Chính trị - Xã hội

Trường Sa xanh giữa đất trời

08:15, 09/03/2016 (GMT+7)

Bài 2: Chuyện ở đảo chìm

Đêm ở đảo chìm lồng lộng gió. Sóng dồn dập bốn bề. Ở đảo chìm một lần mới thấu hiểu được sự gian khổ, hy sinh của bao thế hệ cha ông ta để giữ gìn, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Đêm ở đảo chìm, ánh trăng lan tỏa thứ ánh sáng dịu nhẹ vào những con sóng vỗ, lan tỏa vào lòng người sự mát dịu, trong lành nhất. TRONG ẢNH: Trăng trên đảo Đá Tây A.
Đêm ở đảo chìm, ánh trăng lan tỏa thứ ánh sáng dịu nhẹ vào những con sóng vỗ, lan tỏa vào lòng người sự mát dịu, trong lành nhất. TRONG ẢNH: Trăng trên đảo Đá Tây A.

Hành quân lên đảo

Trên hành trình tàu HQ 561 đưa chúng tôi đến các đảo chìm, nhìn từ xa, những đảo chìm như Đá Lát, Đá Đông, Đá Tây... như ngọn hải đăng giữa sóng biển Trường Sa với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Đến gần đảo, tàu kéo còi và buông neo. Nhưng để vào được đảo thì không phải chuyện muốn là làm được ngay. Ở những đảo nổi, thời tiết tốt, tàu có thể cập cầu cảng, việc lên xuống tàu trở nên bình thường, nhưng ở đảo chìm những lúc sóng gió, muốn vào đảo phải vượt qua muôn vàn gian truân.

Đến các đảo chìm, tàu buông neo ngày hôm trước nhưng phải chờ đến hôm sau, khi con nước lên, trưởng đoàn mới ra lệnh hạ xuồng cao tốc để hành quân vào đảo. Chuyện từ tàu lớn xuống xuồng tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không được quán triệt kỹ, cùng với sự giúp đỡ của các thủy thủ đoàn, thì có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

Rời tàu để xuống xuồng vào đảo, chỉ là gió cấp 3 (sóng cấp 2) cũng đã là vất vả, nhưng gió cấp 4 thì rất nguy hiểm, bậc tam cấp của tàu được thiết kế sát với mép nước, nhưng khi gặp sóng gió, xuồng và bậc tam cấp của tàu luôn chênh nhau từ 2 đến 3 mét, muốn lên hoặc xuống phải chờ đến khi mạn tam cấp của tàu và xuồng cùng “nhịp đập”, các thủy thủ tàu mới đỡ từng người một xuống xuồng. Chiếc xuồng chở từ 20 đến 25 người nhưng khi sóng lớn, phải mất cả giờ đồng hồ mới có thể xuống hoặc lên xuồng đủ quân số.

Xuống xuồng đã khó, hành quân vào đảo chìm lại càng khó hơn. Mỗi lần đi từ tàu vào đảo, xuồng cao tốc phải mất từ 10 đến 30 phút. Các thủy thủ của xuồng cao tốc phải vận dụng hết kinh nghiệm, đưa xuồng uốn mình theo con sóng, chạy theo luồng nước để tránh nguy hiểm.

Những con sóng bạc đầu cứ phủ xuống xuồng trắng xóa, mọi người đều ướt sũng nhưng ai trong đoàn cũng cùng chung cảm giác hồi hộp, chờ đợi để được đặt chân lên đảo, bắt tay những người lính đảo và chia sẻ với họ lời cảm ơn, lòng cảm kích các anh đã kiên cường đứng vững nơi đầu sóng, ngọn gió Trường Sa.

Đêm ở đảo chìm

Nếu như đảo nổi được những người lính biển ví như công viên xanh giữa trùng khơi thì đảo chìm lại như những “lâu đài trên biển”. Nơi đây, chúng tôi đã được thấy, được nghe nhiều câu chuyện “cổ tích đời thường” mà ẩn sau đó là nghị lực phi thường của người lính biển.

Chỉ tay ra khu vườn rau trước thềm nhà chỉ huy, Đại úy Đỗ Văn Vui, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A, cho biết: “Những thế hệ cán bộ, chiến sĩ trước đây đã từng sống và làm việc trên đó”. Chúng tôi ngơ ngác và thật sự không tin vào mắt mình. Nhìn những trụ gỗ và bê-tông xiêu vẹo, oằn mình nâng đỡ diện tích sàn hơn 15m2, ngả nghiêng theo con sóng, chúng tôi lại liên tưởng đến những nhà chồ ở Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng trước đây và hình dung đến hiểm nguy mà bao thế hệ người lính biển đã phải đối mặt để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, người đã có hơn 10 năm công tác ở nhiều đảo khác nhau ở quần đảo Trường Sa, chia sẻ: “Các đồng chí thấy đó, bây giờ cuộc sống ở đảo chìm đã thay da đổi thịt.

Cán bộ, chiến sĩ không còn phải mặt áo phao để ngủ lúc biển động, không phải thấp thỏm lo sợ khi nghe tin có gió bão về. Trường Sa bây giờ không còn là phên, là dậu mà là tường rào vững chắc ở Biển Đông”.

Đến với các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi đều cảm thấy rất yên lòng. Bởi nơi đây, bây giờ là những tòa nhà kiên cố, vững chắc. Bên cạnh khu nhà ở cao tầng của cán bộ, chiến sĩ còn có nhà văn hóa đa năng, là nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, tập luyện thể thao của người lính biển; đồng thời cũng là nơi dành cho ngư dân trú ngụ trong mùa biển động.

Nhiều đảo chìm còn được đầu tư xây dựng khu vực tăng gia sản xuất và chăn nuôi khép kín, luôn tự chủ được nguồn rau xanh và thực phẩm trong các bữa ăn cho bộ đội. Điều khá bất ngờ khi chúng tôi đến các đảo chìm, đó là chó được nuôi ở đây rất nhiều.

Khi xuồng chúng tôi cập đảo, đàn chó ùa ra, sủa rất hung dữ nhưng khi những người lính đảo lên tiếng, chúng im lặng và chỉ vài phút sau, trở nên thân thiện với tất cả mọi người trong đoàn. Thượng úy Phạm Việt Anh, Chỉ huy đảo Đá Đông C, cho biết: “Đối với người lính đảo chìm, chó được xem là con vật thân thiết, chúng theo những người lính trong từng ca gác, là tiếng chuông báo động khi có vật thể lạ xuất hiện trong đêm khuya”.

Ở đảo chìm, khi hoàng hôn buông xuống, nhìn biển trời Tổ quốc thật đẹp. Những áng mây ửng hồng nhuộm màu cho nước biển; mặt trời đỏ ối chầm chậm lặn dần từ phía chân trời. Nhưng có lẽ, đẹp nhất và cho tôi nhiều cảm xúc nhất vẫn là những giây phút ngắm trăng từ đảo chìm.

Ánh trăng sáng vằng vặc giữa bốn bề sóng vỗ, cùng với đó, cảnh người lính ôm súng đứng gác giữa đêm khuya đã gợi lên trong tôi hình ảnh thơ mộng, lãng mạn “đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Đó cũng chính là hình ảnh người lính Cụ Hồ hiên ngang, bất khuất, vượt qua mưa gió bão bùng, sự gian khổ và khắc nghiệt của thời tiết để hướng về phía trước. Những nhọc nhằn, thiếu thốn vẫn không thể đánh gục những con người vì dân vì nước.

Đêm ở đảo chìm, ánh trăng lan tỏa thứ ánh sáng dịu nhẹ vào những con sóng vỗ, lan tỏa vào lòng người sự mát dịu, trong lành nhất. Vì thế, chúng tôi có được một đêm không ngủ ở đảo chìm.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

.