Chính trị - Xã hội
Cả nước có 21 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày 30-4
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong ngày 30-4, cả nước xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người, bị thương 23 người.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN) |
Trong đó, đường bộ xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 22 người. Đường sắt xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, làm chết 01 người, bị thương 01 người. Đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn.
Theo số liệu của 51/95 đơn vị Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ địa phương (PC67) báo cáo về Cục và các Đội thuộc Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã tập trung xử lý 5.384 trường hợp, nộp kho bạc 3,52 tỷ đồng, tạm giữ 18 ôtô, 547 xe môtô, tước giấy phép lái xe 277 trường hợp. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 507 trường hợp, nộp kho bạc 268,2 triệu đồng.
Về tình hình trật tự an toàn giao thông qua đường dây nóng, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được gần 150 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh về việc tăng giá vé, chở quá số người quy định, và tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường.
“Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý các nội dung người dân phản ánh,” ông Minh khẳng định.
Liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông, theo tổng hợp từ báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, một số đường chính và các đường cửa ô của hai thành phố này xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ (theo chiều từ trung tâm ra ngoại thành) do mật độ phương tiện của nhân dân về quê nghỉ lễ tăng cao.
Trên các tuyến đường cao tốc, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến tăng cao, xuất hiện ùn ứ cục bộ ở các trạm thu phí (đầu vào các tuyến đường cao tốc). Bên cạnh đó, do đường cao tốc trên cao (Vành đai 3 Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn giao thông dẫn đến tình trạng ùn ứ.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những ngày nghỉ lễ tiếp theo, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị các Bộ, ngành, Ban An toàn giao thông địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 08/4/2016 về việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ 30/4-01/5 đồng thời xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình an toàn giao thông qua số điện thoại đường dây nóng.
Đối với một số địa phương khu vực miền Trung nơi có hiện tượng người dân gây cản trở giao thông trên Quốc lộ 1, các đơn vị chức năng cần nhanh chóng có giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, có thông báo và hướng dẫn cho các phương tiện đi qua khu vực này chuyển sang đường Hồ Chí Minh nếu cần thiết, đồng thời tuyên truyền vận động người dân lập lại trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 1.
Tại các trạm thu phí giao thông cần có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp, trong trường hợp có hiện tượng ùn tắc kéo dài tại khu vực trạm thu phí, cần ngừng thu phí, mở cổng để phương tiện lưu thông nhanh hơn cho đến khi hết ùn tắc mới tổ chức thu phí trở lại.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông được huy động tối đa đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, chú trọng đến các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Đặc biệt, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị lực lượng chức năng của Bộ Công an vào cuộc điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với một số đối tượng quấy rối, nháy máy và có những lời lẽ lăng mạ đối với các số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Theo Vietnam+