Chính trị - Xã hội
Đồng đội một thuở ở xứ Chùa Tháp
Hơn 30 năm đã qua, vậy mà giờ đây khi nhắc đến những năm tháng ở chiến trường K, các cựu chiến binh (CCB) Võ Văn Dũng, Nguyễn Viết Tuấn và Nguyễn Văn Toàn vẫn bồi hồi xúc động. Cuộc sống mưu sinh bộn bề khó khăn vẫn không xóa nhòa bao kỷ niệm một thuở sống chết có nhau ở Đại đội 4 (“xê” 4), Tiểu đoàn 2, Đoàn 5503.
Từ trái sang: Các cựu chiến binh Võ Văn Dũng, Nguyễn Viết Tuấn và Nguyễn Văn Toàn. |
Cõng tiểu đoàn trưởng vượt 25km
Nhiều lần được mời dự gặp mặt truyền thống Đoàn 5503 hay Tiểu đoàn 2 tại Đà Nẵng, lúc nào anh Võ Văn Dũng cũng bận rộn với vai trò cơm-áo-gạo-tiền, quán xuyến các việc trong ban liên lạc. Nếu anh là “chức sắc” thì không có gì lạ; đằng này trước khi xuất ngũ, anh chỉ là hạ sĩ quan.
Đồng đội ai cũng bảo: “Không có cậu ấy thì gay. Nào là ủy viên Ban liên lạc của Đoàn, Phó ban liên lạc của tiểu đoàn, rồi Trưởng ban liên lạc của Đại đội 4. Cậu ấy chủ trì việc vận động tiền, quà thăm đồng đội ốm đau, khó khăn. Nhiều cuộc gặp của đại đội thiếu vài triệu đồng, một tay Dũng lo luôn. Dũng là chủ một quán karaoke trên đường Phan Châu Trinh, kinh tế chỉ hơn anh em chút đỉnh chứ giàu có gì đâu”.
Năm 1983, Võ Văn Dũng nhập ngũ rồi làm nghĩa vụ quốc tế ở huyện Tha La, tỉnh Strung Treng, Campuchia. Tết đầu tiên xa nhà lại là năm nhận nhiệm vụ trinh sát tuần tra trong rừng suốt 7 ngày. Thức ăn là cơm sấy, thịt hộp, mắm đông cô.
Đối với Dũng, cảm nhận Tết ở quê nhà là khi anh nghe tiếng pháo giao thừa từ máy của chiến sĩ thông tin. Nhớ cha mẹ, nước mắt anh chảy dài. Dũng học xong thì vào bộ đội, chưa làm được gì để giúp đỡ gia đình, đó là chưa kể liệu có thể trở về hay ngã xuống ở nước bạn như bao đồng đội.
Nhưng rồi anh nhanh chóng gạt bỏ một thoáng yếu đuối để trở về với thực tại, tiếp tục cùng đồng đội tuần tra không để Pol Pot phá hoại cuộc sống yên lành của người dân.
Tôi trêu: “Lính trinh sát thường nhỏ con nên dễ luồn rừng, lách đạn; anh to cao thế, chắc không hợp lắm?”. Không ngờ Dũng sôi nổi hẳn: “Nhờ to cao mà cõng được tiểu đoàn trưởng bị thương về đến nơi an toàn”. Anh kể: “Ngày đó, mình đi truy quét thì gặp địch ở Luông-chơ-ray, huyện Tha La. Sau khi phục và tiêu diệt được một nhóm Pol Pot, quay lại thì đơn vị đã rút hết, chỉ còn lại Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Xuân Tống bị thương bể xương chậu khuất sau bụi cỏ.
Sau khi băng tạm, mình cõng anh ấy vượt 25km đường rừng mặc cho lính Pol Pot đuổi theo, đạn líu chíu phía sau. Về đến đơn vị, được cứu chữa kịp thời nên anh ấy hồi phục. Sau ngày về nước, anh đến thăm mình một lần. Chuyến ấy mình được cấp trên khen thưởng, 3 năm hoàn thành nghĩa vụ có cả 2 huân chương...”.
4 ngày đi tìm thi thể đồng đội
Yêu thương nhau, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng sống chết bên nhau, đó là phẩm chất của những người lính “xê” 4. Nếu không thế làm sao có chuyện đồng đội hy sinh 4 ngày vẫn tìm ra được thi thể.
CCB Nguyễn Văn Toàn đăm chiêu nhớ về một thời máu lửa. Đó là một ngày nguyệt thực cuối năm 1984. Đơn vị nhận được tin báo lính Pol Pot sẽ đi qua nên cử 17 cán bộ, chiến sĩ đón lõng. Trận này ta tiêu diệt hơn 70 tên. Về phía đơn vị có 4 đồng chí hy sinh.
Dứt trận đánh, quay lại tìm đồng đội hy sinh thì chỉ thấy có 3 người, không tìm thấy Nguyễn Văn Ân, quê Điện Thắng, Điện Bàn. Mới 16 giờ mà trời đã tối sầm. Mọi người đành trở về đơn vị. Ngày hôm sau, 50 chiến sĩ tiếp tục lùng sục gần như nát cả khu rừng nhưng vẫn không thấy tung tích Ân.
Quá đói và mệt sau 3 ngày quy định nhưng anh em bảo nhau quyết kéo thêm ngày thứ tư. Lần này, anh em chú ý các bọng cây bằng lăng to đã khô. Đúng như dự đoán, do trời tối nên bọn Pol Pot nhầm lẫn đã bỏ Ân vào đó cùng với nhiều lính của chúng. Thi thể đã phân hủy, cũng không thể phân biệt bằng quần áo, các anh lật bên trong chiếc nút nịt quần thì thấy chữ Ân...
Anh Tuấn kể rằng, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ của người lính tình nguyện không chỉ thể hiện ở lời thề thứ 7, thương yêu nhau như ruột thịt mà còn thể hiện ở tình cảm quốc tế cao cả. Đầu mùa khô năm 1983, “xê” 4 phối hợp với Huyện đội Tha La truy quét tàn quân ở giáp tỉnh Prêchvihia.
Gặp địch, bên Huyện đội bị thương 2 người, trong đó một người bị đứt mạch máu dưới chân. Đại đội trưởng Tâm bảo y tá Quang khẩn trương băng bó, cấp cứu cho bạn, sau đó cử người khiêng vượt rừng về căn cứ. Phía bên ta bị thương 3 người, trong đó có anh Tuấn, nhưng mọi người vẫn cố dìu nhau đi, ưu tiên cáng cho bên Huyện đội.
Chính nhờ đoàn kết, hiệp đồng tốt, Tiểu đoàn 2 đã lập công xuất sắc suốt những năm làm chuyên gia ở xứ Chùa Tháp. Có người đã trưởng thành như Tiểu đoàn trưởng Ngô Quý Đức sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5.
Ấm áp giữa đời thường
Trong đội hình tiểu đoàn, “xê” 4 đứng chân độc lập sát biên giới với Thái Lan vừa tham gia tác chiến, truy quét vừa hỗ trợ, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, quân số đơn vị cứ hao hụt dần, có khi chỉ còn một nửa. Nhưng chính sự hy sinh, gian khổ đã tôi luyện bản lĩnh người chiến sĩ.
Anh Nguyễn Viết Tuấn, con trai chủ một lò sản xuất bánh mì ở Đà Nẵng, sức vóc trói gà không chặt, vậy mà sang Campuchia một mình một khẩu đại liên M60 hơn 2 năm giữ chốt ở Pla Thành. Có những đợt Pol Pot tập kích, Tuấn dũng cảm bám trụ, không để mất chốt. Giải ngũ, bôn ba với đủ ngành nghề mưu sinh nhưng anh chưa bao giờ tiếc nuối những năm tháng đã sống và chiến đấu.
Nguyễn Văn Toàn, con Phó Giám đốc Sở Lương thực của tỉnh lúc bấy giờ, học giỏi, đã được nhắm sẵn một suất du học ở Liên Xô (cũ) nhưng khi có tổng động viên đã viết đơn bằng máu để bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Hiện nay, anh làm thợ xây dựng di chuyển khắp cả nước nhưng khi đồng đội gọi, anh đều có mặt.
Nơi tập trung đông đảo nhất lính “xê” 4 là Điện Bàn với hơn 30 CCB gắn bó như anh em một nhà. Khi gia đình của đồng đội có việc hiếu, hỉ, tất cả lại chung tay thăm hỏi, gánh vác, sẻ chia. Một người gả vợ, chồng cho con thì hàng chục anh em thuê xe đến dự. Họ tự hào suốt 10 năm nay vẫn thủy chung, gắn bó. Những câu chuyện về một thời chinh chiến luôn được nhắc đến trong cả niềm vui lẫn nước mắt.
Bài và ảnh: HỒNG VÂN