Chính trị - Xã hội

Giám sát giúp cán bộ, đảng viên gần dân hơn

13:27, 03/02/2016 (GMT+7)

Làm cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (CBCCVCĐV) đương chức có mối quan hệ gắn bó với nhân dân, thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong cả phong trào, hoạt động cả nơi làm việc và nơi cư trú là việc làm cần thiết.

Giám sát để chống biểu hiện xa dân, “kín cổng cao tường” với cộng đồng. Đó chính là mục tiêu hoạt động giám sát CBCCVCĐV ở khu dân cư theo tinh thần Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, do Mặt trận các cấp đang triển khai bước đầu, có kết quả tốt.

Hòa Khánh Bắc là phường đầu tiên được chọn thí điểm Mặt trận giám sát CBCCVCĐV ở khu dân cư từ năm 2013. Đến nay, công tác này đã đi vào nền nếp, bài bản. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Văn Trung cho biết, năm đầu thực hiện, cán bộ Ban Công tác Mặt trận (BCTMT) khu dân cư còn bỡ ngỡ, lúng túng về nội dung giám sát.

Bây giờ, tích lũy kinh nghiệm tốt và triển khai hiệu quả. Đối với CBCCVCĐV của phường, Mặt trận thực hiện giám sát quá trình thực thi công vụ, những vị trí công tác có liên quan đến quyền lợi của người dân.

Nội dung giám sát được xây dựng thành biểu mẫu cụ thể gồm: Mối quan hệ với nhân dân (ghi rõ số lần tham gia họp tổ dân phố), mức độ hoàn thành nghĩa vụ công dân, góp ý kiến tham gia xây dựng phong trào địa phương hoặc khu dân cư. Mỗi nội dung có 3 mức độ đánh giá: Tốt, khá, yếu áp dụng với CBCCVCĐV cấp phường và quận đang cư trú trên địa bàn.

Những trường hợp được đánh giá yếu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường mời gặp mặt để nhắc nhở, nếu không chuyển biến sẽ phối hợp với chi ủy, BCTMT khu dân cư (KDC) có văn bản gửi cơ quan nơi CBCCVCĐV đó làm việc. Kết quả giám sát cho thấy, CBCCVCĐV đồng tình với chủ trương này và có ý thức tự giác tham gia các hoạt động của KDC, giữ mối quan hệ với nhân dân thường xuyên.

Trưởng BCTMT số 3 - Quang Thành 4A, Phạm Hữu Du cho hay: Chúng tôi công khai ngay nội dung giám sát tại cuộc họp tổ dân phố có sự tham gia của đối tượng chịu sự giám sát để nhân dân biết và cùng thực hiện. Việc này có hiệu quả rất tốt.

Những trường hợp vắng họp tổ dù chỉ một lần thôi là được nhắc nhở ngay. Kết quả giám sát này cũng sẽ phục vụ tốt cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp sắp đến.

Mặt trận quận Hải Châu và 3 phường triển khai hoạt động giám sát từ năm 2014 đi vào những nội dung người dân quan tâm, bức xúc nhất. Hoạt động giám sát của Mặt trận quận đã góp phần thúc đẩy các cơ quan hành chính quận tập trung làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết rốt ráo đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tại 13 phường, hoạt động giám sát tập trung vào CBCCVCĐV ở những vị trí tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, quản lý tài chính, quản lý đất đai, tư pháp, quản lý vốn vay hỗ trợ giảm nghèo. Qua giám sát, Mặt trận phường đã phát hiện một số sai phạm và kiến nghị xử lý.

Năm 2015, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu đưa hoạt động giám sát theo các chuyên đề liên quan thiết thực đến người dân: Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, thực hiện pháp luật hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác xét xử án dân sự, trật tự đô thị, thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy; từ đó tạo chuyển biến tích cực trong thái độ thực thi công vụ của CBCCVCĐV cũng như chất lượng, hiệu quả công việc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Bình Huỳnh Trung Dũng cho biết: Trước khi triển khai giám sát CBCCVCĐV, tại nơi cư trú luôn có những trường hợp “kín cổng cao tường”, không quan hệ, tiếp xúc với nhân dân.

Khi hoạt động giám sát được công khai đến đối tượng chịu sự giám sát, tình hình có chuyển biến tích cực. Năm 2016, Mặt trận phường sẽ mở rộng giám sát đến đối tượng cấp thành phố và Trung ương đang cư trú trên địa bàn. Không giám sát tràn lan, Mặt trận phường sẽ lấy phiếu thăm dò từ nhân dân ở khu dân cư để tiến hành tập trung giám sát vào những trường hợp được người dân phản ánh chưa gắn bó với nhân dân.

Quan điểm của Mặt trận phường là hoàn thành nghĩa vụ công dân thôi chưa đủ. “Anh chỉ được nhận xét tốt khi tham gia sinh hoạt với nhân dân, có ý kiến góp ý xây dựng phong trào khu dân cư và của phường”, ông Dũng nói.

Thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận, các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp nắm chắc hơn về tình hình CBCCVCĐV do mình quản lý về năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân… ở nơi cư trú.

Để hoạt động giám sát của Mặt trận có hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận không chỉ đáp ứng về năng lực giám sát mà còn phải thể hiện được tính độc lập, khách quan, có bản lĩnh và thể hiện tính thiện chí xây dựng.

SƠN TRUNG

.