Chính trị - Xã hội

Đại biểu Quốc hội đặt kỳ vọng vào tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

10:05, 07/04/2016 (GMT+7)

Sáng 7-4, Quốc hội đã bầu Thủ tướng Chính phủ. Với đa số phiếu tán thành, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức trở thành tân Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)
Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Bên lề kỳ họp, các đại biểu đã chia sẻ về những kỳ vọng về tân Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh):

Mong Thủ tướng chống tham nhũng hiệu quả

Tôi mong muốn tân Thủ tướng Chính phủ sẽ có nhiều quyết sách đúng đắn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chi phí, chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả để nợ công, bội chi giảm, đừng để vay nợ nước ngoài nhiều bởi hiện nay đi vay rất khó khăn, ngắn hạn và lãi suất cao hơn.

Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết những tình huống hạn hán, ngập mặn, giá rét, phòng chống tội phạm, an toàn thực phẩm một cách quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ phải cùng Đảng và Nhà nước có những quyết sách hiệu quả phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt vì đây là những vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Đại biểu Đỗ Văn Đương. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)
Đại biểu Đỗ Văn Đương. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Trước tác động của hội nhập, giai đoạn mới yêu cầu sự năng động, sáng tạo nếu không doanh nghiệp nhà nước sẽ đứng bên bờ vực thẳm mà quan trọng hơn là công ăn việc làm cho người lao động. Tôi cho rằng, làm gì thì làm nhưng chính quyền phải chăm lo cuộc sống cho người lao động và vai trò của Thủ tướng là rất quan trọng vì điều hành cả nền hành pháp, điều hành xã hội sao cho hiệu quả.

Đặc biệt, tôi cho rằng Thủ tướng phải có trách nhiệm cao trong từng lĩnh vực, điều hành sát sao để các Bộ, ngành địa phương phải nói đi đôi với làm, làm phải có báo cáo, kiểm soát. Phải kiểm điểm những trường hợp nói mà không làm, làm không hiệu quả. Sai phạm đâu xử lý đến đó, những người làm tốt cần được khen thưởng, cất nhắc vào vị trí xứng đáng. Ta phải nghĩ một cách rất nghiêm túc như thế, phải từng bước khắc phục yếu kém.

Ngoài ra, Chính phủ phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ bằng những giải pháp quyết liệt, kể cả về pháp lý, chính trị và đấu tranh trên thực địa, phải cụ thể từng địa phương, lĩnh vực, vùng miền. Bên cạnh đó, phải đấu tranh với các thành phần xấu, lợi dụng nói xấu chế độ…

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình):

Cần có chiến lược dài hạn

Thủ tướng mới là người từng công tác tại Chính phủ nhiều năm, đặc biệt giữ chức vụ Phó Thủ tướng. Ông là người từng trải, có kinh nghiệm về điều hành ở địa phương, Trung ương và là Ủy viên Bộ Chính trị nhiều năm nên nắm rõ đường lối vĩ mô, gắn vào điều hành cụ thể sẽ sát hơn.

Tân Thủ tướng cũng có tác phong sâu sát, gần gũi quần chúng, từ đó có cơ sở quyết đoán chính xác hơn.

Với kinh nghiệm điều hành cũng như từ thực tiễn của Thủ tướng, chúng ta hy vọng những khuyết điểm trong những năm qua được khắc phục và ưu điểm được phát huy một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, có nhiều thuận lợi nhưng nhiều thử thách.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm. (Ảnh: T.Hiền/Vietnam+)
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm. (Ảnh: T.Hiền/Vietnam+)

Tân Thủ tướng cũng cần chú trọng toàn diện tới những tồn tại khuyết điểm mà chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã kiểm điểm và chọn ra những trọng điểm để xử lý mà quan trọng nhất là quản lý nội bộ (kinh tế, con người, xã hội).

Ngoài ra, trong thời kỳ hội nhập rất sâu và toàn diện, Thủ tướng cần có chiến lược dài hạn và giải quyết từng bước. Hai điều này sẽ tạo nên sự bền vững của đất nước và là cơ sở để chúng ta tăng trưởng và bảo quyền vững chắc chủ quyền quốc gia.

Về giải quyết tham nhũng và chủ quyền, Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng đây là vấn đề khai quát đầy đủ của tất cả các quốc gia, lãnh đạo. Tuy nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình, hài hòa, tập hợp giải quyết các vấn đề… Có rất nhiều vấn đề ngổn ngang, phức tạp, nhưng quan trọng là phải xác định được lộ trình, hướng phát triển trước mắt và lâu dài để xử lý hợp lý.

Theo Vietnam+

.