Chính trị - Xã hội

Những bước chân thiện nguyện

07:33, 09/05/2016 (GMT+7)

Chỉ cần một cuộc điện thoại khi có trường hợp cần giúp đỡ, họ lập tức lên đường đến với những mảnh đời bất hạnh. Đó chính là những cán bộ Chữ thập đỏ tại Đà Nẵng.

Ông Bùi Xuân Mạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thuận Phước (đứng), tham gia hoạt động tình nguyện phối hợp khám chữa bệnh cho người nghèo.
Ông Bùi Xuân Mạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thuận Phước (đứng), tham gia hoạt động tình nguyện phối hợp khám chữa bệnh cho người nghèo.

“Anh Ba ơi, nhà tui tôn bị thủng rồi, mưa ướt hết đồ đạc, anh hỗ trợ giùm mấy tấm tôn nhé”; “Anh Ba ơi, con tui ốm rồi, nhà khó khăn quá. Anh giúp tui ít tiền mua thuốc cho nó với”... Nhận được điện thoại vào giữa trưa hay thậm chí nửa đêm đối với ông Phạm Viết Ba, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), là chuyện quá quen thuộc.

Có 1.001 lý do để người dân “níu áo” ông. Lập tức, khi nhận điện thoại, dù đang bận việc gia đình hay đang ăn cơm, ông cũng bỏ dở để đến nơi cần trợ giúp. “Người ta chỉ gọi mình lúc khó khăn, ngặt nghèo nhất. Bởi vậy, nếu mình đến chậm hoặc không đến thì sẽ có chuyện không hay xảy ra”, ông Ba bộc bạch.

Vừa qua, khi nhận được tin bà N.T.L (hộ nghèo, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) qua đời, mặc trời mưa tầm tã, ông Ba vẫn đến tận nơi, quyên tiền giúp gia đình mua quan tài và lo tang ma. Ông ủng hộ ngay 500.000 đồng vào hũ tiền quyên góp để mua quan tài cho bà L. Bỏ tiền túi để giúp đỡ người nghèo là chuyện thường xuyên đối với ông Ba.

Khi thì 50.000 đồng, khi thì 100.000 đồng. Lý do của ông rất đơn giản, như ông nói: “Chờ xuất quỹ hội thì không kịp, trong lúc họ cần ngay vài trăm ngàn đồng để chi phí tang ma, đưa người bệnh đi viện. Thôi thì mình bỏ tiền túi giúp họ trước mắt cái đã”.

Ông Ba còn bảo, mình không giàu nhưng lương hưu cũng đủ sống, hơn nữa mình còn may mắn hơn nhiều người khi con cái đều có công việc ổn định. Số tiền trợ cấp khoảng 2 triệu đồng/tháng dành cho Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường cũng chỉ đủ để ông xăng xe và làm việc thiện. Hiện ông Ba thành lập 3 nhóm tình nguyện (mỗi nhóm khoảng 30 người) với nhiều hoạt động ý nghĩa như: nấu cháo từ thiện, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp...

Đồng thời, với sự kêu gọi của ông, 2 nhóm hiến máu nhân đạo cũng đã ra đời với tổng cộng hơn 60 thành viên, mỗi thành viên đều có “thâm niên” hiến máu từ 15 lần trở lên. Ông còn là một tuyên truyền viên tích cực về biến đổi khí hậu, giúp người dân chằn chống nhà cửa, cưa cây ven đường mỗi khi vào mùa mưa bão. “Địa phương mình nằm sát biển nên rất dễ bị ảnh hưởng gió, bão. Bởi vậy, những kỹ thuật, thao tác ứng phó với thiên tai thật sự cần thiết”, ông Ba thổ lộ. Được sự đồng ý của Sở Y tế, điểm sơ cấp cứu về an toàn giao thông đường bộ do ông phụ trách cũng vừa được thành lập tại số 7 Ngô Quyền nhằm giúp những người dân gặp nạn được sơ cứu kịp thời.

Trong khi đó, hơn 20 năm làm công tác Chữ thập đỏ, ông Bùi Xuân Mạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thuận Phước (quận Hải Châu), cũng đã quá quen với những cuộc gọi bất ngờ, những chuyến đi đột xuất để giúp người nghèo. Đơn cử như trường hợp cậu bé Nguyễn Hoàng Lâm Bảo (ở phường Thuận Phước).

Bảo lớn lên trong vòng tay mẹ và không biết mặt cha. Mẹ Bảo làm nghề thu mua phế liệu nên thu nhập không ổn định, cuộc sống của mấy mẹ con khá chật vật. Hơn 13 năm nay, ông Mạnh đều vận động các nhà hảo tâm và địa phương hỗ trợ Bảo mỗi tháng 500.000 - 600.000 đồng và những phần quà thiết thực giúp gia đình em vượt qua khó khăn.

Ông Mạnh tâm sự, làm công tác Chữ thập đỏ, khó nhất là việc vận động tiền hỗ trợ cho người nghèo. Có lần đến gặp một doanh nghiệp để xin kinh phí giúp các em bị bệnh tim, ông phải chờ 3 buổi thì mới gặp được giám đốc đơn vị. Chuyện các đơn vị từ chối thẳng thừng hoặc nói khéo rằng lãnh đạo bận đi công tác nên không gặp đã quá quen thuộc đối với ông.

“Cứ nghĩ đến những đứa trẻ đang bị bệnh, những nạn nhân da cam cần trợ giúp là mình thấy quên cả ngại ngùng, khó nhọc. Chỉ mong có ngày càng nhiều hơn những tấm lòng đồng cảm cùng chung tay giúp đỡ”, ông Mạnh nói.

Nhẩm tính trong 5 năm qua, ông đã hỗ trợ tiền, quà cho 33 em là nạn nhân chất độc da cam, 15 học sinh nghèo được học bổng cùng hàng ngàn trường hợp khó khăn khác với tổng kinh phí khoảng gần 600 triệu đồng... Những bước chân của ông Mạnh, ông Ba và rất nhiều cán bộ Chữ thập đỏ vẫn đang tiếp tục bởi phía trước còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần sự sẻ chia.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.