Thời sự và bàn luận
Sao chỉ có Hà Nội?
“Có chuyện ni hấp dẫn ông ơi: Từ ngày 1-2, Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ đó. Ông ra Hà Nội thì nhớ đi taxi, có đi bộ thì phải ngắm đường nghe?”. Một người bạn gọi điện nhắn nhủ. “Thôi ông ơi, chuyện của thủ đô, mắc mớ chi tới mình mà nói cho mệt; với lại chuyện có đáng chi đâu!”.
“Ông xem lại đi, chuyện của thủ đô nhưng là chuyện của cả nước đó nghe; cả Đà Nẵng cũng có chuyện ni, nhất là năm 2016 cũng là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đó!”.
Nghe khuyến cáo của người bạn, giật mình liếc qua thông tin trên báo, mới hay chuyện người đi bộ vi phạm an toàn giao thông để lại hậu quả không nhỏ. Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong đó TNGT liên quan đến người đi bộ xảy ra 112 vụ, TNGT do người đi bộ gây ra 33 vụ…
Đồng thời, nhớ lại những vụ TNGT đường bộ trên cả nước mới thấy, hiểm họa do người đi bộ tham gia giao thông sai quy định gây ra cũng rất nghiêm trọng. Có trường hợp, vì tránh người đi bộ băng qua đường không quan sát, mà cả ô-tô chở khách lao xuống ruộng, tông vô lề hay “đấu đầu” với xe khác… gây thương vong rất lớn; rồi xe máy tránh người đi bộ, va quẹt, gây tai nạn chết người. Vì chỉ chú ý đến tai nạn của xe máy, ô-tô…, mà thường cơ quan chức năng cũng như người tiếp nhận thông tin bỏ qua nguyên nhân gây tai nạn chính là do người đi bộ!
Chính vì vậy, khi nghe cơ quan chức năng xử phạt người đi bộ, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên vì cho rằng xử phạt chi ba cái vụ lẻ tẻ đó, mà không thấy rằng, hậu quả do người đi bộ vi phạm an toàn giao thông gây ra không phải là… lẻ tẻ.
Trong khi đó, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 cũng đã đề cập cụ thể mức phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và giao thông đường sắt đối với người đi bộ.
Theo đó, mức phạt thấp nhất từ 50.000 – 60.000 đồng đối với người đi bộ “không đi đúng phần đường quy định”; cao nhất là 80.000 – 120.000 đồng đối với hành vi “đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”.
Qua nội dung Nghị định 171/2013/NĐ-CP, mới hay dân đi bộ của mình phạm luật quá trời, nhưng 2 năm qua chẳng có trường hợp nào bị phạt; có khi là nguyên nhân gây tai nạn nghiêm trọng nhưng chẳng có ai bị xử phạt hành chính cũng như hình sự… nên chuyện vi phạm diễn ra thường ngày thành… quen! Băng qua đường, thích qua lối nào cũng được, chẳng thèm nhìn trước ngó sau; leo qua dải phân cách để lên đường cao tốc đón xe hoặc qua nhà hàng xóm bên kia đường chơi…
Chuyện đó diễn ra như cơm bữa, từ thành thị đến nông thôn, nên khi cơ quan chức năng tiến hành xử phạt thì nhiều người bị sốc. Nhưng sốc mấy ngày đầu, để lập lại trật tự an toàn giao thông, thiết nghĩ là việc phải làm và cần làm, không thể chậm trễ hơn được nữa!
Là đô thị hướng đến thân thiện, an bình, thiết nghĩ, Đà Nẵng cũng cần nghiêm túc triển khai xử phạt người đi bộ vi phạm an toàn giao thông. Bởi đó không chỉ là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị như chủ đề đã triển khai trong năm 2015 và tiếp tục năm 2016, mà chính là thực hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật” như phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh trong Diễn văn bế mạc Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý thành phố bằng pháp luật”.
Tuy nhiên, để thực sự xây dựng tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tạo điều kiện để người dân chấp hành pháp luật, điều cần thiết phải làm, chính là xây dựng thiết chế, hạ tầng, cơ sở vật chất… bảo đảm.
Như khi xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông, thì cũng phải tính đến chuyện làm đường thông hè thoáng, có lối đi dành cho người đi bộ, kẻ vạch sang đường cho người đi bộ… Việc xử phạt cũng phải nghiêm minh, công bằng, để người dân tuân thủ một cách nghiêm túc, từ đó ý thức về thói quen chấp hành pháp luật, từ những việc nhỏ đến việc lớn.
Anh Quân