại đây chia sẻ: “Chúng em muốn là chính chúng em, muốn được thỏa sức sáng tạo, được sống đúng với tuổi trẻ của mình. Chúng em không muốn bị ràng buộc trong các tổ chức đoàn thể nào bởi thấy hơi nhàm chán, đơn điệu”.

Rất nhiều CLB, đội, nhóm hiện nay đứng ngoài tổ chức Hội LHTN thành phố mặc dù Hội đã có lời mời kết nối. Trong năm 2015, Hội chỉ kết nối được hơn 10 CLB, đội, nhóm trong khi số lượng CLB, đội, nhóm trên địa bàn lên đến con số hàng trăm.

Khi kết nối với Hội LHTN thành phố, CLB, đội, nhóm cảm thấy như bị áp lực mặc dù Hội đưa ra yêu cầu rất đơn giản: hoạt động hoàn toàn độc lập, tham gia họp với Hội nhiều nhất là 2 lần/năm, cần sự hỗ trợ thì cứ đề xuất... Vậy mà rốt cuộc các CLB, đội, nhóm vẫn không muốn tham gia Hội. Thậm chí, có những người vừa làm cán bộ Đoàn, vừa làm trưởng các CLB cũng từ chối vào Hội LHTN thành phố.

Về phía các trường đại học, cao đẳng, qua khảo sát, ít trường nào trên địa bàn có CLB, đội, nhóm học thuật, nghiên cứu khoa học. Vì vậy, những sinh viên đam mê học thuật không có sân chơi để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Điều này có thể giải thích tại sao những ý tưởng khởi nghiệp hay những mô hình khởi nghiệp (start-up) của sinh viên Đà Nẵng không hoặc ít có khả năng cạnh tranh tại những cuộc thi khởi nghiệp trong nước.

Trong báo cáo công tác năm 2015, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng đã thừa nhận tồn tại, hạn chế của Thành Đoàn trong khả năng hỗ trợ thanh niên ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sáng tạo, học nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên còn thấp cả về chất lượng và số lượng.

Trong thời gian tới, để làm mới hoạt động Đoàn, anh Trần Vũ Duy Mẫn cho biết, sẽ tập trung xây dựng các CLB, đội, nhóm theo sở thích để gần gũi với nhu cầu của giới trẻ hơn. Thêm vào đó, sẽ tập trung đưa các phong trào, nội dung sinh hoạt về địa phương, giảm hoạt động lớn cấp thành phố. Để khắc phục tình trạng khu dân cư “trắng” chi đoàn, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng kiến nghị hình thức sinh hoạt hai chiều.

Tại rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về mô hình hoạt động cho Đoàn Thanh niên từng diễn ra, không ít ý kiến cho rằng, thanh niên thời đại nào cũng có nhu cầu, khát khao sống đẹp, cũng có lý tưởng sống cho riêng mình.

Thay vì nghĩ thanh niên có còn cần Đoàn, cần Hội, thì Đoàn Thanh niên và Hội LHTN nên tự hỏi 2 tổ chức này đã thực sự hiểu thanh niên muốn gì, cần gì chưa. Đoàn phải hành động để xóa bỏ suy nghĩ “Đoàn chỉ là nơi ăn chơi nhảy múa”. Bởi lẽ, có thể thấy, cái lợi lớn nhất mà Đoàn đem lại cho thanh niên là kỹ năng sống!

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.