Chính trị - Xã hội
Tổng thống Obama: Tình cảm của người dân Việt Nam chạm đến trái tim tôi
Trong bài phát biểu trước công chúng Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên VTV1 trưa nay, Tổng thống Obama đã trân trọng các giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước con người Việt Nam khi dẫn thơ Lý Thường Kiệt, lảy Kiều của Nguyễn Du, trích Trịnh Công Sơn và Văn Cao
Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama nói: "Tình cảm của người dân VN chạm đến trái tim tôi. Hôm qua tôi đi ăn bún chả. uống bia Hà Nội, những đường phố đông đúc của Hà Nội, tôi chưa từng thấy nhiều xe máy như vậy, chưa thử đi qua đường. Lần sau đến các bạn chỉ cho tôi cách qua đường thế nào".
Ông bày tỏ sự trân trọng lịch sử văn hóa của Việt Nam: "Hàng nghìn năm người dân trồng cấy ở đất này, có lịch sử trống đồng Đông sơn, thế giới biết đến lụa và Văn Miếu của Việt Nam. Như một cây tre, tinh thần bất khuất của người VN như Lý Thường Kiệt ghi lại, Sông núi nước nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời".
Ông nhắc tới lịch sử hai nước mà có thể thế hệ trẻ đã quên, 200 năm trước Tổng thống Thomas Jefferson đã tìm kiếm giống lúa và đã tìm đến người Việt Nam với những giống gạo trắng, năng suất cao. Sau đó Mỹ đã đến sát cánh với Việt Nam trong cuộc đánh đuổi thực dân, khi phi công Mỹ đến người Việt Nam giúp họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ: mọi người sinh ra bình đẳng, đó là quyền sống, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
"Chiến tranh dù thế nào đi nữa cũng mang đến đau đớn và bi kịch. Trong các nghĩa trang của Việt Nam có 3 triệu người lính và dân thường, ở đài tưởng niệm của chúng tôi có thể chạm vào tên 58 nghìn lính Mỹ chết tại Việt Nam" - tổng thống Mỹ nhắc lại trang đau thương giữa hai nước.
Ông ghi nhận những thành công của Việt Nam trong hai thập kỷ qua, như sự hội nhập toàn cầu về kinh tế của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, việc hai nước hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, gỡ bỏ bom mìn và vật liệu nổ, tẩy dioxin ở sân bay Đà Nẵng. Ông cũng ghi nhận đóng góp của các Thượng nghị sĩ Mỹ như John McCain hay John Kerry, người giờ đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
"Thượng nghị sĩ JohnMcCain đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói chúng ta không nên là kẻ thù mà nên là bạn, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh".
Ông cho rằng người dân hai bên có nhu cầu tiếp tục cuộc sống hòa bình, hai bên gần gũi nhau hơn, trao đổi sinh viên tăng lên, du khách Mỹ đến thăm 36 phố phường ở Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An và cố đô Huế ngày càng nhiều.
"Người Việt Nam thuộc bài hát của Văn Cao: Từ nay người biết quê người/ Từ nay người biết thương người... Tôi mong muốn quan hệ hai bên gần gũi hơn, chúng ta ngày càng hợp tác, xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho thập kỷ tới".
Hai nước đã làm được điều mà ông Obama cho là không thể tưởng tượng trước đây, khi hai bên thành đối tác bạn bè. "Đó là bài học cho chúng ta và cũng là bài học cho cả thế giới. Nhiều xung đột tưởng không giải quyết được nhưng vẫn có thể hòa giải. Chúng ta thay đổi, xây dựng hòa bình, sự tốt đẹp của con người, giá trị con người cần thúc đẩy chứ không phải chiến tranh".
Ông Obama nói đến một điều mà ông gọi là "có tính nguyên tắc": Việt Nam là nước có độc lập chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt ý chí cho Việt Nam, chủ quyền độc lập của Việt Nam do người Việt Nam quyết định.
Cho rằng mình không còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ, song ông Obama muốn đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước.
"Thế hệ trước đến Việt Nam chiến đấu nhưng thế hệ sau đến làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sẽ đóng góp cho Việt Nam" - Tổng thống Mỹ nói, và nhắc tới sự hợp tác giữa hai nước trong TPP, trao đổi kinh tế thương mại, giáo dục, Đội Hòa bình tới Việt Nam dạy tiếng Anh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích bình đẳng giới ở Việt Nam, hợp tác chống biến đổi khí hậu...
Trong bài phát biểu, ông cho biết, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí xây dựng lòng tin. Mỹ sẽ cung cấp thiết bị cho Cảnh sát Biển Việt Nam, hỗ trợ đào tạo, hợp tác an ninh hàng hải, bỏ cấm vận vũ khí để Việt Nam có vũ khí cần thiết đảm bảo an ninh của mình.
Ông nhấn mạnh: "Thế kỷ 20 dạy cho chúng ta một bài học về trật tự quốc tế mà an ninh phụ thuộc vào nhau. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của họ cần được tôn trọng, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ hơn, tranh chấp giải quyết hòa bình".
"Đây là niềm tin của tôi và của nước Mỹ" - ông nói. "Mỹ không phải là một bên tranh chấp Biển Đông nhưng chúng tôi sát cánh cùng các đối tác bảo vệ tự do hàng hải, tự do thương mại. Mỹ sẽ tiếp tục cử tàu và máy bay đến những vùng mà luật pháp quốc tế cho phép".
Tổng thống Obama đề cập đến khác biệt giữa hai nước về nhân quyền, việc cần thiết mở rộng không gian cho tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do sáng tạo ở Việt Nam.
Ông cũng nhắc tới cộng đồng người Việt ở Mỹ: "Tôi vô cùng lạc quan vào tương lai. Niềm tin của tôi có nền tảng là tình hữu nghị. Người dân Việt Nam, như Trịnh Công Sơn viết, Nối vòng tay lớn, hãy mở tấm lòng mình ra". Theo ông, Việt kiều ở Mỹ rất thành công, rất nhiều người là nhà báo, bác sĩ, thẩm phán... và họ mong muốn hỗ trợ cải thiện đời sống ở Việt Nam.
"Tương lai nằm trong tay các bạn. Hoa Kỳ là một đối tác của các bạn" - Tổng thống Mỹ nói.
Theo Lao động