Chính trị - Xã hội
Báo chí là vũ khí sắc bén góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo
* Khánh thành Trạm phát sóng FM tại huyện đảo Lý Sơn
Ngày 26-5, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo “Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Tại hội thảo, có 29 tham luận, ý kiến được trình bày với 3 nội dung chính: Những vấn đề chung về tuyên truyền biển, đảo; kỹ năng tác nghiệp của nhà báo và kinh nghiệm thực tiễn; một số vấn đề đặt ra và giải pháp, kiến nghị.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tổng Biên tập tạp chí Người làm báo Nguyễn Thành Lợi khẳng định thời gian qua, báo chí đã có tiếng nói mạnh mẽ góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, tình hình Biển Đông, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, các ngành và nhất là giới báo chí. Do đó, chủ đề của hội thảo này vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc và ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí hiện nay.
Tham luận của Báo Đà Nẵng tại hội thảo với chủ đề “Ứng xử và trách nhiệm với di sản của cha ông”, do Phó Tổng biên tập phụ trách Trương Công Định trình bày, khẳng định: Viết về biển, đảo là trách nhiệm và tình yêu đối với đất nước của báo giới.
Trách nhiệm đó được cụ thể hóa qua 3 nội dung lớn: Tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế; khẳng định chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, Việt Nam không đánh đổi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lấy hòa bình, hữu nghị viển vông; công tác tuyên truyền phải thận trọng, không nóng vội, tránh sa vào âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, chống phá.
Để làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cán bộ lãnh đạo báo chí, biên tập viên và phóng viên phải không ngừng trang bị kiến thức về biên giới, hải đảo, luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế liên quan đến biển, đảo; kiến thức về căn cứ lịch sử, khoa học…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đề nghị: Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và các cơ quan chức năng hãy luôn đồng hành giúp đỡ, bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân, hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển.
Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cần lên tiếng đề nghị sửa đổi Nghị định 89/2015/NĐ-CP thông thoáng hơn, giúp ngư dân khai thác hải sản không may bị tàu Trung Quốc đâm va chìm tàu, bị cướp đoạt tài sản, có điều kiện đóng lại tàu.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ đối với các tàu cứu hộ ngư dân trên biển; hoặc trang bị thiết bị ghi hình ảnh giúp ngư dân thu thập chứng cứ khi bị tàu hải cảnh Trung Quốc tông va, cướp phá để có cơ sở pháp lý đấu tranh qua kênh ngoại giao. Ông Chinh đề nghị cần đưa lịch sử Hải đội hùng binh Hoàng Sa, cuộc đấu tranh bảo vệ Trường Sa ngày 14-3-1988 vào sách lịch sử dạy trong trường học để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Bên lề hội thảo đã diễn ra hoạt động triển lãm ảnh chủ đề “Biển đảo quê hương” tại Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải; chương trình tặng quà, học bổng của các doanh nghiệp giúp ngư dân và học sinh của huyện đảo Lý Sơn.
Dịp này, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng Trạm phát sóng FM - 5kW trên huyện đảo Lý Sơn; góp phần đưa những thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thời tiết, phòng, chống thiên tai, quốc phòng - an ninh đến thính giả là người dân huyện đảo Lý Sơn. Công trình này thuộc dự án phủ sóng phát thanh khu vực biển, đảo gần bờ mà VOV đã và đang triển khai trên khắp cả nước với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Trạm phát sóng này cũng tiếp và phát sóng cho cả Đài Truyền hình Việt Nam.
S.TRUNG