Chính trị - Xã hội
Quảng Nam - Đà Nẵng sau Hiệp định Genève
Kỳ cuối: Những trận đánh nổi bật
Thực tiễn tại chiến trường càng làm sáng tỏ nhận định của ta là địch sẽ không thi hành Hiệp định ngay từ đầu năm 1954; bản chất xảo quyệt, thâm độc, tội ác của kẻ thù ngày càng bộc lộ sâu sắc và tội ác của chúng ngày càng chồng chất thêm. Lòng căm phẫn uất ức đối với Mỹ - Diệm ngày càng lên cao. Một số nơi, cán bộ, đảng viên, quần chúng cơ sở họ tự tìm vũ khí, rèn giáo mác sẵn sàng đánh địch. Đồng bào dân tộc và số cán bộ cơ sở ở làng Ông Tía, huyện Giằng đã nổi dậy dùng dao, mác, tên, thò, tiêu diệt một trung đội địch rồi kéo vào rừng sâu lập làng chiến đấu.
Thời cơ cách mạng đã đến, Nghị quyết 15 năm 1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã ra đời, tinh thần nghị quyết là cho tổ chức đấu tranh vũ trang để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. Ta phải diệt ác, phá kèm, phải đánh đổ địch từng phần, giành thế chủ động và thắng lợi từng bước, phải diệt bọn ác ôn đầu sỏ ngay trong ấp, trong thôn, trong xã, phá tan ấp chiến lược ở từng thôn, từng xã. Phát động phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh chống địch, từng bước giải phóng các vùng giáp ranh, làm bàn đạp giải phóng nông thôn, đồng bằng tiến đến bao vây thành thị.
Nhớ lại đầu năm 1958, tôi được đi cùng anh Trần Lương, anh Năm Bông – Bí thư và Phó Bí thư Khu ủy 5; trong Nam có các anh Phạm Văn Xô, anh Phan Văn Đáng... ra Hà Nội dự Hội nghị Trung ương 15 khóa II mở rộng để báo cáo tình hình miền Nam, Khu 5 cho Bác Hồ và Trung ương, tham gia thảo luận Nghị quyết Trung ương về cách mạng miền Nam (Nghị quyết 15 năm 1959). Tại hội nghị, tôi tranh thủ tích cực phát biểu tham gia. Sau khi tiếp thu Nghị quyết Trung ương 15 về Bác Hồ cho ăn kẹo, Bác hỏi các chú đã thông Nghị quyết Trung ương chưa, hồi lâu chưa thấy đồng chí nào phát biểu, tôi thưa với Bác, thật tình cháu chưa thông. Bác chỉ tay vào tôi và nói: “Chú này hiếu chiến”. Tôi nói thưa Bác, với lãnh tụ thì tôi không thể dối lòng vì Nghị quyết 15 Trung ương mới cho “Đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị”. Theo tôi, lúc này cách mạng miền Nam là phải dùng bạo lực. Cách mạng là phải đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, nên phải dùng vũ trang đánh mạnh để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị.
Khi về, anh Trần Lương nói với tôi: “Đồng chí chưa thông thì ở lại tiếp tục học”, tôi nói: “Đã chưa thông thì có học mấy cũng chưa thông. Nói với lãnh tụ thì tôi không thể dối lòng, còn nói với người khác thì tôi nói thông”.
Anh Năm Công, anh Trần Lương về lại Khu 5 tháng 5 năm 1959, tôi đến tháng 10 năm 1959 mới về. Thời gian ở lại miền Bắc tôi tranh thủ xin bác sĩ nhổ hết 2 hàm răng lúc tôi chưa đầy 42 tuổi và xin làm 2 bộ răng giả để về lại chiến trường đỡ vất vả. Tôi nhớ trước khi ra Hà Nội, vì ở chiến trường khổ cực, thiếu thốn, 2 hàm răng tôi tấy mủ đau buốt, như muốn rụng, không ăn uống gì được. Tìm được ít củ khoai sống thì phải nhờ đồng chí bảo vệ nhai nhỏ bón cho.
Lúc này tôi cũng tranh thủ báo cáo Trung ương xin một số cán bộ của tỉnh đi tập kết về lại Quảng Nam-Đà Nẵng.
- Cán bộ chính trị có các đồng chí: Hồ Nghinh, Võ Văn Đặng, Phạm Đức Nam, Trần Minh Mẫn, đồng chí Châu, đồng chí Linh, đồng chí Hựu...
- Cán bộ quân sự từ Trung úy trở lên có đồng chí: Đặng Hòa, Đỗ Phú Đáp, Nguyễn Chơn, Đinh Châu, Trần Tốc, Hồ Công Nông, đồng chí Phụng, Nguyễn Điểu, Năm Cảnh, Kim Anh, Nguyễn Sang, Nguyễn Thành.
- Cán bộ đặc công: đồng chí Phan Dân (Ba Dân), đồng chí Phước, đồng chí Ngọc, đồng chí Thành, đồng chí Thọ, đồng chí Búa, đồng chí Hồng...
- Cán bộ Quân báo: đồng chí Đặng Đình Vân, đồng chí Nguyễn Quyết, đồng chí Phương.
- Cán bộ Công an: đồng chí Hoàng Tuấn Nhã...
- Cán bộ Kinh tài: đồng chí Phạm Đức Nam, đồng chí Hựu, đồng chí Vinh, đồng chí Ngô Châu Linh, đồng chí Tưởng Cơ.
- Cán bộ y tế: đồng chí Hiệp (nữ bác sĩ), y sĩ Lệnh, đồng chí Phương y tá trưởng, đồng chí Lâm y tá trưởng.
- Cán bộ về thành phố Đà Nẵng: đồng chí Hà Kỳ Ngộ, đồng chí Sáu Hưng, đồng chí Đà (Khoang), đồng chí Phan Hiền, đồng chí Nguyễn Hữu Ni.
- Huyện Thăng Bình có: Ngô Thanh Dũng, đồng chí Bốn Tuấn, đồng chí Vũ, đồng chí Hải…
Về lại Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi đề nghị tỉnh nhanh chóng rút người ở dưới đồng bằng lên tổ chức lò rèn để rèn rựa, rìu, cuốc, xẻng, giáo, mác... cung cấp cho cơ quan bộ đội, cán bộ dùng và đem đổi cho đồng bào dân tộc lấy lương thực, thực phẩm. Tổ chức các đội sản xuất, trồng lúa, bắp, khoai, sắn, chăn nuôi... để tự túc lương thực nuôi quân đánh giặc, rút thanh niên lên xây dựng lực lượng vũ trang cho huyện, cho tỉnh, tăng cường cho khu; tổ chức xưởng giấy, xưởng in...
Ta tổ chức quán triệt nghị quyết, chủ trương của Đảng đến cơ sở, bàn các nhiệm vụ tổ chức thực hiện cụ thể nghị quyết. Nhanh chóng thành lập các đội vũ trang quân sự, đặc công của tỉnh.
Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang lúc này là tập trung diệt bọn ác ôn đầu sỏ, bọn công an, cảnh sát ngụy hống hách, kèm kẹp nhân dân và số tên có nợ máu với nhân dân, như ta đã diệt tên Trần Quang, Quận phó Điện Bàn; tên Ba Danh, Chi trưởng cảnh sát huyện Đại Lộc, sau đó tiến hành phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược như ấp chiến lược Giáo Ái (Đại Lộc), ấp chiến lược Phú Hương (Quế Sơn)...
Kết quả diệt ác, phá kèm dần dần tạo được thế để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị đạt được nhiều kết quả, quần chúng nhân dân phấn khởi. Dần dần về sau, Đảng cho chủ trương đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị. Ta tổ chức quần chúng đấu tranh với địch, kết hợp với đấu tranh vũ trang, song không để lộ lực lượng cán bộ của ta đang sinh sống, hoạt động hợp pháp; nhân dân phải biết tự bảo vệ mình, cán bộ hoạt động hợp pháp phải hoạt động khôn khéo che được mắt địch.
Nhìn chung, chủ trương đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, kết quả ngày càng phát triển mạnh, nhiều nơi ở Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc, Tiên Phước, Tam Kỳ... ta tổ chức đánh địch nhiều trận có kết quả, rút được bài học kinh nghiệm. Tỉnh ta lúc này đã xây dựng được một số đơn vị vũ trang mạnh như: đơn vị 1B, 1D, ta tổ chức đánh trận đầu ở Nam Hòa Vang thu nhiều thắng lợi, bắt được 2 tên cố vấn Mỹ, ta giáo dục nó giác ngộ rồi phóng thích. Trận đánh ở Ga La, ở Trao, đánh giải phóng Nà Chói và Ráy... Năm 1960, vùng núi Quảng Nam-Đà Nẵng cơ bản được giải phóng. Ta tiếp tục đánh mở rộng xuống vùng B Đại Lộc, địch phản kích, ta chuyển quân vào giải phóng Tứ Nhơn, Mỹ Lức rồi tiến đánh giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, tiếp là Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà (Tiên Phước). Ta bắt đầu mở chiến dịch đánh địch vượt sông Tiên, đánh xuống giải phóng tây Tam Kỳ, ở vùng Dương Yên, Tứ Mỹ, thôn 8 Kỳ Sanh, Khương Nhơn, Khương Thọ và Thăng Bình.
Những trận đánh nổi bật trong thời gian này như:
- Ta bắt đầu đánh Mỹ-ngụy hỗn hợp ở Nam Thành thắng lợi, Mỹ thua, Mỹ khóc, trận đánh Mỹ ở Kỳ Sanh. Kết luận “Mỹ tồi, đánh được”, làm bài học cho tỉnh, cho Khu 5.
- Trận nổi dậy của đồng bào miền núi ở làng Ông Tía, Phước Sơn, nhân dân ở đây đã dùng chông thò, súng kíp, trống mỏ kéo đến vây chặt đồn bốt của 1 trung đội địch làm chúng khiếp sợ đầu hàng, bỏ chạy, đồng bào thu được thắng lợi lớn. Để tránh địch khủng bố đồng bào đã bỏ làng vào rừng sâu lập làng chiến đấu. Qua đây ta rút được bài học về lãnh đạo nổi dậy đấu tranh chống địch.
- Trận đánh tiêu diệt tên Ba Danh, Chi trưởng cảnh sát huyện Đại Lộc. Trận đánh diệt mâm tề ngụy ở xã Điện Tiến, Điện Bàn. Cơ sở của ta đã tổ chức làm tiệc thịt dê chiêu đãi bọn chúng để bộ đội đặc công của ta mai phục đánh bất ngờ tiêu diệt gọn mâm tề này.
- Ở Điện Bàn, đội vũ trang của ta đã đánh được nhiều trận thắng lợi ở Kỳ Minh (Điện Thọ), Thanh Phong (Điện An), Điện Phước, Điện Hòa, trận đánh của 7 dũng sĩ Điện Ngọc, đánh bắt tên Nhung ác ôn ở Kỳ Minh, tên Quyền ở Thanh Phong, và một số tên: Nguyễn Văn Đàn, tên Tha, tên Hữu, tên Yến...
Nhiều xã ở vùng cát Điện Bàn như Điện Dương, Điện Nam, Điện Ngọc bọn ác ôn cũng bị lực lượng của ta đánh tiêu diệt, kẻ thù hết sức hoang mang, lòng dân thì tin tưởng phấn khởi. Thời gian này phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển mạnh hơn bao giờ hết, nhiều vùng nông thôn coi như được giải phóng.
(Nhật ký để lại của ông Mười Khôi)