Chính trị - Xã hội
Học tập và làm theo Bác để phục vụ nhân dân tốt hơn
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa chúng ta gần nửa thế kỷ nhưng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người luôn là bài học lớn, sâu sắc để mỗi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo.
Mỗi lời nói, hành động của Bác dù rất khiêm tốn, giản dị nhưng bao giờ cũng hàm ẩn những tư tưởng vĩ đại và những bài học đạo đức nhân văn. Bất cứ ai soi mình vào tấm gương của Bác cũng đều tìm thấy cho bản thân những điều có thể học tập và làm theo.
Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là một nhu cầu tự thân nhưng đồng thời cũng là một nhiệm vụ bắt buộc, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, qua đó để tự giáo dục, rèn luyện mình xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác có rất nhiều bài học cho chúng ta noi theo, nhưng tôi cho rằng bài học lớn trước tiên mà mỗi cán bộ, đảng viên nên học Bác là tư tưởng vì dân. Suốt cả cuộc đời Bác hết lòng yêu thương con người, đem tâm sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Về đời tư, Bác không dành cho mình điều gì dù là nhỏ nhất. Bác gần gũi, hòa mình vào đời sống cần lao, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nhân dân. Bác đi nhiều, học nhiều, chịu khó lắng nghe, nắm bắt nhu cầu thực sự của nhân dân; từ đó, Người tâm niệm cho mình cũng như khuyên dạy cán bộ, đảng viên ta những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, Bác dạy: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết. Dân là gốc của nước. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; theo đó, có dân là có tất cả, không được lòng dân thì sớm hay muộn cũng thất bại: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bằng cả cuộc đời mình, Bác đã tạc nên hình tượng cao đẹp về người cán bộ lãnh đạo tận tụy, mẫu mực, hy sinh vì nước, vì dân. Ngoài khát vọng độc lập, tự do cho đất nước thì Bác không mong ước gì hơn là hạnh phúc cho nhân dân, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trọn đời Bác phấn đấu, hy sinh tất cả vì “ham muốn” thiêng liêng và cháy bỏng đó!
Đối với cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu để làm gương cho nhân dân, phải có đạo đức cách mạng, vì cán bộ, đảng viên là tấm gương của xã hội, phải nêu gương, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ quản lý, lãnh đạo vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ.
Dù công tác ở lĩnh vực nào cũng đều phải có phẩm chất đạo đức. Cấp bậc càng cao càng phải nêu gương về đạo đức. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải đặt mình vào đời sống khó khăn của nhân dân. Phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với dân, gần dân, trọng dân, học dân và lắng nghe dân.
Khi đã nắm bắt được nhu cầu thực sự của nhân dân thì nghiên cứu đề ra những chủ trương, quyết sách sao cho có lợi cho người dân nhất. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, chỗ nào dân chưa hiểu thì giải thích cho thấu đáo, đồng thời tuyên truyền, vận động để dân biết, dân tin, dân theo; việc nào dân thấy chưa đúng thì nhất quyết phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, phải biết sửa sai để làm cho đúng dù có tốn kém hay khó khăn đến đâu.
Phải thực sự khiêm tốn, cầu thị, phải tận dụng “tai mắt” của nhân dân để kiểm tra, giám sát cán bộ cấp dưới của mình. Cán bộ cần chịu khó tiếp cận thực tiễn, đi thực tế, chỗ nào càng khó khăn, đời sống xã hội càng phức tạp, nơi nào dân nghèo, dân khổ, dân bức xúc… thì cán bộ càng phải quan tâm thường xuyên hơn.
Có những việc nghe báo cáo thôi chưa đủ, đọc đơn thư của dân thôi chưa xong mà phải lặn lội đến với từng nhà, từng ngõ, gặp gỡ người dân để tìm cho ra sự thật (sự thật đó đôi khi không hoàn toàn giống như báo cáo).
Chắc chúng ta vẫn chưa quên những câu chuyện cảm động về tình thương dân của Bác: ngay trước giờ khắc giao thừa đón năm mới, Bác với tư cách là Chủ tịch nước còn tìm đến thăm nhà chị Tín làm nghề gánh nước thuê ở Hà Nội để chia sẻ với cái nghèo của dân; không quản nắng mưa cùng lội bùn cấy lúa, tát nước giải hạn cho đồng ruộng để hiểu cái khổ của nông dân; vào tận nhà xưởng gặp công nhân để lắng nghe người lao động kể chuyện đời sống còn quá nhiều vất vả, thiếu thốn…
Có chịu khó xuống gần dân như Bác thì cán bộ, lãnh đạo mới có cái nhìn chính xác, từ đó mới có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn và kịp thời.
Việc học và làm theo Bác phải gắn với nhiệm vụ cụ thể, thúc đẩy phát triển thành phố, nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh: ĐỖ HỮU TIẾN |
Đối với thành phố Đà Nẵng chúng ta, qua 5 năm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố đã có sự chuyển biến rõ nét; đã tác động mạnh mẽ vào công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi ngành, mỗi địa phương; góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; từng bước nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, khắc phục những yếu kém về đạo đức lối sống, góp phần ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Từ sự chuyển biến về nhận thức nêu trên, đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, xây dựng kỷ luật lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức…
Nhiều địa phương, đơn vị đã đề ra những tiêu chí hay, ngắn gọn, như “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, “3 nên”: nên vui vẻ trước việc làm đối với dân, nên xin lỗi nhân dân khi có thiếu sót, khuyết điểm và nên cảm ơn nhân dân khi được góp ý xây dựng; hay các phong trào: “Người cán bộ hội và nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo lời Bác Hồ”, “Người tốt, việc tốt”, “Người đảng viên sống đẹp”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”...
Trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy khóa XXI đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố.
Tinh thần cốt lõi là bằng mọi biện pháp tích cực, phát huy cao độ mọi nguồn lực, nghiên cứu các giải pháp hay, những cách làm sáng tạo, quyết liệt tổ chức thực hiện, đưa các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đối với các vấn đề nóng bỏng, phức tạp, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân, nổi cộm như tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm... được các cấp ủy Đảng và chính quyền kịp thời xử lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, sâu sát với dân, kịp thời có mặt ở những “điểm nóng” chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, được dư luận đánh giá cao.
Ngược lại, các trường hợp không làm tròn trách nhiệm, buông lỏng quản lý, gây thất thoát hoặc xâm hại tài sản của công dân và Nhà nước đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân cùng với việc giữ gìn kỷ cương phép nước, thượng tôn pháp luật đang được quán triệt sâu sắc từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất đến từng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, thành phố đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mục tiêu xây dựng một thành phố thực sự đảm bảo các giá trị và tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực sự an bình và sống tốt.
Đây không phải là mục tiêu quá xa vời song không phải dễ dàng đạt được nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành không đoàn kết, không năng động, sáng tạo, không đổi mới phương pháp làm việc, không phát huy hết tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng.
Một thực trạng rất bức xúc hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự vì dân, chưa quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân, thậm chí có trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà để trục lợi từ người dân và doanh nghiệp.
Chúng ta phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm.
Nhìn chung, đại đa số cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố chúng ta có ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc tận tụy, phục vụ nhân dân. Trong cuộc sống hằng ngày, ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng xả thân bắt cướp, chống buôn lậu, những đồng chí bí thư chi bộ, cán bộ công tác Mặt trận, tổ trưởng dân phố đêm đêm vẫn đến từng nhà vận động bà con thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Những bác cựu chiến binh, những đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ chịu khó, kiên trì, tìm mọi biện pháp giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa thanh - thiếu niên chậm tiến. Các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành hằng đêm cùng tham gia tuần tra với anh em công an, dân phòng, đảm bảo giấc ngủ bình yên cho nhân dân...
Một thành phố đáng sống không những có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, không chỉ dẫn đầu các phong trào thi đua trong cả nước mà còn phải hướng đến việc chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân |
Phong trào học tập và làm theo Bác đang dấy lên mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thành phố. Học Bác là mỗi người phải làm tốt hơn công việc hằng ngày của mình để góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Làm thế nào để thành phố Đà Nẵng vốn giàu truyền thống cách mạng, “trung dũng kiên cường” trong kháng chiến, nay đứng trước tình hình, nhiệm vụ mới phải phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nhân văn hơn.
Một thành phố đáng sống không những có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, không chỉ dẫn đầu các phong trào thi đua trong cả nước mà còn phải hướng đến việc chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách đưa ra phải thực sự hợp lòng dân, chú trọng giải quyết những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc…
Việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đến lúc phải có chuyển biến mạnh mẽ trong hành động và việc làm cụ thể. Không lý thuyết, không nói suông, không chung chung, hình thức. Phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương của Bác với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và với mỗi một cán bộ, đảng viên. Việc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với kết quả không cao cũng được xem là chưa nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Yêu cầu tiếp tục phát triển thành phố Đà Nẵng lên tầm cao mới, nhanh hơn, bền vững hơn là đòi hỏi cấp thiết và chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Chúng ta với trách nhiệm trước dân, trước Đảng phải ra sức học tập và làm theo Bác, đem hết trí tuệ và tâm sức, phát huy sức mạnh đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân, phấn đấu xây dựng và phát triển Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới.