.

Hôm nay (7-4), Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ

.

Trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 6-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình Quốc hội việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ.    Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; đồng thời Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Quốc hội tiến hành miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Với 418 phiếu tán thành, chiếm 84% tổng số đại biểu và 68 ý kiến không đồng ý, căn cứ nội quy kỳ họp, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, 430 đại biểu trong tổng số 462 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (87,04%), 23 đại biểu không tán thành và 9 đại biểu không biểu quyết.

Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những đóng góp to lớn của ông trong suốt thời gian giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Chiều 6-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình danh sách đề cử nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Người được giới thiệu kế nhiệm vị trí đứng đầu Chính phủ là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Sáng nay (7-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự.

Sau khi biểu quyết thông qua danh sách, đại biểu Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố trong buổi sáng trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

* Trong phiên làm việc sáng 6-4, Quốc hội biểu quyết thông qua 4 dự thảo luật, gồm Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).

Trong đó, Luật Tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Theo quy định của luật, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiến pháp 2013 đã xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật Tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình. Luật Tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ 88,46% tán thành, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2018.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.