Chính trị - Xã hội

Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng

07:53, 14/05/2016 (GMT+7)

Ngày 13-5, Thường trực Thành ủy tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các quận, huyện, sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu kết luận hội nghị. 									                Ảnh: SƠN TRUNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: SƠN TRUNG

Hội nghị đã nghe Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí triển khai Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nghe Trưởng ban Nội chính Thành ủy Trần Thanh Vân trình bày dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW.

Theo Chỉ thị số 05-CT/TU, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực; qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị thành phố, đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong việc công khai, minh bạch, quản lý tài sản công, cải cách thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải pháp PCTN, lãng phí, tiêu cực chưa quyết liệt, chưa đi vào thực chất, có lúc, có nơi còn hình thức; vai trò của tổ chức Đảng chưa thể hiện rõ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, lãng phí chưa đạt hiệu quả, chưa tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa sâu sát trong quản lý cán bộ; một số ngành, lĩnh vực còn xảy ra sai phạm nhưng chậm khắc phục, xử lý chưa nghiêm, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa quyết liệt; việc quản lý sử dụng ngân sách, lao động, tài sản Nhà nước, quản lý đầu tư… còn hạn chế, bất cập, chưa tiết kiệm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí gây bức xúc trong dư luận.

Tăng cường giám sát lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng

Để khắc phục những hạn chế này, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 8 nhiệm vụ PCTN, lãng phí, tiêu cực. Các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu tổ chức, đơn vị phải đưa công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực vào nhiệm vụ trọng tâm hằng năm với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này; tập trung vào các chủ trương, giải pháp PCTN, lãng phí, tiêu cực đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố.

Trong các báo cáo định kỳ của cấp ủy, tổ chức Đảng phải có nội dung về PCTN, lãng phí và tiêu cực, xây dựng kế hoạch PCTN hằng năm và thực hiện quyết liệt; cho thôi việc những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có dư luận xấu, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Người đứng đầu phải thật sự gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ PCTN, tập trung rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định, thủ tục hành chính; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, như: Quản lý đất, tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất; định giá, đấu giá quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí, lệ phí; sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; công tác tư pháp; quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Chỉ thị số 05-CT/TU yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu hoàn thiện quy định quản lý, kiểm soát việc thu, chi ngân sách, chi tiêu công. Chỉ thị yêu cầu xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, nghiêm cấm và có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên có hành vi bao che, ngăn cản, can thiệp vào quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đưa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, người đứng đầu về công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực vào chương trình công tác kiểm tra hằng năm của cấp ủy Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ xử lý án tham nhũng.

Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và nhân dân trong phát hiện, đấu tranh với tham nhũng; có biện pháp bảo vệ người tố cáo, cung cấp thông tin; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với PCTN, lãng phí, tiêu cực; phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng trong tuyên truyền PCTN, lãng phí, tiêu cực. Ban Nội chính Thành ủy tích cực, chủ động tham mưu Thành ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy về chủ trương, giải pháp PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Vi phạm phải bị xử lý, không có chuyện “xin xỏ”

Phát biểu kết luận hội nghị về nội dung PCTN, lãng phí, tiêu cực, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị bám sát Chương trình hành động của Thành ủy để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 50-CT/TW trên tinh thần kiên trì, kiên quyết PCTN, lãng phí, tiêu cực. Các cơ quan tố tụng cần có sự thống nhất cao trong xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy nhanh tiến độ xử lý những vụ án tham nhũng còn tồn đọng trên tinh thần làm rõ đến đâu, xử lý đến đấy, quyết liệt, không buông xuôi, không nể nang, né tránh, không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng.

Bí thư Thành ủy cảnh báo cán bộ, đảng viên của thành phố: Nếu vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực có đủ chứng cứ phải bị xử lý, không có chuyện vi phạm rồi “xin xỏ”, không có chuyện can thiệp, tác động. Những đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, người trực tiếp vi phạm phải bị xử lý theo đúng quy định pháp luật và cả người đứng đầu đơn vị cũng phải bị xử lý trách nhiệm. Mặt trận và các đoàn thể thành viên phát huy vai trò của nhân dân tham gia PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải không ngừng rèn luyện, gương mẫu trong thực thi công vụ. Thường trực Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thực hiện kiểm tra tình hình, kết quả các cơ quan, đơn vị thực hiện các kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, kết quả thực hiện nhiệm vụ PCTN, lãng phí, tiêu cực và sẽ có hình thức xử lý những đơn vị không thực hiện, chậm triển khai.

Chỉ đạo nội dung thực hiện QCDC, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể thực hiện các nội dung của Kết luận số 120-KL/TW, trong đó lưu ý thực hiện dân chủ phải gắn với công khai, minh bạch, dân chủ thực chất, không hình thức, dân chủ nhưng phải kỷ cương.

Tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phạm Quý triển khai Kết luận số 120-KL/TW. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thực hiện QCDC ở cơ sở một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu, tạo thống nhất trong nhận thức, tự giác gương mẫu thực hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng và thực hiện QCDC trong phạm vi được phân công phụ trách; tiếp tục kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Ngoài ra, phải chú trọng đối thoại, lắng nghe ý kiến của nhân dân; thực hiện QCDC ở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo dân chủ thực chất, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dân chủ gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội.

S.TRUNG

.