.

Vụ "Bắt quả tang bơm nước vào bò": Lái bò mặc sức tung hoành

.

Sau khi Công an quận Liên Chiểu và Công an phường Hòa Khánh Nam bắt quả tang hành vi bơm nước vào bò trong đêm 25-4, chúng tôi tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân mới thấy công tác quản lý, giám sát hoạt động giết mổ, nuôi nhốt gia súc, gia cầm ở Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng, cũng như bên ngoài khu dân cư quá lỏng lẻo. Điều này vô hình trung tạo lỗ hổng cho các chủ buôn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bơm nước vào bò để trục lợi cá nhân.

Lực lượng Công an lấy lời khai các lao động bơm nước vào bò tại hiện trường đêm 25-4. Ảnh: P.V
Lực lượng Công an lấy lời khai các lao động bơm nước vào bò tại hiện trường đêm 25-4. Ảnh: P.V

Nguy cơ lây nhiễm bệnh tật

Người dân ở khu vực cho biết, “lò” bơm nước bò của bà Nguyễn Thị Tài hoạt động khá lâu. Việc bơm nước vào bò diễn ra thường xuyên. Cứ tầm 23-24 giờ, người lao động tại “lò” này dắt hàng chục con bò sang Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng để xẻ thịt, sau đó tiểu thương mang đi tiêu thụ ở các chợ. “Có hôm nhìn cảnh những con bò bụng bơm nước căng tròn, miệng chảy nước, nhích từng bước một trên đường đến lò mổ mà thấy tội nghiệp.”, một người dân sống ở khu vực “lò” bơm nước của bà Tài kể.

Không chỉ bò của bà Tài, qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi ghi nhận khoảng 23-24 giờ hằng đêm, có nhiều xe tải chở bò đến Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng mổ thịt. Trên xe có gần chục con bò bụng căng tròn. Một người lao động (đề nghị giấu tên) làm việc trong Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng khẳng định với chúng tôi: Hầu hết bò trước khi đưa vào đây xẻ thịt đều đã được lái buôn bơm nước. Trung bình mỗi con bò trọng lượng khoảng 2,5 tạ; sau khi bơm nước no đầy bụng, lái buôn lãi thêm 3-4 triệu đồng.     

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Thư (Bệnh viện C Đà Nẵng), trước khi giết mổ, bò bị bơm các nguồn nước bẩn, nhiễm tạp chất hoặc hóa chất (không rõ nguồn gốc) vào bụng sẽ làm thịt bò nhiễm vi sinh. Nếu chẳng may người tiêu dùng ăn phải thịt bò mang mầm bệnh này thì có nguy cơ nhiễm bệnh cao, dễ mắc bệnh tật.   

Làm rõ trách nhiệm của cán bộ thú y

Ông Hoàng Quốc Minh, cán bộ Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng cho biết, trung bình mỗi đêm trung tâm giết mổ từ 50-60 con bò cung cấp thịt cho thị trường. Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng có đủ điều kiện để nuôi nhốt bò trong vòng 6 giờ trước khi giết mổ theo quy định của Nhà nước nhưng các lái buôn vẫn nhốt bò ở bên ngoài, đến giờ mới đưa vào trung tâm giết mổ. Vì vậy, việc lái buôn có bơm nước vào bò trước khi giết mổ hay không thì cán bộ trung tâm không biết.  

Trong khi đó, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cho rằng, ở Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng có 10 cán bộ thú y túc trực, giám sát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm hằng đêm. Muốn biết con bò có bị bơm nước hay không, cán bộ thú y chỉ quan sát, khi nào nghi ngờ thì mới ngăn chặn, không cho mổ. Sau khi bò bị bơm nước, bụng căng tròn, thậm chí chảy ngược nước ra miệng, sao cán bộ thú y không phát hiện, ngăn chặn? Trả lời câu hỏi này, ông Thái nói rằng “muốn phát hiện được, trường hợp bụng bò phải cực no” (?).  

Cũng theo ông Cao Xuân Thái, lực lượng cán bộ thú y mỏng, chủ yếu chỉ kiểm tra, giám sát bên trong Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng; còn ở khu vực dân cư, phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương.  

Theo ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, UBND quận Liên Chiểu sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi bơm nước vào bò xảy ra trên địa bàn.  

Sáng 26-4, sau khi nghe phóng viên Báo Đà Nẵng phản ánh vụ bắt quả tang tình trạng lái buôn bơm nước vào bò trước khi đưa vào Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng giết mổ, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT tỏ ra bức xúc.

Ông Ban gọi điện thoại yêu cầu ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cán bộ thú y trực ở Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng; nếu phát hiện có hành vi làm ngơ hoặc tiếp tay thì xử lý nghiêm. Ngay sau đó, ông Nguyễn Phú Ban đến hiện trường kiểm tra tang vật 13 con bò bơm nước của lái buôn Tài bị tạm giữ trong đêm 25-4.

“Để ngăn chặn tình trạng bơm nước vào bò có thể tiếp tục xảy ra, trong thời gian đến, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, nêu cao tinh thần của cán bộ thú y, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng yêu cầu các lái buôn phải mang bò vào Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng nuôi nhốt trước 6 giờ trước khi giết mổ theo đúng quy định. Tuyệt đối không giết mổ bò đưa từ bên ngoài vào. Đồng thời, Sở NN&PTNT đề nghị UBND quận Liên Chiểu cấm các lái buôn nuôi nhốt bò trước khi giết mổ bên ngoài khu dân cư”, ông Nguyễn Phú Ban nói.

Chiều 27-4, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, qua nguồn tin báo của nhân dân về tình trạng bơm nước vào bò trước khi giết mổ ở hộ bà Nguyễn Thị Tài, hồi giữa tháng 3-2016, Công an phường Hòa Khánh Nam đã mời người nhà của bà Nguyễn Thị Tài đến làm việc và nhắc nhở không được thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như trên. Thế nhưng, bất chấp những lời nhắc nhở của cơ quan chức năng, bà Tài vẫn cố tình vi phạm.
Chị N., một tiểu thương kinh doanh ở chợ Siêu thị (đường Võ Văn Tần, quận Thanh Khê) cho hay: “Nhiều hôm nhập thịt về biết bò đã bị bơm nước trước khi giết mổ và mình chỉ dám “nhăn” thương lái thôi, chứ mình không lấy thì họ cũng để thịt cho người bán khác. Biết chất lượng thịt không tốt nhưng không thể không nhập được, vì mình là bạn hàng của thương lái. Nếu bỏ mối này, đi mua ở chỗ khác thì cũng gặp thịt bò bơm nước mà thôi, bởi hiện lái buôn nào cũng bơm nước bò trước khi giết thịt để kiếm lãi nhiều. Phân biệt thịt bò bình thường và thịt bò bơm nước dễ lắm. Nếu bò bị bơm nước trước khi mổ thì miếng thịt rỏ nước, ướt; màu sắc nhạt dần khi để lâu và thớ thịt không có độ đàn hồi.

NHÓM PHÓNG VIÊN

;
.
.
.
.
.