Chính trị - Xã hội
Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển KT-XH
Ngày 01-4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
* 14.00' Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH.
Mở đầu phiên thảo luận chiều ngày 1-4, đại biểu Y Mửi (Kon Tum) bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Đồng thời đại biểu kiến nghị trong thời gian tới Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn khu vực Tây Nguyên.
Đồng thời, đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, tinh giản biên chế. Song song với tinh giản cũng cần linh động bố trí đủ biên chế cho những địa phương mới thành lập.
Về ứng phó với hạn hán, đại biểu đề nghị quan tâm hỗ trợ cho các địa phương đủ nguồn lực chống hạn.
Về kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị bố trí đủ nguồn lực để xác định rõ ranh giới giữa đất của người dân với đất rừng, đất nông lâm trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ giải quyết vấn đề giá cả nông sản vùng Tây Nguyên (cà phê, hồ tiêu) và có giải pháp giúp người dân ứng phó hạn hán;...
Về chính sách tái canh cây cà phê, đại biểu đề nghị các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay lâu dài, bền vững; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân trong thời gian chưa có sản phẩm thu hoạch (mất khoảng 5 năm để tái canh cây cà phê)...
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị báo cáo của Chính phủ làm rõ những tồn tại trong nông nghiệp, phân tích thấu đáo từng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp phát triển nông nghiệp bền vững.
Phản ánh về tình hình ngập mặn, hạn hán tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp ứng phó kịp thời, đồng thời cần quy hoạch lại các vùng sản xuất,...
Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) cho rằng, những kết quả mà Chính phủ đã đạt được là rất đáng trân trọng
Trong phiên thảo luận buổi sáng có 27 đại biểu đã đăng đàn phát biểu tại hội trường. Cơ bản đồng tình với những nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ, các đại biểu đánh giá cao những kết quả Chính phủ đã đạt được trong năm 2015 và trong cả nhiệm kỳ 2011-2016; khẳng định dù còn những hạn chế, nhưng những kết quả mà Chính phủ đã đạt được về KTXH là rất đáng trân trọng.
Với kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động các đại biểu đề xuất Đảng, Nhà nước phải có giải pháp làm cho đất nước trở thành nơi đáng sống; làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam…
Nhận định trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế đất nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính, xây dựng văn hóa công vụ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;…
* Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KTXH, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... trong năm 2015 và kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020. Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho nhiệm kỳ tới.
Đại biểu đề nghị báo cáo cần phân tích sâu hơn về nguyên nhân của những yếu kém, qua đó đề xuất những giải pháp trọng tâm hơn để khắc phục những tồn tại; đồng thời đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến chính sách dân tộc; chính sách giảm nghèo vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo;...
Góp ý quy hoạch sử dụng đất trong thời gian tới, đại biểu đề nghị làm rõ hiện trạng chuyển đổi đất rừng; đất trồng rừng, tính toán đất dành cho tái định cư,...
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) |
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) góp ý một số nội dung liên quan đến KTXH, đại biểu cho rằng năm 2015 là một năm thành công trong điều hành KTXH của Chính phủ với mức tăng GDP cao nhất từ 2008 đến nay.
Góp ý về nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn tới, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp tập trung nhằm tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao đời sống bà con nông dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt,...
Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo như: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cơ chế tự chủ,...
Về y tế, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung tăng cường đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh, phát triển nguồn nhân lực y tế,...
Đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới Chính phủ cần có giải pháp tối ưu hơn trong đầu tư cho KHCN; đồng thời cần có giải pháp căn cơ trong ứng phó với biến đổi khí hậu,...
Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho biết cử tri rất quan tâm đến những hạn chế, yếu kém kéo dài, đề nghị Chính phủ cần phân tích thấu đáo và đề ra những biện pháp khắc phục hiệu quả.
Đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp; giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá;...
Đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng suy thoái đạo đức và cho rằng đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.
Đại biểu đề xuất triển khai nhất thể hóa một số chức danh, vị trí công tác (theo mô hình Quảng Ninh), tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ,... có giải pháp quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng,...
Đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo đảm an toàn cho ngư dân vươn khơi, bám biển,...
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), đề nghị tập trung phát triển vùng, liên vùng để tạo ra sức cạnh tranh mới, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng "cát cứ", đồng thời tạo sức mạnh liên kết trong phối hợp trong vùng ngăn chặn những mặt trái của KTTT (an toàn giao thông, phòng chống tội phạm...),...
Đại biểu cũng góp ý một số giải pháp thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng nôn thôn mới...
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu: về giải quyết việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; chỉ tiêu sử dụng thực phẩm sạch, hàng hóa chất lượng; giảm tai nạn giao thông.
Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phân cấp trách nhiệm, tránh chồng chéo, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh như: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; thế trận liên hoàn biển đảo; đầu tư cho biên phòng biển; bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm; chống diễn biến hòa bình;...
Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến quản lý đất quốc phòng, an ninh; quản lý các khu kinh tế; quản lý đất lúa, đất rừng đặc dụng...
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đánh giá cao những kết quả toàn diện đã đạt được trong 5 năm qua. Trong nhiệm kỳ tới đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn) cả về trước mắt và lâu dài; quan tâm quản lý hiệu quả tài nguyên nước; chuyển đổi cơ cấu sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích tiết kiệm năng lượng,...
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) góp ý các giải pháp phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên như: bảo đảm thị trường đầu ra cho nông sản để người dân yên tâm sản xuất (cà phê, tiêu...); tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp;....
Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn chặt giáo dục đào tạo với thị trường lao động, thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục ở vùng khó khăn...
Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần có ngay chính sách hỗ trợ về tín cho người dân gặp khó khăn do thiên tai gây ra; góp ý về kết nối thông thương giữa các vùng,...
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) góp ý một số nội dung liên quan đến tái cơ cấu kinh tế; triển khai quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí;... đại biểu nhấn mạnh phải coi tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm; chống tham nhũng, lãng phí là bảo vệ tổ quốc.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu và có giải pháp cụ thể để giải quyết một số vấn đề: Nợ công; bội chi ngân sách; khắc phục những bất cập trong ưu đãi đầu tư quá nhiều đối với các doanh nghiệp FDI; giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh mới;...
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) góp ý một số nội dung liên quan đến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh"; kinh doanh "chộp giật"; đề nghị có giải pháp quyết liệt trong phòng chống tham nhũng,....
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) góp ý một số nội dung liên quan đến thực hiện các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2016-2020 như: Cần có chính sách đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông nguồn lực trong nước,.... phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; tập trung nguồn lực tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các cứ điểm công nông nghiệp theo quy mô vùng;...
Đại biểu nhấn mạnh sự cấn thiếp phải có chính sách đột phá để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; luật hóa mô hình đầu tư PPP để thu hút đầu tư bền vững,...
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Đại biểu cho rằng ở đâu đó vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, nhưng những kết quả đạt được trong 5 năm qua là to lớn và rất đáng trân trọng.
Đại biểu góp ý thêm một số nội dung liên quan đến: lao động việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giải nghèo, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương; ngăn chặn tình trạng tội phạm vùng nông thôn, nhất là tội phạm kinh tế. Đại biểu dẫn ví dụ, vụ Công ty Liên Kết Việt, nạn "đa cấp", tín dụng đen ở địa phương,... làm cho đời sống hàng ngàn hộ nông dân khốn đốn...
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) góp ý một số nội dung liên quan đến cải cách bộ máy hành chính; tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp; kiên quyết tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân; bảo đảm an sinh xã hội; chống lãng phí, công khai việc thu chi của các cơ quan;...
Hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sáng 21-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Báo cáo nêu rõ, năm 2015, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đánh giá tình hình KTXH 5 năm 2011-2015, Báo cáo nêu rõ: Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn ở những năm cuối; bước đầu thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và gìn giữ hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt.
Trong 5 năm tới, Báo cáo đặt mục tiêu, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38-40%.
Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.
Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Báo cáo đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời khẳng định: Chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Theo VGP