“Nếu anh đưa ông tướng và anh binh nhì ra ứng cử, cử tri sẽ thấy ngay là “quân xanh, quân đỏ”. Trình độ nhận thức của cử tri nay khác nhiều rồi, nếu anh đưa người ra ứng cử mà vênh nhau quá xa về tầm của đại biểu dân cử có khi tác dụng ngược lại với điều anh mong muốn. Nên giới thiệu người ứng cử theo quan điểm để cử tri chọn ai cũng có thể xứng đáng”.
PGS,TS Hồ Tấn Sáng, Học viện Chính trị khu vực III, nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Đà Nẵng chung quanh vấn đề giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Giới thiệu người ứng cử đại biểu dân cử cần tạo nhiều sự lựa chọn cho cử tri bầu ai trúng cũng xứng đáng. Trong ảnh: Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND thành phố khóa IX. |
* Thưa ông, Chỉ thị số 51-CT/TW của Bộ Chính trị có nêu “Không đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ…”. Vậy làm thế nào để biết được những người như thế này để không giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử?
- Hiện nay, rất khó để phân định người nào đó cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực hay không. Bởi, người cơ hội thường “có khả năng” hay “kỹ năng” che đậy. Xác định người có trình độ, có điều kiện, có tâm - vì dân, vì nước để giới thiệu ứng cử đại biểu dân cử phụ thuộc và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị của người đó. Nếu ngành đó, cộng đồng đó có tổ chức Đảng thì trách nhiệm thuộc về cấp ủy.
Cấp ủy phải thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 51-CT/TW về nhiệm vụ “Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ…để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND”.
Tất nhiên, trách nhiệm này không chỉ thể hiện trong quá trình chuẩn bị nhân sự, mà phải có điều kiện và được kiểm chứng, xác định chủ yếu sau khi đại biểu đã “sắm vai”. Nói cách khác, cần có cơ chế để nếu sau khi trúng cử mà vị đại diện ấy không làm tròn trách nhiệm, thì tổ chức, đơn vị giới thiệu cũng phải liên đới chịu trách nhiệm
PGS,TS Hồ Tấn Sáng |
* Cụm từ “quân xanh, quân đỏ” luôn được nhắc đến trong các cuộc bầu cử. Vậy có cách nào hạn chế việc này để bảo đảm cử tri có nhiều sự lựa chọn và bầu ai trúng cử cũng xứng đáng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp lần này?
- Thực ra, người tài, người có tâm “lo cho dân, cho nước” hiện nay ở nước ta không thiếu. Việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu cơ quan dân cử, tất nhiên phải tuân theo luật định. Về trình tự, đã được quy định tại Điều 51 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng như theo hướng dẫn tại Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN và phải đảm bảo dân chủ.
Theo cảm nhận của tôi, trên thực tế thường thì việc giới thiệu vẫn đảm bảo đúng quy trình, đúng nguyên tắc nhưng không phải không bị chi phối theo ý chí chủ quan của lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng người ra ứng cử đại biểu dân cử.
Cho đến nay, nhìn chung cũng chưa có quy định nào để hạn chế “quân xanh, quân đỏ” trong bầu cử nói chung. Tuy nhiên, nếu anh đưa ông tướng và anh binh nhì ra ứng cử, cử tri sẽ thấy ngay là “quân xanh, quân đỏ”. Trình độ nhận thức của cử tri nay khác trước rất nhiều rồi, nếu anh đưa người ra ứng cử mà vênh nhau quá xa về tầm, về vị thế xã hội của đại biểu dân cử có khi tác dụng lại ngược với điều anh mong muốn…
Theo tôi, việc giới thiệu nhân sự ứng cử không chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn, điều kiện cần có của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà còn phải xem xét về bản lĩnh và kỹ năng làm đại biểu cơ quan dân cử nữa. Yếu tố bản lĩnh, kỹ năng thường được kiểm chứng thông qua quá trình hoạt động thực tiễn – những việc mà người đó đã làm, đã đấu tranh vì lợi ích chung.
Vì thế, nếu thực hiện dân chủ rộng rãi ngay từ đầu quá trình hiệp thương, giới thiệu đại biểu, tôi tin rằng, xác suất về sự xuất hiện những ứng viên hội đủ những tiêu chí để làm đại biểu cơ quan dân cử sẽ được tăng lên, hạn chế được phản ứng ngược của cử tri.
* Trước đây Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 đến nay. Cuộc bầu cử lần này sẽ tái lập HĐND huyện, quận, phường. Vậy theo ông, phải làm gì để bầu cử đại biểu HĐND ở các cấp này có chất lượng, không bị coi là có cũng được mà không có cũng được và rơi vào hình thức?
- Làm gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian để tăng hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước là xu thế chung của sự phát triển. Thực tiễn đã chứng minh từ năm 2009, Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, bộ máy gọn lại, giảm họp, tiết kiệm ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Thành phố vẫn giữ được tốc độ phát triển trên nhiều mặt, hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước vẫn đảm bảo, dân chủ được phát huy. Trong thời gian thực hiện thí điểm cũng cho thấy cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo, nhất là bổ nhiệm người đứng đầu một cấp hành chính ưu việt hơn.
Nếu bổ nhiệm anh làm chủ tịch UBND một địa phương mà anh không làm được thì tôi sẽ thay người khác ngay, không phải đợi đến kỳ họp của HĐND cấp đó mới thay được…Nhưng đó là “chuyện đã qua”.
Đến đây (sau bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ tái lập lại HĐND huyện, quận, phường với những điểm mới về cơ cấu tổ chức trong HĐND huyện, quận, phường. Đó là quyết định của Đảng ta sau một thời gian thử nghiệm mô hình thí điểm ở một số địa phương…
Hy vọng, (sự hy vọng là một liều thuốc tinh thần), sau kỳ bầu cử các cấp lần này, với những con người mới được lựa chọn, trao quyền trong HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, họ sẽ cố gắng thể hiện mình để tạo ra những cách làm mới, tạo nên những xung lực mới cho sự phát triển của thành phố trong thời kỳ mới.
Tất nhiên, điều đó có nghĩa là, trong bối cảnh chuẩn bị điều kiện cho kỳ bầu cử tới, các chủ thể lãnh đạo, quản lý phải huy động lực lượng, sử dụng đồng bộ các phương tiện truyền thông đại chúng để làm tốt công tác tư tưởng nhằm mục tiêu tổ chức thật tốt cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp; đặc biệt là lựa chọn cho được những đại biểu HĐND huyện, quận, phường thật sự chất lượng.
Bởi sự thống nhất về tư tưởng là tiền đề để tạo lập sự đồng thuận xã hội – mà cốt lõi là đồng thuận giữa Dân với Đảng. Khi Đảng với Dân đồng thuận, việc gì, khó mấy chúng ta vẫn hoàn thành.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
SƠN TRUNG thực hiện