Chính trị - Xã hội
Trao "cần câu" cho người nghèo
Hỗ trợ phương tiện sinh kế, vật nuôi, cây trồng, vốn... như là cách để trao “cần câu” cho hộ nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, chỉ trong hơn 5 năm qua, huyện Hòa Vang đã có khoảng 10.000 lượt hộ thoát nghèo bền vững.
Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo ở huyện Hòa Vang. |
Nhiều năm liền tảo tần với gánh cháo trĩu nặng đôi vai, gia đình chị Huỳnh Thị Thúy (41 tuổi, ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu) vẫn phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Bốn mẹ con chị vẫn phải ở trong căn nhà dột nát chưa có tiền để sửa. Một ngôi nhà xây kiên cố chỉ đến với chị trong những giấc mơ và người chồng của chị cũng chỉ xuất hiện trong giấc mơ.
Trước hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đà Nẵng trao tặng chị Thúy nhiều vật dụng gia đình và hỗ trợ 10 con heo giống để chăn nuôi và cả chi phí làm chuồng trại. Cuộc sống của mấy mẹ con giờ đã ổn định, thoát nghèo với thu nhập từ gánh cháo và “gia tài” là một đàn heo đang lớn.
Còn chị Phạm Thị Siêng (48 tuổi, ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) lại là một trường hợp khác. Trước đây, chị không có nghề nghiệp, lại hay đau ốm nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Vừa qua, chị đã được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà và 1 con bò giống, nay bò đã đẻ được 2 con. Chị còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, nuôi gà thả vườn. Không chỉ vậy, con chị thường xuyên được hỗ trợ sách vở, quần áo, học bổng để tiếp tục đến trường. Cuộc sống của mấy mẹ con giờ thoát nghèo bền vững.
Hộ nghèo ở huyện Hòa Vang được quan tâm giúp đỡ bằng nhiều cách. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thường xuyên hỗ trợ, vận động giúp đỡ, hoặc đưa vào hưởng chế độ bảo trợ hằng tháng đối với các hộ nghèo không còn sức lao động.
Với những hộ còn khả năng lao động, lãnh đạo huyện chủ trương hỗ trợ phương tiện sinh kế, kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách thức làm ăn để các hộ phấn đấu thoát nghèo. Cụ thể như ở xã Hòa Nhơn, lãnh đạo xã tập trung đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cho người dân vượt khó vươn lên bằng các nghề sản xuất nấm, rau sạch, giá đỗ, nuôi gà thả vườn, đem lại nhiều kết quả khả quan.
Chị Lê Thị Hiếu (45 tuổi, ở thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn), từ hoàn cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau bây giờ đã có trại nấm lớn, hằng ngày bán được từ 10 - 15kg sản phẩm.
Trên địa bàn huyện Hòa Vang, tất cả hộ nghèo có nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh đều được quan tâm giải quyết kịp thời. Những hộ cần hỗ trợ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, hay cần tư vấn kỹ thuật xử lý sâu bệnh đều có cán bộ địa phương đến tận nơi hướng dẫn.
Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã giúp cho hơn 10.000 lượt hộ thoát nghèo bền vững bằng nhiều hình thức như hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất sản xuất...
Theo Chủ tịch UBND huyện Đặng Thương, phương châm của Hòa Vang là giúp “cần câu” để hộ nghèo tự lo làm ăn vươn lên. Đặc biệt, Hội LHPN huyện Hòa Vang còn vận động hội viên và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Cảm thông và chia sẻ để hỗ trợ các gia đình khó khăn, hoạn nạn, bị bệnh hiểm nghèo. Chỉ trong 1 tháng, Hội đã vận động được hơn 500 triệu đồng và đã trao tiền hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp.
Giai đoạn 2010-2015, từ nhiều nguồn kinh phí, huyện Hòa Vang đã xây dựng, sửa chữa 506 nhà cho hộ nghèo, 1.504 nhà hộ chính sách khó khăn và xây mới 136 nhà hộ dân tộc thiểu số. |
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM