Chính trị - Xã hội

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất

08:07, 02/04/2016 (GMT+7)

Ngày 1-4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, có tổng số 49 đại biểu phát biểu, với những ý kiến sâu sắc, thẳng thắn đánh giá những điểm được, chưa được, phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, đồng thời gửi gắm kỳ vọng vào khóa tới sẽ khắc phục được những yếu kém, đưa đất nước phát triển nhanh hơn.

Các ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với những nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc của kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém vừa thể hiện tinh thần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, vừa thể hiện thái độ cầu thị của Chính phủ để từ đó đặt ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Đại biểu khẳng định, mặc dù ở đâu đó vẫn còn những hạn chế, thiếu sót mà Chính phủ đã chỉ ra nhưng những kết quả đạt được trong 5 năm là to lớn và căn bản, rất đáng ghi nhận của một nhiệm kỳ lãnh đạo của Chính phủ.

Theo đại biểu, những nhận định đó nếu đặt trong bối cảnh cụ thể thì mới thấy hết giá trị của nó, rất nhiều khó khăn, thử thách đặt ra trong 5 năm qua đã được tìm thấy lời giải. “Suốt giai đoạn nửa đầu của nhiệm kỳ, khi chủ quyền đất nước trên biển bị đe dọa, nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, thị trường vàng và ngoại tệ bất ổn, tình trạng bong bóng bất động sản và tồn dư bất động sản quá lớn.

Hệ thống hạ tầng giao thông khó khăn, thiên tai, hạn hán khốc liệt, khiến chúng ta vô cùng lo ngại. Nhưng đến bây giờ chúng ta có quyền tự hào đã vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt đó và những thành tựu đó tự nó đã đánh giá chất lượng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ này”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhất trí với quan điểm phát triển đầu tiên nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất...

Để thực hiện quan điểm nêu trên, đại biểu cho rằng việc đầu tiên phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. Tiếp đó, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, có văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam...

Với kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân; ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính, xây dựng văn hóa công vụ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;…

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) đề nghị Chính phủ cần phân tích cụ thể nguyên nhân chưa đạt được chỉ tiêu che phủ rừng để có giải pháp khắc phục. Đồng thời, đại biểu góp ý giải pháp gắn công tác giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; triển khai công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; có giải pháp căn cơ, tầm nhìn chiến lược trong ứng phó với biến đổi khí hậu...

Về vấn đề biến đổi khí hậu, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng đây là quan hệ nhân quả, chúng ta khai thác tài nguyên rừng, nước ngầm quá mức cho phép, phát triển thủy điện ở nhiều nơi chưa hợp lý...

Đại biểu thống nhất với các giải pháp và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời cũng như các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ trong thời gian vừa qua; đồng thời đề nghị về lâu dài cần tập trung trồng rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm; đầu tư nhiều công trình thủy lợi lớn; bố trí lại mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu; về khắc phục những sai lầm do thủy điện gây ra, đại biểu cho rằng phải ưu tiên bảo đảm dân sinh hơn lợi ích của nhà máy,...

Để cải thiện môi trường đầu tư, phòng chống tham nhũng, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) góp ý một số nội dung liên quan đến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”; kinh doanh “chụp giật”; đề nghị có giải pháp quyết liệt trong phòng chống tham nhũng,...

B.T (theo Chinhphu.vn)

.