Chính trị - Xã hội

Phát hiện chất cấm trong thực phẩm: Xử phạt ngay!

07:59, 09/04/2016 (GMT+7)

Tại cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm sáng 8-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng yêu cầu phát hiện chất cấm trong thực phẩm là xử phạt ngay, cấm ngay chứ không cớ gì phải chần chừ, việc xử lý cần lấy sức khỏe của người dân làm trọng.

Báo cáo với Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, Sở NN&PTNT cho biết, 7 mẫu dưa cải muối có màu vàng vừa được xét nghiệm đều nhiễm chất cấm vàng ô (Auramine O).

Công tác lấy mẫu và xét nghiệm thực phẩm hiện còn lúng túng.  Trong ảnh: Viện Pasteur Nha Trang trong một lần lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm tại chợ đầu mối Hòa Cường.            Ảnh: THU HOA
Công tác lấy mẫu và xét nghiệm thực phẩm hiện còn lúng túng. Trong ảnh: Viện Pasteur Nha Trang trong một lần lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm tại chợ đầu mối Hòa Cường. Ảnh: THU HOA

Lúng túng trong xử phạt

7 mẫu dưa cải muối nói trên vừa được Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố Đà Nẵng lấy tại chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hòa Khánh và chợ Đống Đa. Các mẫu này sau đó được gửi đến Trung tâm Phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh kiểm nghiệm, cho kết quả tất cả đều nhiễm chất cấm vàng ô (Auramine O). Điều đáng nói, trong ba chợ lấy mẫu dưa cải có chợ Đống Đa, một chợ được xây dựng theo mô hình kiểu mẫu về an toàn thực phẩm (ATTP) của Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, 10/13 mẫu măng được lấy đi xét nghiệm cho kết quả có vàng ô, đến nay, thêm 7/7 mẫu dưa cải có chất cấm này. Tuy vậy, cơ quan chức năng vẫn chưa biết phải xử phạt như thế nào. Theo quy định của pháp luật, muốn xử phạt những người kinh doanh măng, dưa cải nhuộm vàng ô, cơ quan chức năng phải chỉ ra được nơi có đủ thẩm quyền kiểm nghiệm chất vàng ô. Nghịch lý là Bộ NN&PTNT cũng chưa chỉ định cụ thể phòng xét nghiệm nào được kiểm tra chất cấm này.

Trong quá trình lấy mẫu và gửi xét nghiệm các loại thực phẩm nói chung, sở này còn gặp rắc rối, đó là việc khai nguồn gốc phụ gia và thực phẩm còn là câu chuyện “bí mật” của một số tiểu thương. Vàng ô xuất xứ từ đâu đều là vấn đề không rõ của cả người sử dụng lẫn người kiểm tra thực phẩm.

Bên cạnh đó, nếu mua mẫu từ 200.000 đồng trở lên thì sở phải lấy hóa đơn giá trị gia tăng mới được ngân sách thanh toán lại và nếu làm xét nghiệm đa dư lượng với trị giá 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện khâu chào hàng cạnh tranh giữa ba đơn vị.

Trong khi đó, những người buôn bán nhỏ lẻ thì không có hóa đơn giá trị gia tăng để cung cấp, còn kiểm tra dư lượng trên rau củ quả thì cả nước mới duy nhất có Trung tâm kiểm nghiệm vùng IV. Vậy, làm sao có thêm đủ hai đơn vị nữa để thực hiện chào hàng cạnh tranh đúng thủ tục?

Sức khỏe là trên hết

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATTP Đà Nẵng, thuộc Sở Y tế cho rằng, ngày càng có nhiều chất cấm mới xuất hiện nên có thể việc định danh còn chậm. Tuy nhiên, hiện nay một số phòng xét nghiệm trên cả nước đã có thể kết luận được hóa chất nào thuộc phẩm màu công nghiệp và cái nào thuộc phẩm màu thực phẩm.

Chỉ cần xác nhận có phẩm màu công nghiệp là đã đủ căn cứ xử lý và cấm sử dụng, thay vì nhất thiết phải gọi cho đúng tên “vàng ô” để gặp cản trở về mặt pháp lý. Được biết, vàng ô là chất dùng trong công nghiệp nhuộm và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm. Chất này có độc tính cao và được Tổ chức Ung thư thế giới xếp vào nhóm gây ung thư cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: “Bắt được là xử phạt ngay, cấm ngay không cớ gì phải chần chừ. Bán đồ ăn mà cho chất cấm vào thì việc xử lý cần lấy sức khỏe người dân làm trọng, hay cân nhắc theo tiêu chuẩn, quy định giấy tờ làm trọng?”.

Ông Đặng Việt Dũng cũng đề nghị nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu các chợ, siêu thị có hộ kinh doanh sử dụng vàng ô. Tiểu thương sử dụng vàng ô nhuộm thực phẩm mà ban quản lý chợ không hay biết là không thể chấp nhận được!

Ông Đặng Việt Dũng đề nghị ba ngành chức năng là Y tế, NN&PTNT và Công thương chậm nhất đến ngày 15-5-2016 phải làm xong việc rà soát lại toàn bộ các văn bản về ATTP của bộ, ngành, Trung ương để lọc ra những văn bản phù hợp với thực tiễn của Đà Nẵng. Điều này tránh tình trạng dàn hàng ngang văn bản rồi thấy rối hoặc để văn bản “trói” mình trong việc thực thi quyền hành bảo vệ sức khỏe người dân.

“Tôi sẽ cho kiểm tra đột xuất, nếu báo cáo nói là có tuyên truyền nhưng thực tế cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm chưa được tuyên truyền thì sẽ thu hồi tiền đầu tư cho công tác tuyên truyền. Làm tuyên truyền mà như đi trên mây, đưa ra thông tư nhiều quá là không được”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng

THU HOA

.