Chính trị - Xã hội

Lựa chọn người để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND

08:08, 17/02/2016 (GMT+7)

Điều 50 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định trước 95 ngày diễn ra bầu cử (tức đến cuối ngày 17-2-2016), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn thành Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND thành phố, quận, huyện và phường, xã; trước 90 ngày diễn ra bầu cử (22-2-2016), Thường trực HĐND phải hoàn thành việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu làm đại biểu HĐND từng cấp.

Sau đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương… có cơ cấu đại biểu tiến hành họp Ban lãnh đạo, hội nghị cử tri và họp Ban lãnh đạo mở rộng để thống nhất giới thiệu người đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử làm đại biểu HĐND từng cấp (theo quy định của luật, mỗi ứng cử viên chỉ được ứng cử nhiều nhất là 2 cấp HĐND).

Đây cũng là thời điểm các ứng cử viên tự ứng cử nộp hồ sơ. Tất cả hồ sơ người được giới thiệu và tự ứng cử phải nộp về Ủy ban Bầu cử nơi mình xin ứng cử chậm nhất trước 70 ngày diễn ra bầu cử (13-3-2016).

Đây là khâu rất quan trọng để chuẩn bị cho bầu cử (giới thiệu ứng cử viên), vì vậy, cần được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, bảo đảm chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, chất lượng đại biểu quyết định kết quả hoạt động của HĐND.

Căn cứ Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu HĐND phải bảo đảm 4 tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đồng thời, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Trên đây là những tiêu chuẩn chung nhất, yêu cầu mỗi một đại biểu phải hội đủ. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy tại các kỳ họp HĐND thường kỳ, đột xuất, hay tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhất là các phiên chất vấn trong kỳ họp, không phải đại biểu nào cũng hoạt động có chất lượng; thậm chí có những đại biểu tuy không vi phạm 4 tiêu chuẩn quy định nhưng suốt một nhiệm kỳ rất ít phát biểu, cứ “bình bình” theo kiểu “nước chảy bèo trôi” hoặc cứ “hiền hiền” chẳng làm mất lòng ai cả!

Thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị, địa phương khi chọn cử người đại diện đơn vị, cơ quan mình ra ứng cử lần này, ngoài việc bảo đảm các tiêu chuẩn theo luật định, cần hết sức chú ý đến đạo đức, trình độ, năng lực, bản lĩnh, nhất là khả năng phát biểu trước đám đông của đại biểu.

Thành phố Đà Nẵng được cả nước chú ý trong mỗi kỳ họp HĐND, nhất là các phiên chất vấn tại kỳ họp, là nhờ khả năng điều hành của chủ tọa, nhờ một số đại biểu luôn tỏ rõ bản lĩnh, có khả năng phát biểu “làm nóng” hội trường… Tất cả đều nhằm vào mục đích tối thượng là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân và đó cũng là bản chất của chính quyền chúng ta: chính quyền của dân, do dân và vì dân.

NGUYỄN ĐĂNG HẢI

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

.