Bão Chanchu diễn ra trên Biển Đông tháng 5-2006, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của ngư dân miền Trung. Tròn 10 năm sau cơn bão này, ngư dân vẫn mạnh mẽ vươn khơi bám biển với nhiều kinh nghiệm và sự hỗ trợ quý báu từ chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng.
Bộ đội Biên phòng kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, phao cứu sinh trên tàu cá trước khi cấp lệnh rời bến. Ảnh: NGỌC PHÚ |
10 năm trước, nói về bão Chanchu, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng ban chỉ huy phòng, chống lụt bão Trung ương, thừa nhận: “Từ trước đến nay, công tác phòng, chống bão chỉ tập trung trong bờ. Ngoài khơi xa, lực lượng phòng, chống không với tới được”.
Sau “sự kiện” Chanchu, công nghệ dự báo thời tiết của Việt Nam có nhiều thay đổi và đặc biệt Đà Nẵng đầu tư mạnh trang bị thiết bị liên lạc cho ngư dân.
Dự báo yếu, chế độ thông tin còn hạn chế
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng nói rằng, ngày đó, ngư dân chết nhiều trong cơn bão vì ba nguyên nhân. Thứ nhất, năng lực dự báo của ngành khí tượng thủy văn còn quá hạn chế, họ chỉ tập trung dự báo trên đất liền không quan tâm trên biển; đồng thời dự báo thiếu chính xác, nhất là khi cơn bão chuyển hướng đột ngột.
Thứ hai, tàu của ngư dân quá nhỏ (công suất lớn nhất khoảng 90CV), làm nghề câu mực nên tầm hoạt động quá xa, cách Đà Nẵng gần cả ngàn kilômet. Nguyên nhân quan trọng khác chính là chế độ thông tin trên tàu cũng như trên đất liền còn thiếu và yếu. Theo ông Thắng, đa phần tàu bè không trang bị chế độ thông tin như định vị, ICOM.
Không chỉ vậy, công tác quản lý tàu thuyền của cơ quan chức năng cũng hạn chế, chỉ nắm được thông tin tàu đánh bắt trên biển, chứ không có con số chính xác là có bao nhiêu tàu, có bao nhiêu người hoạt động ngoài khơi. Mọi thông tin ngư dân hầu hết báo cho gia đình là chính, khi có sự việc gì thì họ đến báo với Bộ đội Biên phòng.
Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng nhớ lại: Ngày đó, ngư dân mình bị nạn nhiều ở khu vực gần đảo Đông Sa của Đài Loan, cách Đà Nẵng khoảng 1.000km. “Nếu ngư dân vào trú tránh bão tại đất liền nước bạn thì không xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Thời đó, tàu bị nạn chủ yếu là tàu câu mực, họ đi quá xa”.
Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết: “Lúc đó không có sẵn phương án phòng, chống bão, không có phương án hướng dẫn cụ thể để ngư dân tránh bão. Ngay cả công tác phòng, chống bão cũng chưa có kinh nghiệm. Công tác khắc phục sau bão cũng chậm, chưa có nguồn quỹ gì để giúp đỡ ngư dân ngay sau đó...”.
Đà Nẵng nỗ lực đầu tư
Sau cơn bão Chanchu, các cơ quan chức năng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý; trong đó có việc khắc phục ngay công tác dự báo. Ông Trần Văn Nguyên, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, tiêu đề bản tin dự báo bão đã thay đổi như đưa tin bão gần Biển Đông, tin bão trên Biển Đông, tin bão gần bờ, tin bão khẩn cấp, tin bão trên đất liền và tin cuối cùng về cơn bão.
Nội dung các bản tin được thể hiện chi tiết, nêu rõ diễn biến cơn bão (như khi bão gần bờ sẽ báo phạm vi ảnh hưởng, thời gian bão đổ bộ, lượng mưa…). Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương bổ sung thêm thông tin hướng dẫn tàu thuyền tránh, trú bão.
Khi có bão, Đài Khí tượng thủy văn Trung ương làm thông tin diễn biến cơn bão; còn đài khu vực sẽ báo cụ thể đến phần hệ quả thời tiết như lượng mưa, sức gió, độ cao sóng, nước dâng.
Sau bão Chanchu, dự báo của ngành Khí tượng thủy văn ngày càng chính xác, bắt kịp với các cơ quan khí tượng quốc tế như Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản… Hệ thống quan trắc tự động của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ được đầu tư với 74 trạm, đo tự động, truyền thông tin tự động, dữ liệu phục vụ cho dự báo phong phú hơn. Thời gian dự báo đã tăng lên 72 giờ, gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Tháng 5-2007, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 30 về chế độ thông tin liên lạc. Với quyết định này, ngư dân khi ra khơi phải trang bị đầy đủ hệ thống thông tin, ICOM, chấp hành chế độ thông tin liên lạc với Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cơ quan chủ trì. Lãnh đạo thành phố cũng giao BĐBP làm văn phòng thường trực cứu nạn.
Ngày 8-6-2012, UBND thành phố tiếp tục ban hành Quyết định 22 quy định chế độ bắt buộc thông tin liên lạc các tàu cá khi ra khơi phải liên lạc với BĐBP; trong đó quy định một ngày thông tin một lần; khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới thì 3 giờ một lần; khi có bão hoặc khi gặp sự cố trên biển thì phải thông tin thường xuyên. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ máy thông tin ICOM cho 100 tàu đánh bắt xa bờ.
Riêng lực lượng Biên phòng đã làm tốt công tác xuất, nhập tàu hằng ngày; tiến hành liên lạc thường xuyên với các tàu cá. Từng ngày, ý thức của ngư dân đã nâng lên rõ rệt. Họ thường xuyên thông báo về các đài canh để thông báo tình hình trên biển.
Đến nay, hầu hết các tàu khai thác xa bờ đều được gắn định vị GPRS để kiểm soát, theo dõi, giúp ngư dân tự tin vươn khơi. “10 năm nhìn lại, Nhà nước, chính quyền địa phương rất quan tâm đến chế độ thông tin liên lạc. Bởi sự sống còn của ngư dân trên biển là thông tin liên lạc. Hằng năm có thể xảy ra rất nhiều vụ tai nạn trên biển, nhưng thông tin với ngư dân thì không bao giờ mất liên lạc. BĐBP đã tăng cường đầu tư hệ thống thông tin liên lạc tại 5 đài canh. Thành phố hỗ trợ một đài canh tại Đồn Biên phòng 248 và chuẩn bị đầu tư thêm một đài canh tại đồn Biên phòng Sơn Trà”, Đại tá Lê Tiến Hưng cho biết.
Đặc biệt, sau 10 năm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Đà Nẵng đã lớn mạnh vượt bậc, họ sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu. Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân. Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, chỉ sau 10 năm, nghề cá của Đà Nẵng phát triển rất tốt.
“Những nỗ lực của thành phố cho thấy 10 năm qua không có ngư dân thiệt hại do bão gây ra trên biển, dù có nhiều cơn bão hoành hành trên Biển Đông. Năng lực quản lý tàu cá luôn dẫn đầu cả nước”, ông Thắng nói. Ông cũng đề nghị thành phố cần tiếp tục hiện đại hóa ngành nghề; đầu tư mạnh tàu vỏ thép, vừa chắc chắn, vừa không sợ tàu Trung Quốc va đâm. Tiếp tục quan tâm các chính sách để đem lại lợi ích cho ngư dân; vì sự có mặt của ngư dân góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Sau bão Chanchu, Bộ Ngoại giao cũng đã ký các công hàm thông báo đến các quốc gia lân cận về việc trú tránh khi có thiên tai, nên ngư dân có thể yên tâm đi tránh trú mà không còn sợ như trước. Thông tin từ ông Trần Văn Lĩnh cho hay, đến nay thành phố đã thành lập gần 100 tổ đội đánh bắt an toàn, có thể giúp nhau trên biển. Các nghiệp đoàn nghề cá cũng đã kịp thời thành lập, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, Hội Nghề cá để giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển.
Bão Chanchu, cơn bão nhiệt đới hình thành trên vùng biển Philippines ngày 8-5-2006, vào Biển Đông ngày 13-5, sau đó vào đông nam Trung Quốc khiến hàng trăm người chết. Bão Chanchu không vào đất liền Việt Nam, chỉ hoành hành trên Biển Đông nhưng để lại hậu quả nặng nề cho ngư dân miền Trung. Thời điểm bão vào có 45 tàu với hơn 750 ngư dân đang hoạt động tại vùng cơn bão đi qua. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, số người chết và mất tích trong bão Chanchu là 266 người, trong đó vớt được 20 thi thể, 246 người mất tích; 13 tàu thuyền bị chìm (Đà Nẵng 7, Quảng Ngãi 5, Bình Định 1); 5 tàu mất tích (Đà Nẵng 3, Quảng Nam 2). |
NGỌC PHÚ - HOÀNG NHUNG