Với cách nhìn mới về nghèo đa chiều thì tại Đà Nẵng, một số hộ không nghèo về thu nhập nhưng lại thiếu hụt liên quan vấn đề về giáo dục, y tế…
Niềm vui của người nghèo khi nhận quà do UBND quận Hải Châu hỗ trợ. |
Không học, không phải do… thiếu tiền
Trong một cuộc khảo sát mới đây do Tổ chức Oxfam phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thực hiện tại 100 hộ ở quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang (trong đó có 50 hộ nghèo và 50 hộ không nghèo theo chuẩn của thành phố), điều đáng nói là có những em nghỉ học mà nguyên nhân không phải do kinh tế. “Con nghỉ học vì học không nổi và đến lớp tụi bạn cứ chọc hoài. Bây giờ, các thầy cô vận động nên con đi học lại để có cái bằng phổ thông rồi đi học nghề”, em L.T. H (15 tuổi, ở huyện Hòa Vang) thổ lộ. Không chỉ riêng H. mà nguyên nhân nghỉ học của một số em khác cũng do học lực yếu và ham chơi.
Thực tế thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách vượt trội về hỗ trợ giáo dục trẻ em, nhất là học sinh thuộc diện hộ nghèo, mới thoát nghèo (tiếp tục miễn học phí 2 năm), hộ bị thu hồi đất… Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều phong trào vận động hỗ trợ bằng hiện vật để động viên học sinh nghèo vượt khó. Đồng thời, nhà trường, địa phương, các đoàn thể cũng tích cực vận động để các em đến lớp nên số trẻ em nghỉ học rất ít và nguyên nhân nghỉ học không phải do kinh tế của gia đình khó khăn.
Với nhiều chính sách vượt trội hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT), hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế cho người nghèo và các nhóm yếu thế, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân tại Đà Nẵng luôn ở mức cao, khoảng hơn 90%. Theo khảo sát, số ít thiếu hụt BHYT hiện nay do “thấy không cần thiết”.
“Tui bỏ tiền ra mua thẻ BHYT mà rất ít dùng nên giờ không mua nữa. Đau ốm toàn đi khám dịch vụ ngoài giờ cho nhanh chứ ngồi chờ cả buổi mới đến lượt khám trong giờ hành chính thì phải nghỉ làm, rồi bị trừ lương nữa”, chị Nguyễn Thanh Vân (35 tuổi, nhân viên kế toán của một công ty trên địa bàn quận Hải Châu) cho biết.
Cùng quan điểm với chị Vân, anh Lê Hùng (44 tuổi, ở quận Sơn Trà) cho hay, hiện nay, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện công khiến nhiều người băn khoăn khi đi khám, chữa bệnh. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thái độ phục vụ người bệnh chưa tốt đối với nhóm bệnh nhân khám bằng thẻ BHYT ở một số bệnh viện công khiến người dân dù khó khăn nhưng cũng còn e ngại khi mua BHYT.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Hiện nay, so với các chỉ tiêu trong Đề án giảm nghèo giai đoạn 2013-2017, đến cuối năm 2015 thành phố đã cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, chỉ tiêu về vốn, y tế, giáo dục, chính sách bảo trợ xã hội bảo đảm 100% người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận; chính sách về nhà ở vượt 116%. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo, thành phố hoàn thành Đề án giảm nghèo trước 2 năm.
Tuy nhiên, theo Th.S Phạm Minh Thu, Phó phòng Quản lý khoa học - Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), các địa phương vẫn rất cần những giải pháp, cách làm mới hơn để đánh giá hộ nghèo và giúp đỡ họ. Bà Thu cho biết, một hộ được đánh giá “nghèo” về giáo dục là hộ có ít nhất 1 thành viên đủ 15 tuổi (sinh năm 1986 trở lại) không tốt nghiệp THCS và hiện không đi học; hoặc hộ có ít nhất 1 trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 5 đến dưới 15 tuổi) hiện không đi học. Hộ thiếu hụt về lĩnh vực y tế là hộ có người bị ốm đau (bệnh kinh niên, bệnh nặng) nhưng không đi khám, chữa bệnh hoặc hộ có ít nhất 1 thành viên từ 6 tuổi trở lên hiện không có BHYT.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, đơn vị đang tiến hành từng bước khảo sát thu thập thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều trên toàn thành phố nhằm có cách đánh giá toàn diện hơn. “Một thực tế hiện nay là vẫn còn những hộ không thuộc diện nghèo của chương trình nhưng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ”, bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho biết, một vướng mắc lớn nữa là tại các địa phương có nhiều khu chung cư, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề quản lý và thực hiện các chính sách đối với những hộ này gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục nhập khẩu. Theo bà Hương, để giúp các hộ nghèo theo hướng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin, cần có sự chung tay và giải pháp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành thì mới có thể thực hiện được.
Bài và ảnh: KIM NGÂN