Chính trị - Xã hội

Đối thoại đầu tuần

Tiến cử người tài

07:55, 01/02/2016 (GMT+7)

Trước đây ta có gì dùng nấy, ai đến với thành phố ta đều nhận rồi mới tìm chỗ phù hợp để bố trí họ. Lần này phải đổi mới làm khác đi, tức phải xác định vị trí việc làm, khung năng lực rồi mới tìm người, tiến cử người tài vào vị trí đó.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng về vấn đề đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng khẳng định tiến cử sử dụng người tài phải tuân thủ phương châm vì việc mà bố trí người.

Bác sĩ là ngành thu hút nhân lực chất lượng cao nhiều.                                         Ảnh: MAI TRANG
Bác sĩ là ngành thu hút nhân lực chất lượng cao nhiều. Ảnh: MAI TRANG

* Tại hội thảo về giải pháp thực hiện 3 đột phá phát triển KTXH nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ thành phố, có ý kiến cho rằng cần thực hiện tiến cử người tài. Đây có phải một trong những yêu cầu phải đổi mới trong công tác thu hút, đào tạo, bố trí sử dụng người tài, thưa ông?

- Đại hội XXI của Đảng bộ thành phố xác định 3 đột phá phát triển kinh tế- xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác thu hút, đào tạo, bố trí sử dụng nhân tài không phải là mới đối với Đà Nẵng. Chúng ta đã làm việc này 16 năm rồi và đạt được nhiều thành công. Nhưng khát vọng của Đà Nẵng chưa bao giờ dừng lại. Do đó cần thiết phải đổi mới cách làm trong thu hút, đào tạo, bố trí sử dụng nhân tài. Nội dung này đã được đề cập tại hội thảo tìm giải pháp thực hiện 3 đột phá phát triển KT-XH vừa qua, trong đó có ý kiến đề xuất có hình thức tiến cử người tài.

Tôi nhớ là có vài khóa các Thành ủy viên đã thực hiện giới thiệu cán bộ trẻ có triển vọng phát triển nhưng chưa thực sự tiến cử vào vị trí nào cụ thể.  Theo tôi tiến cử ai đó là người tài, trước đó phải xác định được vị trí để bố trí đúng người đúng việc.

Trước đây ta thu hút, đào tạo nhân tài về rồi mới tìm chỗ để bố trí cho họ. Nay, để đáp ứng yêu cầu tạo đột phá phát triển thành phố cần phải đổi mới công tác này. Trước hết cần phải xác định được nhu cầu vị trí việc làm, yêu cầu về khung năng lực của vị trí đó rồi mới tìm người đáp ứng được các yêu cầu để bố trí vào vị trí này. Vị trí đó có thể là vị trí lãnh đạo, quản lý, hoặc chuyên gia về lĩnh vực nào đó.

* Nếu tiến cử người tài vào vị trí lãnh đạo, quản lý nhưng người đó không nằm trong quy hoạch cán bộ, liệu có trái quy trình công tác cán bộ không?

- Không sao hết, chưa quy hoạch thì ta sẽ quy hoạch. Cái mình gọi là đúng quy trình có khi rất nguy hiểm vì nhiều khi đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc. Còn khi đã đúng người, đúng việc rồi thì tức khắc quy trình đúng.

Lâu nay ta thường hiểu đúng quy trình cán bộ là đúng trình tự thủ tục từ quy hoạch rồi đến đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí… Nay cần phải hiểu quy trình ở đây là quy trình để tuyển chọn đúng người, bố trí đúng việc chứ không phải quy trình chỉ làm đủ trình tự thủ tục. Cái thực sự cần thiết là xác định vị trí rồi xác định yêu cầu của vị trí đó và tìm người đáp ứng được yêu cầu của vị trí đó.

* Như vậy một người tài ở khu vực tư nhân nếu có nguyện vọng và đáp ứng được yêu cầu cũng có thể được bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý của khu vực công?

- Không cần biết anh là ai nếu anh đáp ứng được yêu cầu của vị trí đó. Nếu trống một ghế nào đó ta cần xác định cái ghế đó đòi hỏi những yêu cầu gì về mặt chính trị, về mặt năng lực chuyên môn, về mặt quan hệ... Nói chung là tài, đức, tâm, tầm cần cỡ nào. Thế bây giờ ta mới xét tại chỗ có ai đáp ứng được yêu cầu này không. Nếu không có, ta cần có sự lựa chọn từ bên ngoài.

* Thưa ông, người tiến cử có phải chịu trách nhiệm về người tài mà mình đã tiến cử cho tổ chức không?

- Hiện nay, chưa có khen thưởng cũng chưa có kỷ luật về việc này. Trách nhiệm chủ yếu vẫn thuộc về cơ quan làm công tác tổ chức. Nhưng nhiều khi giống quýt trồng ở vùng đất này thì cho trái ngọt nhưng đem về vùng đất khác lại cho trái chua. Đó là do người sử dụng, do môi trường lao động làm cho người tài thui chột tâm huyết, mài mòn tài năng.

Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm của cơ quan làm công tác tổ chức phải chịu trách nhiệm ở khâu thu hút, đào tạo người tài. Cơ quan sử dụng người tài cũng phải có trách nhiệm trong việc bố trí sử dụng người tài. Còn người tiến cử hiện nay mới chỉ là người giới thiệu, người mách cho cơ quan làm công tác tổ chức chứ họ không có quyền quyết định thâu nhận người mà mình tiến cử.

* Nếu người được tiến cử có quan hệ “con ông cháu cha” thì có buộc phải nhận không, thưa ông?

- Đó là kiểu nhận người mơ mơ hồ hồ mà chưa xác định vị trí việc làm và yêu cầu của nó. Trong tiến cử có thể có người vì tâm huyết với thành phố mà tiến cử, nhưng cũng có thể có người vì muốn con cháu có việc làm, vì chỗ đó béo bở mà đưa con cháu mình vô.

Tiến cử cũng có thể là con dao hai lưỡi. Cho nên vấn đề tuyển dụng phải nâng lên tầm chuyên nghiệp. Chính cơ quan làm công tác tổ chức phải là người xác định vị trí việc làm nào cần thiết, khung năng lực của vị trí đó và cũng chính cơ quan này phải có trách nhiệm thẩm định nhân sự do các nguồn giới thiệu đến xem có đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm đó.

Người tiến cử chỉ là cộng tác viên cho cơ quan làm công tác tổ chức. Cơ quan này phải chịu trách nhiệm lớn nhất về việc tiến cử. Tiến cử ở đây phải theo nguyên tắc vì việc mà bố trí người, tiến cử theo vị trí việc làm, công bằng, công khai minh bạch. Như vậy tiến cử người tài mới có đột phá.

* Theo ông, có nên coi chức vụ lãnh đạo như một đãi ngộ chủ yếu đối với người tài?

- Trong đãi ngộ nhân tài có mấy cái nhưng cái quan trọng nhất vẫn là sự tôn vinh người tài. Phải làm sao tôn vinh phải đi liền với mức độ đóng góp chứ không phải đi liền với chức vụ. Nói vậy, chức vụ cũng là sự cống hiến ở vị trí đó.

Ai đó có công trình sáng tạo có giá trị cao, thậm chí những người công nhân bình thường nhưng có thành tích xuất sắc cần phải được tôn vinh với công trình, thành tích của họ. Ở Việt Nam mình muốn được tôn vinh thì phải vào quan chức. Cho nên người ta sẵn sàng từ bỏ đam mê nghiên cứu, sáng tạo để trở thành quan chức.

Ví dụ khán giả xem cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế ngồi ở khán đài trung tâm là ai, toàn quan chức. Ngay như tôi lúc còn là Thường vụ Thành ủy chắc chắn là được ngồi ở khán đài trung tâm rồi, làm gì có những người công nhân quét đường có thành tích xuất sắc.

* Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!

Thái độ mới là quan trọng

Người tài năng, chân chính thật sự họ không nhìn vào cái gì anh hứa sẽ dành cho họ mà họ sẽ nhìn anh đối xử với người tài, với những trí thức mà anh đang có như thế nào. Ngay tại chỗ, nếu anh biết cách tìm ra thì biết bao nhiêu là tài năng, chất xám.

Trọng dụng tài năng không nhất thiết là mời họ về làm việc, đôi khi chỉ là một cuộc mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu cấp quốc gia, quốc tế về thăm thành phố rồi trong cuộc trò chuyện họ vô tình bật ra ý tưởng cho mình. Vấn đề ở chỗ là người lãnh đạo phải đủ năng lực nhận ra những ý tưởng mới, đôi khi hơi điên điên nhưng nó có khả năng thành hiện thực thì nên đưa nó vào để hoạch định chính sách phát triển thành phố.

SƠN TRUNG thực hiện

.