Chính trị - Xã hội
Quyết liệt chống tham nhũng, phát triển kinh tế bền vững
Ngày 6-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV đơn vị thành phố Đà Nẵng ở đơn vị bầu cử số 1 và 2, gồm các ông, bà: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Bá Sơn, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra thành phố; Võ Thị Như Hoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp; Nguyễn Thị Thanh Bình, Đảng ủy viên, Trưởng phòng Hành chính-Tư pháp thuộc Sở Tư pháp; Lê Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước; Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản miền Trung; Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH khóa XIII; Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố; Ngô Thị Kim Yến, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố có buổi tiếp xúc cử tri các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang để vận động bầu cử.
Cử tri quận Cẩm Lệ phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Ảnh: SƠN TRUNG |
Tham dự các buổi tiếp xúc cử tri có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng.
Quốc hội phải tiên phong chống tham nhũng
Sau khi các ứng cử viên trình bày dự kiến chương trình hành động của mình, nhiều cử tri phát biểu ý kiến bày tỏ sự đồng tình với chương trình hành động của các ứng cử viên và cho rằng nội dung rất sát với thực tiễn yêu cầu của cuộc sống, đề cập nhiều vấn đề cử tri bức xúc, dư luận quan tâm.
Cử tri Nguyễn Thiên (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng, ủng hộ sự nhiệt thành của các ứng cử viên và cũng mong rằng các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ giữ đúng lời hứa của mình hôm nay, đồng thời, phải luôn gần dân, sát dân, thường xuyên tiếp xúc với dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có như vậy mới xứng đáng với sự kỳ vọng của nhân dân dành cho mình”.
Cử tri Nguyễn Thiên cũng đặt câu hỏi với ứng cử viên rằng nếu trở thành thành viên của Đoàn đại biểu QH khóa XIV đơn vị thành phố Đà Nẵng, ứng viên có dám trở thành người đi đầu, tiên phong trong phong trào phòng, chống tham nhũng hay không.
Nhiều ý kiến cử tri khác cũng phản ánh mặc dù QH khóa XIII có những giải pháp thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và không có dấu hiệu suy giảm. QH khóa XIV phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để có những giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng, trong đó phải làm cho hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng minh bạch hơn.
Cử tri Phạm Bích Liễn (quận Cẩm Lệ) so sánh rất hình ảnh: “Nếu giảm được một vụ tham nhũng trị giá tiền tỉ, Nhà nước sẽ có điều kiện làm được rất nhiều nhà tình thương cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, cải thiện chất lượng nhà ở cho đối tượng chính sách, người có công cách mạng”.
Theo cử tri Lê Tấn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), dù Đảng, Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt nhưng vấn nạn tham nhũng vẫn xuất hiện trong các cơ quan, đơn vị, từ Trung ương đến địa phương. Nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm, phải chăng do chưa có liều thuốc đặc trị để chấm dứt căn bệnh này. “Không chỉ cử tri của huyện Hòa Vang mà cử tri cả nước đều mong rằng những ai trúng cử đại biểu QH khóa XIV cần có tiếng nói mạnh về vấn đề này để QH bàn thảo, đưa ra những hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng”, cử tri Tấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, cử tri phản ánh tổ chức bộ máy Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, có những mặt hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cử tri kỳ vọng những người trúng cử phải góp phần cải cách bộ máy Nhà nước tinh gọn hơn.
Phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ an ninh quốc gia
Về vấn đề kinh tế, cử tri đề nghị QH khóa XIV phải làm sao để đất nước ta giảm phụ thuộc sâu vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, đa dạng hơn các hình thức hợp tác kinh tế trong khu vực và các châu lục trên thế giới.
Cử tri Nguyễn Xuân Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) lại quan tâm đến cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài và đề nghị QH khóa mới phải cân nhắc, thận trọng khi thông qua các dự án đầu tư nước ngoài. Cử tri Nguyễn Đắc Lãm (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) mong muốn đại biểu QH khóa XIV sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao chất lượng tàu vươn khơi; đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Đề cập vấn đề Biển Đông, cử tri đề nghị những người trúng cử phải góp phần thúc đẩy để QH ra nghị quyết về Biển Đông.
Đặc biệt, nhiều cử tri cùng chung nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm và đặt nhiều kỳ vọng về sự quyết liệt, mạnh mẽ đấu tranh chống thực phẩm bẩn của đại biểu Quốc hội. Cử tri Nguyễn Dũng (phường Hòa Minh) đau đáu: “Tình trạng sử dụng, lạm dụng hóa chất nhằm kích thích tăng sản đã, đang và sẽ luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tình trạng này ngày càng đáng báo động, khiến người dân luôn lo lắng, bất an khi ngồi vào bàn ăn…”.
Cử tri Dũng muốn biết, nếu trúng cử, ứng cử viên sẽ đề xuất những việc làm, biện pháp cụ thể nào để kiểm soát tình trạng trên, cũng như hỗ trợ bà con nông dân sản xuất thực phẩm sạch. Trong khi đó, cử tri Huỳnh Ngọc Thiện (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đề nghị phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố môi trường biển, gây chết cá hàng loạt ở các tỉnh miền Trung trong thời gian gần đây. Cử tri đề nghị QH khóa mới cần coi trọng vấn đề phát triển bền vững, đừng đặt nặng mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Cử tri Nguyên Hữu Minh (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho rằng quá trình đô thị hóa làm cho người nông dân mất dần đất sản xuất; trong khi đó, chính sách hỗ trợ việc làm, vay vốn tín dụng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng đáng báo động. Cử tri Minh đề nghị, nếu trúng cử, các vị đại biểu cần đề xuất QH đưa ra chính sách phù hợp để phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Ngoài những vấn đề trên, cử tri các quận, huyện cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và cho rằng đây là một yếu kém của ngành giáo dục-đào tạo. Cử tri nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật chưa đạt hiệu quả cao nên có người dân vi phạm mà không biết mình vi phạm pháp luật. Cử tri Nguyễn Thị Nghị (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) bày tỏ tâm tư: “Các vụ án hình sự có tính chất ngày càng nghiêm trọng, phương pháp và thủ đoạn phạm tội cũng tinh vi hơn. Điều này khiến người dân chúng tôi thắc thỏm lo sợ. Chúng tôi mong rằng các đại biểu QH sẽ có những động thái tích cực, quyết liệt, cụ thể nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng trên, đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng sống của người dân”.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, các ứng cử viên đều bày tỏ sự đồng tình với những vấn đề cử tri đang bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, khẳng định nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV, sẽ tích cực hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, đồng thời cùng tập thể QH tháo gỡ những vướng mắc, có giải pháp đột phá giải quyết những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận quan tâm.
S.Trung-N.Bình-T.Hùng