Chính trị - Xã hội
Khu dân cư gần nghĩa trang ở huyện Hòa Vang: Cần giải pháp bảo đảm môi trường
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), môi trường là tiêu chí khó nhất, bởi nó liên quan đến nhiều lĩnh vực vừa công trình vừa phi công trình, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. 5 năm qua, huyện Hòa Vang đã chú trọng đầu tư để cơ bản hoàn thành tiêu chí này.
Khu dân cư ở sát nghĩa địa nhưng không có tường che khá phổ biến ở huyện Hòa Vang. |
Thành tựu nổi bật là môi trường ở nông thôn đã xanh hơn, sạch hơn và trong lành hơn so trước đây. Trên địa bàn huyện không còn điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Mô hình “thôn không rác” đã lan rộng trên phạm vi toàn huyện.
Tình trạng rác thải lưu cữu lâu ngày tại các điểm tập kết hầu như không còn. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch; có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đạt chuẩn vượt chỉ tiêu đề ra. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Ý thức trách nhiệm của người dân trong giữ gìn bảo vệ môi trường nâng lên đáng kể...
Tuy vậy, thời gian qua, huyện Hòa Vang chưa thật chú trọng đến nghĩa trang, hạng mục hết sức quan trọng của tiêu chí môi trường. Nói đúng hơn, nhiều xã mặc nhiên chấp nhận tồn tại khách quan là các nghĩa trang có từ lâu, gần khu dân cư nhưng không có tường ngăn cách.
Xã Hòa Tiến hiện có 3 nghĩa trang với hàng chục nghìn ngôi mộ xây dựng rất kiên cố. Đó là nghĩa trang tại các thôn Yến Nê, Lệ Sơn và Nam Sơn. Có lẽ nhiều năm trước nghĩa trang cách xa khu dân cư, nhưng do nhu cầu về nơi ở của dân cư, càng ngày nhà ở áp sát nghĩa trang, thậm chí có nơi nhà ở của hộ dân chỉ cách mộ người chết vài ba mét.
Sát hai bên đường nhựa ADB5 từ xã Hòa Tiến đi xã Hòa Phong, đoạn thuộc địa bàn thôn La Bông là nghĩa trang Yến Nê có từ lâu đời, ước hàng chục nghìn ngôi mộ xây dựng đủ kiểu dáng. Ngôi nhà hai tầng khang trang bà Vũ Thị Thanh xây dựng cách đây hơn 1 năm, chỉ cách nghĩa trang này khoảng 7-8 mét. Bà Thanh cho biết, hồi mới chuyển đến ở cũng ngại lắm, bởi nhà ở quá gần nghĩa trang, nhưng lâu rồi cũng quen. Giá như xung quanh nghĩa trang này người ta xây tường bao, hoặc ít ra có cây xanh che chắn thì hay biết mấy.
Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Ái, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho rằng, vẫn biết khu dân cư ở sát nghĩa trang rất bất cập, tuy nhiên không thể di dời nghĩa trang đi nơi khác. Cách duy nhất là trồng cây xanh bao bọc, tạo không gian hài hòa giữa khu dân cư và nghĩa trang. Nhưng cũng khó thực hiện vì xã không có kinh phí đầu tư.
Tương tự, tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, nơi 585 hộ dân đang sinh sống, có 2 nghĩa trang sát khu dân cư. Bà Nguyễn Thị Tánh, Trưởng thôn cho hay: “Tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM có mục: “Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch”. Điều này có thể hiểu là sát khu dân cư không thể quy hoạch nghĩa trang. Nhưng ở đây, nghĩa trang có từ lâu đời, đành phải chấp nhận. Có điều, cần có cây xanh ngăn cách giữa nghĩa trang và khu dân cư”.
Hiện tại, ngoài các nghĩa trang quy hoạch của thành phố ở các xã Hòa Khương, Hòa Sơn, Hòa Ninh, trên địa bàn 11 xã ở Hòa Vang có 68 nghĩa trang lớn, nhỏ khác do các xã quản lý. Đây là những nghĩa trang hình thành từ rất lâu, nơi chôn cất nhiều người, vì vậy rất khó di dời. Để giải quyết phần nào những tồn tại về môi trường do các nghĩa trang này gây ra, nên chăng tăng cường trồng cây xanh ngăn cách giữa các khu dân cư và nghĩa trang.
Bài và ảnh: Hoài Nam