Chính trị - Xã hội

Rưng rưng hai tiếng Hoàng Sa

08:36, 29/04/2016 (GMT+7)

Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hai tiếng Hoàng Sa được liên tục nhắc đến tại nhiều diễn đàn trong và ngoài nước. Và trong nỗi đau đáu vì một phần lãnh thổ chưa về với đất mẹ, mỗi người Việt Nam, dù ở nhiều cương vị khác nhau nhưng khi nhắc đến Hoàng Sa đều thể hiện sự yêu thương và lòng thôi thúc.

Anh Trần Văn Chuẩn trong giờ dạy ngoại khóa cho các em học sinh. Ảnh: TIỂU YẾN
Anh Trần Văn Chuẩn trong giờ dạy ngoại khóa cho các em học sinh. Ảnh: TIỂU YẾN

Trong tim người chiến sĩ

Trở về sau chuyến công tác dài ngày cùng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, Trung tá Dương Minh Hùng, trợ lý giáo dục Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân khu 5 cho biết mình thật sự xúc động và tự hào khi lần đầu đặt chân đến vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là người lính trên mặt trận tuyên truyền, chuyến đi Trường Sa như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để anh tiếp tục nghiên cứu những bằng chứng lịch sử, đồng thời bổ sung những câu chuyện sống động về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng như nhiều đồng nghiệp đang công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân khu 5, những năm gần đây, Trung tá Dương Minh Hùng có hàng chục buổi nói chuyện với nhân dân, cán bộ chiến sĩ về tình hình biển, đảo. Bên cạnh thông tin được anh tích lũy qua việc nghiên cứu tài liệu lịch sử, thì chuyến đi thực tế mang lại cho anh những chi tiết mới, những câu chuyện bên lề giúp buổi tuyên truyền về biển, đảo trở nên gần gũi, xúc động hơn.

Đơn cử, trong một lần cùng phóng viên truyền hình VTV Đà Nẵng (nay là VTV8) làm chuỗi phim tài liệu “Dọc chiều dài đất nước”, Trung tá Dương Minh Hùng cùng đoàn công tác ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lấy khung hình về những con người đầu tiên được giao nhiệm vụ đi khai phá Hoàng Sa, Trường Sa. Lần ấy, anh may mắn trò chuyện với những người cháu của cai đội Phạm Quang Ảnh dưới thời vua Gia Long.

Theo lịch sử địa phương ghi lại, Phạm Quang Ảnh đã cùng 70 suất lính và 5 thuyền chiến nhận lệnh triều đình làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, đo đạc thủy trình cũng như tìm kiếm, khai thác những sản vật quý cung tiến triều đình. Cũng chuyến đi này, anh được “mục sở thị” những châu bản vua ban cho đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, tham gia Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa tại nhà thờ họ Phạm trên đảo Lý Sơn, gặp gỡ những ngư dân đang ngày đêm khai thác trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa…

Hình ảnh người ngư dân Mai Phụng Lưu đang sinh sống tại đảo Lý Sơn với làn da rám nắng, giọng nói hào sảng để lại trong lòng Trung tá Dương Minh Hùng ấn tượng đặc biệt. Mai Phụng Lưu năm nay 46 tuổi nhưng có hơn 25 năm đi biển và 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu ngư cụ làm tán gia bại sản nhưng vẫn kiên cường bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa.

Anh Hùng cho biết đó là những minh chứng mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất, đại diện cho ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân ta. Vì thế, mỗi chuyến đi thực tế đến một hòn đảo nào của Tổ quốc là một lần anh được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giúp anh hoàn thành tốt hơn vai trò “người dẫn chuyện”, nói lên tiếng nói của nhân dân về vấn đề biển, đảo hiện nay.

Đưa Hoàng Sa đến gần giới trẻ

Hai năm trước, tại Diễn đàn “Đối thoại thanh niên” tháng 3, ông Trần Thọ,  Bí thư Thành ủy Đà Nẵng  ký tặng thanh niên hàng chục cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, tập hợp rất nhiều tư liệu, hình ảnh quý về quần đảo này. Hành động ấy đã chuyển tải đến giới trẻ một thông điệp sâu sắc rằng, Hoàng Sa là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Và, khi nào người Việt Nam còn nhớ đến Hoàng Sa thì sẽ không bao giờ mất trong lòng người Việt.

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên soạn một bộ sách có tên Lịch sử Đà Nẵng nói rõ về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, đưa vào giảng dạy chính khóa cho học sinh THCS và THPT, bắt đầu từ năm học 2015-2016. Từ đây, học sinh được học 11 tiết có nội dung liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, trong đó 7 tiết cho cấp THCS và 4 tiết cho cấp THPT.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng thời là chủ biên cuốn sách cho biết, 4 tiết học về lịch sử Đà Nẵng dành cho bậc THPT tương đương với 4 bài. Cụ thể như Đà Nẵng từ khởi thủy đến giữa thế kỷ 19; Đà Nẵng giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20; Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp; Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng đất nước từ năm 1975 đều có nội dung nói về Hoàng Sa, được xâu chuỗi qua nhiều giai đoạn lịch sử nhằm giúp học sinh hệ thống lại nền tảng kiến thức về đảo này.

Theo ghi nhận của nhiều thầy cô dạy môn lịch sử, kiến thức về Hoàng Sa của học sinh được cải thiện rất nhiều kể từ khi các tiết học về lịch sử địa phương được đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa. Bên cạnh đó, việc ngành giáo dục phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng những giờ học ngoại khóa tại bảo tàng cũng góp phần giúp học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo.

Chương trình “Giờ học ngoại khóa” bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 9-2014. Số lượng học sinh mỗi giờ học không quá 50 em và thời gian diễn ra trong vòng 45 phút. Cuối mỗi giờ học, cán bộ bảo tàng sẽ có bài khảo sát đơn giản hoặc phần câu hỏi nhanh kèm với những món quà nhỏ nhằm kích thích tinh thần học tập, đánh giá mức độ tiếp thu bài học của học sinh. Đến nay, đã có gần 2.000 học sinh tham gia tiết học này.

Chị Nguyễn Thị Trinh, Trưởng phòng Trưng bày - Đối ngoại Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trong 10 chủ đề ngoại khóa dành cho học sinh, bảo tàng xây dựng riêng một chuyên đề nói về Hoàng Sa mang tên “Hoàng Sa - những bằng chứng lịch sử” và một số chuyên đề khác có nội dung nhắc đến quần đảo này như Văn hóa biển Đà Nẵng, Biển đảo Việt Nam… Nhờ đó, những bài học của học sinh trở nên phong phú, dễ hiểu thông qua các câu chuyện xác thực và vô cùng sinh động.

Ngoài trưng bày tại khuôn viên bảo tàng, Đà Nẵng còn tổ chức trưng bày lưu động chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Quận Đoàn Cẩm Lệ hay trưng bày, thuyết minh chuyên đề “Quần đảo Hoàng Sa - chủ quyền của Việt Nam” tại một số trường đại học, cao đẳng. Cũng theo chị Trinh, hoạt động này nhằm đưa bảo tàng đến với công chúng và đưa công chúng đến với bảo tàng; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu các bằng chứng lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Anh Trần Văn Chuẩn, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng bắt đầu nghiệp “thầy giáo ngoại khóa” từ tháng 1-2014, thời điểm đánh dấu 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa. Tốt nghiệp chuyên ngành Việt Nam học thuộc Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, anh Chuẩn cho biết mình rất hứng thú với những câu chuyện lịch sử. Theo anh, thuyết minh về nội dung biển, đảo không hề dễ dàng mà cần dày công nghiên cứu, tìm hiểu thông tin cũ và mới. Bên cạnh đó, người thuyết minh cần nhạy cảm trong việc nắm bắt đối tượng khách để có những bài nói hiệu quả, thuyết phục nhất.

Được biết, khung kiến thức Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp cho học sinh dựa trên tư liệu nghiên cứu của UBND huyện đảo Hoàng Sa, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử thành phố… Nhờ đó, giờ học tại bảo tàng đã giúp học sinh tiếp cận với những bằng chứng lịch sử có tính phản biện cao, vừa tuyên truyền lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tiểu Yến

.