Chính trị - Xã hội

Giải pháp cho nhà cổ Phong Nam

07:39, 14/04/2016 (GMT+7)

Thôn Phong Nam được hình thành vài trăm năm. Những ngôi nhà cổ vẫn còn lưu giữ nhưng do thời gian cùng sự khắc nghiệt của khí hậu, nên nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, ngã đổ và hiện còn 4 căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà cổ ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu đang cần được đầu tư, tôn tạo và bảo tồn.
Nhà cổ ở thôn Phong Nam, xã Hòa Châu đang cần được đầu tư, tôn tạo và bảo tồn.

Huyện Hòa Vang còn lưu giữ 6 ngôi nhà cổ ở thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn), thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong) và thôn Phong Nam (xã Hòa Châu); trong đó thôn Phong Nam có 4 ngôi nhà cổ.

Ông Ngô Văn Khả, Trưởng thôn Phong Nam cho biết, thôn Phong Nam được hình thành vài trăm năm. Những ngôi nhà cổ vẫn còn lưu giữ nhưng do thời gian cùng sự khắc nghiệt của khí hậu, nên nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, ngã đổ và hiện còn 4 căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Đó là những căn nhà cổ của bà Ông Thị Mãng, các ông Trần Ngọc Duật, Ngô Viêm và Lê Đức Dục.

Bà Ông Thị Mãng ở tổ 3, thôn Phong Nam, tâm sự: “Tôi là đời thứ ba sống trong ngôi nhà này, đây vừa là nhà ở, vừa là nơi thờ phụng của dòng tộc. Mỗi năm vào dịp lễ, Tết, con cháu lại tụ họp về đây. Vừa là dịp gặp mặt, vừa là dịp để bàn bạc, cùng chung tay góp sức để sửa sang lại ngôi nhà. Có ngôi nhà cổ, anh em, con cháu sống gần gũi và thương yêu nhau hơn”.

Ông Ngô Văn Khả cho biết thêm, căn nhà bà Mãng còn gìn giữ hầu như nguyên vẹn, nền nhà bằng đất nện vẫn xưa cũ dù nay có những vết nứt, mấp mô. Nền nhà bằng đất giữ cho nhà thêm ấm vào mùa đông, mát về mùa hè.

Ngôi nhà của ông Trần Ngọc Duật có tuổi đời gần 200 năm, với kiến trúc ba gian, hai chái và đã từng là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong gia đình, nhưng hiện tại chỉ được sử dụng để làm nơi thờ gia tiên do đã xuống cấp.

Vợ ông Duật cho biết, hiện trạng ngôi nhà đang xuống cấp nên buộc phải tu bổ như đưa gạch vào xây tường bao để chống sập. Các bộ cửa cũng phải sơn lại để chống mục và bong tróc. Năm ngoái, một cánh cửa bung chốt và khi thay thế tốn gần 10 triệu đồng.

Từ năm 1992 đến nay, thôn được nhiều công ty du lịch của thành phố tổ chức các tour đưa khách nước ngoài đến tham quan nhà cổ và tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch này không thường xuyên, nên chủ nhân những ngôi nhà cổ không có nguồn thu đáng kể từ hoạt động này, để có đủ khả năng đầu tư sửa chữa nâng cấp nhà.

Theo tính toán của gia đình ông Trần Ngọc Duật, để bảo tồn căn nhà cổ trong vài chục năm tới phải cần 200 - 300 triệu đồng. Từ năm 2010, cán bộ của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố) về thôn tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và lập hồ sơ trình thành phố hỗ trợ kinh phí tu sửa, nhưng tới nay vẫn chưa thấy động thái nào từ các cơ quan chức năng.

Được biết, trong tháng 2-2016, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra, đề xuất việc bảo tồn lâu dài các ngôi nhà cổ và các công trình kiến trúc có giá trị kiến trúc ở làng cổ Phong Nam.

Theo đó, Sở Xây dựng có văn bản báo cáo UBND thành phố xem xét có ý kiến chỉ đạo về việc liên quan đến bảo tồn công trình kiến trúc trên địa bàn huyện Hòa Vang. Trong khi đó, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, các công trình kiến trúc nhà cổ ở thôn Phong Nam không có tên trong danh mục di tích thuộc diện quản lý của Nhà nước…

Tuy nhiên, đây là những công trình có giá trị về lịch sử - kiến trúc, do đó việc bảo tồn, tôn tạo các công trình này là cần thiết. Qua kiểm tra thực địa, Sở Xây dựng xét thấy vị trí các công trình nêu trên thuộc khu vực giữ lại chỉnh trang, đề nghị UBND thành phố xem xét có chủ trương giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì lập các thủ tục đề nghị xếp hạng di tích nhằm bảo tồn lâu dài các nhà rường truyền thống ở thôn Phong Nam và đề xuất công tác tôn tạo, bảo tồn.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

.