Chính trị - Xã hội
Tình người ở xóm làm thuê
Xóm làm thuê nằm ở cuối con đường Lương Thế Vinh, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Trái với nửa đầu đường đã được thảm nhựa khang trang, phần đường chạy qua khu vực này vẫn hẹp, ổ gà lồi lõm chen giữa những viên đá dăm lởm chởm.
Bà Trần Thị Kiểm nằm một chỗ trên chiếc giường được hàng xóm xin về cho. |
Nhà bà Trần Thị Kiểm (SN 1930, thuộc tổ 26) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đoạn đường ấy. Căn nhà cũ kỹ, loang lổ từng mảng vữa, chẳng có gì ngoài bàn thờ cùng hai chiếc giường con cái lành, cái nát. Tiếng tụng kinh đều đều phát ra từ chiếc radio nhỏ không thể xua tan bầu không khí lạnh lẽo, đìu hiu trong nhà.
Trên chiếc giường sắt lành lặn, bà Kiểm nằm quấn mình trong lớp chăn mỏng. Chị Nguyễn Thị Hiệp, một người hàng xóm, cẩn thận đút cho bà Kiểm từng muỗng đậu hủ. Buổi sáng, chị Hiệp đi bán mấy thứ kẹo bánh linh tinh rồi mua hai ly đậu hủ mang về nhà. Một ly để cho con, ly kia chị mang qua bón cho người hàng xóm của mình ăn thay bữa sáng.
Bà Phan Thị Kim Cúc, một người hàng xóm khác của bà Kiểm, kể lại: Trước đây, bà Kiểm làm thuê ở khắp các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà. Bà thành góa phụ khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1995, bà gắng xin một người con nuôi mong về già có nơi nương tựa.
Chẳng may, chỉ 5-6 năm sau, người con trai ấy qua đời vì tai nạn trong một lần nhảy tàu đi bán vé số. Năm 2012, cái tuổi 82 đã làm đôi chân vốn không lành lặn của bà Kiểm càng lúc càng yếu. Tuổi cao, lại cộng thêm việc lao động nặng nhọc, ăn uống thiếu thốn, bà Kiểm ngã bệnh. Trong căn nhà vốn chỉ có một người, bà Kiểm nằm liệt một chỗ.
Bà Cúc kể: “Cách đây vài năm, bà Kiểm đau nặng, hàng xóm thay nhau đưa đi bệnh viện. Bác sĩ kêu bà bị khớp, bị tim đủ thứ. Nằm bệnh viện được một tuần thì bà đòi ra vì sợ vướng bận hàng xóm. Từ đó đến nay, cứ hễ bà đau quá thì tụi tui lại lấy đơn thuốc cũ đi mua lại, chớ bà không đi viện nổi nữa”.
Chỉ vào mấy tấm vạt giường, bà Cúc bảo: “Tui thấy cái giường này cũ quá, bèn xin một cái giường sắt người ta bỏ đi để cho bà nằm”. Cái giường cũ vẫn giữ lại, kê bên cạnh để tiện cho những người hàng xóm sang ngồi chăm sóc, bón ăn cho bà. Năm 2015, ngôi nhà tình thương mà bà Kiểm ở bắt đầu xuất hiện chỗ dột do bị mái tôn nhà đằng trước đâm vào. Thấy vậy, những người hàng xóm của bà Kiểm đi xin mấy tấm tôn cũ quanh đó về lợp lại. Có miếng tôn lành, bà Kiểm che được bàn thờ chồng, con khỏi ướt…
Ba năm nằm một chỗ, bà Kiểm sống dựa vào những người hàng xóm nghèo. Bà Cúc làm nghề rửa chén bát thuê cho mấy quán ăn quanh xóm. Gặp khách ăn có tấm lòng, bà Cúc lại kể về hoàn cảnh người hàng xóm không may của mình. “Cũng nhờ người ta giúp mà bà mới có tã giấy mà đeo”, bà Cúc nói. Bây giờ, ngay cả việc thay tã, hay lau rửa vệ sinh cơ thể, những người hàng xóm cũng thay nhau đến phụ giúp.
Ông Kiều Đình Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố 26, cho biết, bà Trần Thị Kiểm thuộc diện đặc biệt nghèo. Mỗi tháng, bà được hưởng hơn 500.000 đồng trợ cấp dành cho người tàn tật. Tuy vậy, hiện bà Kiểm không có người chăm sóc thường xuyên, chỉ có những người hàng xóm thay nhau sớm tối trông nom.
Bài và ảnh: KHANG NINH