Chính trị - Xã hội
Tiếng vọng từ Trường Sa
Tháng 3 lại về. Tiếng vọng từ Trường Sa, tiếng vọng tâm thức gợi nhớ về sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong trận chiến bảo vệ cụm đảo Gạc Ma - Cô Lin (quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988 vẫn day dứt, khắc khoải...
Mọi người dân Việt luôn hướng về Trường Sa yêu dấu, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Trong ngôi nhà nhỏ tại số 45 Nguyễn Thành Ý (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), người cha già run run đôi tay mân mê những kỷ vật còn lại của con trai. Đó là chiếc yếm hải quân đã cũ sờn qua năm tháng của liệt sĩ Lê Văn Xanh, 1 trong 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (Trường Sa) ngày ấy.
Ông Lê Văn Xuân, cha anh Xanh bảo, khi đó, anh còn trẻ lắm, rất trẻ, mới 20 tuổi thôi. “Nó là đứa hiền lành, ít nói và thương em. Ngày em nó đau, nó xin nghỉ học về phụ tôi đi làm kiếm tiền để chữa bệnh cho em...”, ông Xuân nhớ về Xanh, con trai cả của ông. Trước đó, khi được ra làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma, Xanh còn tự hào khoe với bố và gửi lời nhắn gửi về cho người yêu nơi quê nhà.
... Nhưng có ai ngờ, đó là lần cuối cùng ông Xuân được nhìn thấy con. Đêm trước ngày anh hy sinh, ông Xuân đang ngủ trong thuyền sau một ngày đánh cá thì mơ thấy anh về, một bên chân bị cụt, mình mẩy đầy thương tích nói: “Bọn con quyết giữ cờ
Tổ quốc nhưng không được bố ạ. Tụi nó bắn con rồi”. Ai ngờ giấc mơ khủng khiếp đó thành hiện thực. Tin báo anh Xanh hy sinh từ chiếc radio nhỏ xíu đã lấy nốt của người cha già niềm hy vọng là đứa con trai của mình còn sống. Bên cạnh ông là người vợ - người mẹ đang khóc ngất khi nghe tin dữ từ Trường Sa báo về.
“Mất con, ai mà không đau xót, nhưng nó hy sinh để bảo vệ Tổ quốc thì thật tự hào”, ông Xuân bảo. Sau đó 2 năm, tại một buổi họp với lãnh đạo địa phương, ông đã kiến nghị xây mộ gió cho các liệt sĩ Trường Sa để người thân có thể thắp nén hương tưởng nhớ các anh.
28 năm qua, những giọt nước mắt đã lặn vào trong, nỗi đau cũng đã lặn vào trong nhưng trong lòng người cha già vẫn chưa yên. Ngày nào ông cũng xem ti-vi, nghe radio và đặc biệt quan tâm tình hình Biển Đông. 76 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng ông vẫn nói vanh vách các thông tin thời sự.
“Tui nghe Trung Quốc xây căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo và cơ sở trên Biển Đông mà thực sự bất bình”, ông Xuân nói. Anh Lê Văn Chép, con trai út của ông Xuân cho biết, mấy ngày nay, bố không nuốt nổi cơm, cứ đi ra đi vào.
“Hỏi thì bố bảo nghe tin tàu cá Việt Nam bị tàu “lạ” đâm chìm ngay trên vùng biển thuộc lãnh thổ của mình, lòng bố như lửa đốt. Đã 28 năm rồi nhưng sao biển khơi vẫn còn dậy sóng hả con? Trong khi đó, mảnh đất máu thịt Hoàng Sa vẫn còn chưa trở về với lãnh thổ Việt Nam?”, anh Chép kể.
Mẹ Huỳnh Thị Kế lau di ảnh của con trai là liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn. |
Cũng như ông Xuân, trong câu chuyện kể của mẹ Huỳnh Thị Kế (ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, hy sinh tại đảo Gạc Ma cũng đau đáu nỗi niềm về vùng biển của Tổ quốc. Anh Đoàn là con trai một của mẹ, hy sinh năm 19 tuổi, cái tuổi đong đầy ước mơ và khao khát.
Đã 28 năm kể từ ngày anh hy sinh, mẹ Kế giờ đã già đi nhiều và sống một mình sau khi người chồng qua đời. Mẹ bảo, mấy hôm nay, mẹ mơ thấy Đoàn, thấy anh về chào mẹ. Mẹ cứ day dứt mãi cái ngày cuối cùng khi anh chuẩn bị đi Trường Sa về thăm gia đình nhưng không gặp được. Rồi ít lâu sau mẹ nghe tin anh hy sinh khi đang nắm chặt tay đồng đội bảo vệ cờ Tổ quốc. Những làn đạn vô nhân tính của kẻ thù đã nhắm thẳng vào những chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ xây đảo, tay không tấc sắt.
Bây giờ, mẹ thường mang di ảnh anh Đoàn ra lau chùi dù nó còn sạch bong. Bàn tay mẹ gầy gò run run lau từng góc ảnh như đang lau người cho đứa con trai bé bỏng ngày nào. Dù bận rộn với công việc bán rau quả ở chợ nhưng ngày nào mẹ cũng phải coi cho được các chương trình thời sự, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quần đảo Trường Sa, nơi con trai mẹ đã nằm lại...
“Mỗi khi nghe chương trình thời sự về tình hình trên Biển Đông, về những hành động phi pháp của Trung Quốc trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta là mẹ thấy đau lòng”, mẹ Kế cho biết.
Lúc 20 giờ 30 ngày 12-3 và lúc 16 giờ ngày 13-3, Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV1) phát chương trình “Tâm tình nơi biên giới và hải đảo” để tưởng nhớ khúc bi tráng Gạc Ma 14-3-1988. Những lời thơ trong bài “Ước mong của mẹ” đã vang lên, như nỗi lòng của các chiến sĩ Hải quân đang đóng ở Trường Sa gửi đến mẹ Lê Thị Muộn (ở quận Hải Châu, Đà Nẵng), mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. “Mẹ lặng lẽ ngồi nhìn ra biển/ Mây mù giăng che kín bầu trời/ Sắt se lòng đau đáu phía xa khơi/ Khóe mắt mòn trông con nơi ấy.../ Biển Gạc Ma, con còn nằm đấy/Bao năm rồi dưới đáy đại dương...”.
Tác giả bài thơ có nickname trên facebook là Lính Biển Việt Nam bày tỏ: “Mẹ ơi, vậy là chúng con được gần bên mẹ trong những ngày tháng 3 đầy day dứt này...”.
Trong trận hải chiến năm 1988 bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa, có 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh anh dũng, trong đó có 7 chiến sĩ quê ở phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Sóng dội về từ Trường Sa dường như chan chứa đầy nước mắt và cả máu của những người đã ngã xuống như những vần thơ của Thanh Thảo: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình. Tuổi hai mươi làm sao không tiếc. Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”.
Vẫn còn đó những ngôi mộ gió liệt sĩ Trường Sa nằm lặng lẽ mà hiên ngang tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Vẫn chưa nguôi những nỗi đau của người cha, người mẹ khi con đã ra đi vĩnh viễn vì Tổ quốc. Trong khi ngoài kia, Biển Đông vẫn còn dậy sóng, ngư dân miền Trung còn gặp nạn khi tàu cá bị đâm chìm, mảnh đất máu thịt Hoàng Sa vẫn còn nằm trong tay ngoại bang...
Ngày 14-3-1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội, gây cho chúng ta nhiều tổn thất... (Theo Lịch sử Vùng 3 Hải quân 1975-2005) |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ