Chính trị - Xã hội

Nước mắt ngày trở về

07:39, 09/05/2016 (GMT+7)

Chiều 5-5, tại Cảng Trung tâm Phối hợp và tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (MRCC2 - đóng tại Đà Nẵng), người nhà của 34 ngư dân đi trên tàu cá QNa 95959 bị đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã vỡ òa vui sướng khi nhìn thấy con tàu cứu nạn chở 34 thân nhân của họ từ cõi chết trở về.

Khi con tàu cứu nạn 412 vừa cập cảng, hàng chục người đã òa khóc đón thân nhân trong buồn vui lẫn lộn.
Khi con tàu cứu nạn 412 vừa cập cảng, hàng chục người đã òa khóc đón thân nhân trong buồn vui lẫn lộn.

Tuy nhiên, chiếc tàu bị nạn do ông Phạm Phú Thành (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng với hơn 30 tấn mực tích cóp sau hai tháng đánh bắt đã vĩnh viễn nằm lại trên biển sau cú đâm ác ý của con tàu lạ vào đêm 3-5 ở vùng biển Hoàng Sa.

Nước mắt ngày gặp mặt

Một cuộc tiếp đón nhanh được diễn ra ngay tại cầu cảng với sự tham gia của chính quyền tỉnh Quảng Nam và hàng trăm người dân làng biển xã Bình Minh. Họ là những người dân trong xóm, những người thân khi hay tin tàu bị nạn liền tức tốc bỏ việc chạy ra Đà Nẵng. Ai cũng chết lặng bởi đây là lần thứ hai những ngư dân trong xóm biển chết hụt ở Hoàng Sa. Lần đầu cũng diễn cách đây tròn 10 năm trong cơn bão Chanchu.

Khi con tàu cứu nạn 412 vừa cập cảng, hàng chục người đã òa khóc đón thân nhân trong niềm vui sướng. Các thuyền viên trở về được lực lượng cứu nạn dìu lên bờ với khuôn mặt phờ phạc, sức khỏe vẫn còn yếu. Ôm chầm lấy chồng, bà Bùi Thị Luận (vợ thuyền trưởng Thành) khóc nức nở.

Bà Luận kể, trước hôm tàu bị đâm, ông Thành còn gọi về cho vợ báo chuyến đi biển hơn hai tháng trúng lớn, nào ngờ… Bà Luận nói rằng, mỗi chuyến đi biển của chồng thường kéo dài vài tháng. Chuyến đi lần này tàu ngoài chồng và hai đứa con, tàu QNa 95959 còn có thêm hai người em của bà Luận. Từ khi hay tin tàu gặp nạn, bà như người mất hồn. “Đời ổng đi làm thuê mười mấy chục năm mới đủ tiền mua con tàu câu mực. Làm ăn chưa đến đâu, còn nợ ngập đầu thì bữa nay lại gặp tai ương”, bà Luận ngồi khóc bên chồng.

Những người đàn ông làng biển vốn mạnh mẽ nay bước chân lên bờ trong sự giúp đỡ của các nhân viên hàng hải. Mắt đỏ hoe vì trắng đêm vật lộn với sóng biển, ông Phạm Phú Thành, thuyền trưởng nói rằng, hơn 30 năm bám biển đời ông chưa bao giờ khiếp hãi như lúc này. Lý do khiến ông khiếp hãi chính là việc tàu lạ cố ý nhấn chìm tàu ông với ý định giết người.

Ông kể: “Sống chết với biển, tôi hiểu nguy cơ trực chờ trong đêm. Trước khi xảy ra sự việc một tiếng, tôi thấy dáng con tàu nên đã bẻ lái 2 hải lý để tránh đi. Lúc này, anh em đã xuống thúng đi câu mực chỉ còn tôi và đứa con. Tàu dừng, tôi xuống hầm tắt máy và khóa nước. Khi vừa lên thì tàu bị đâm không kịp trở tay. Tôi chỉ kịp gọi bộ đàm báo tin cho anh em từ các thúng con rồi sơ cứu cho con trai bị ngất xỉu vì bị va đập. Cố gắng gào thét nhưng không cách chi cứu được, con tàu lạ cũng bỏ đi”. Ông Thành cho biết, trong đêm tối không thấy được số tàu nhưng nhận định đây là tàu vỏ thép màu trắng xám, cao lừng lững trông giống tàu hải cảnh Trung Quốc.

Anh Bùi Tấn Hùng, thuyền viên tàu QNa 95959 cho hay, lúc nghe thuyền trưởng báo tàu bị đâm qua bộ đàm, anh tức tốc chèo thuyền thúng hơn 3 hải lý về tàu mẹ. “Chèo như bay về thì tàu đã mấp mé con nước. Chỉ còn chóp mũi nhô lên đủ cho ba người ngồi chứ không cách chi cứu được. Anh em dắt díu nhau qua thúng ngồi nhìn tàu chìm dần mà ai cũng lặng người”. Mãi tới 10 giờ sáng hôm sau, các thuyền viên mới được tàu của các ngư dân cùng quê cứu vớt.

Sát cánh cùng ngư dân

Có mặt tại buổi đón các ngư dân bị nạn, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) khẳng định bất cứ khi nào ngư dân trên Biển Đông lên tiếng thì anh em cứu nạn hàng hải đều có mặt. “Trong tình hình cá chết ven biển khiến việc tiêu thụ thủy hải sản hết sức khó khăn như hiện nay thì mỗi bà con ngư dân dám ra khơi chính là một người anh hùng. Bà con ra khơi không những làm giàu cho chính mình mà còn là những cột mốc sống về chủ quyền. Vì vậy, tôi khẳng định, chừng nào bà con còn ra khơi bám biển thì dù có sóng to gió lớn, anh em chúng tôi cũng nguyện có mặt sát cánh, cùng bà con mỗi khi cần”.

Trong khi đó, ông Võ Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, sau khi đưa bà con về quê, tỉnh sẽ đến thăm động viên từng bà con ngư dân. “Sự việc quá khủng khiếp không ai ngờ được. Với các ngư dân không chỉ hai tháng công sức mất trắng mà cả gia sản tích cóp cũng trôi theo nước biển. Do vậy, chúng tôi cam kết ngoài sự hỗ trợ về tinh thần còn kêu gọi toàn tỉnh giúp đỡ bà con, có thể là sẽ được vay vốn ngay để đóng tàu quay lại Biển Đông”.

Dù đau lòng bởi hơn 10 tỷ đồng (tính luôn cả 30 tấn mực) trôi theo biển nhưng thuyền trưởng Thành cũng khẳng định không bao giờ từ bỏ ra khơi. “Trắng tay rồi”, ông Thành nói với đôi mắt đỏ hoe. Người thuyền trưởng này cũng bày tỏ: “Có thể sau này mình sẽ đi theo nhóm để không ai dám manh động trên biển nhưng ngay bây giờ tôi muốn chúng ta phải liên tiếng, phản kháng chứ không thể để ngư dân treo mạng sống và bị uy hiếp trên biển như thế này được”.

Liên kết vươn khơi

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng nói rằng, ông không bất ngờ khi hay tin tàu cá QNa 95959 do ông Phạm Phú Thành bị tàu chìm ở vùng biển Hoàng Sa. “Bây giờ, tôi không dám khẳng định tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa là của nước nào, cái đó chắc công luận có thể nhận biết được. Thật sự ở vùng biển Hoàng Sa, thế lực nước ngoài đang muốn đánh bại ý chí và nghị lực của ngư dân Việt Nam. Trước kia, họ đâm ban ngày, còn bây giờ họ đâm ban đêm, một hành động rất man rợ. Họ đang muốn đánh vào tâm lý của ngư dân Việt Nam, họ làm cho ngư dân chúng ta mất động lực bằng nhiều cách phá hoại”, ông Lĩnh nói.

Cũng theo ông Lĩnh, để giảm thiểu rủi ro cho ngư dân, tránh được chuyện “năm ba ngày tàu Việt Nam lại bị đâm trên biển Hoàng Sa” thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho ngư dân thành lập các tổ đội đánh bắt trên vùng biển xa.

“Chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ cụ thể để xây dựng các đội tàu vững mạnh cả tiềm lực và ý chí. Khi ra biển, họ gắng chặt với nhau để khi có sự cố là có thể cứu nhau được. Ngoài ra, việc chúng ta thành lập các tổ đội và đi đánh bắt theo đoàn thì tàu nước ngoài sẽ rất lo ngại khi đâm va. Nếu đội tàu của ta đông thì sẽ họ chùn tay, có muốn đâm va cũng sợ. Còn giờ ngư dân cứ lẻ loi trên biển cả bao la thì rủi ro quá lớn”, ông Lĩnh cho biết.

Theo ông Lĩnh, việc tàu QNa 95959 tàu được tàu cá QNa 94998 do ông Phạm Phú Trung làm thuyền trưởng đang hoạt động gần tàu bị nạn đến cứu là một bài học cho thấy các đội tàu của ngư dân Việt cần phải biết liên kết khi ra khơi. Nếu ngư dân không liên kết khi ra Hoàng Sa đánh bắt thì chắc chắn sắp tới thế nào cũng lại nhận được tin buồn “tàu cá Việt Nam bị tàu lạ đâm chìm ở Hoàng Sa”. Còn đến lúc bị nạn rồi kêu cứu, khi lực lượng cứu hộ có mặt thì đã muộn.

Tàu QNa 95959 do ông Phạm Phú Thành (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, trên tàu có 34 thuyền viên đang hành nghề câu mực tại vùng biển Hoàng Sa (cách Đà Nẵng khoảng 350 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị một tàu nước ngoài đâm chìm, toàn bộ thuyền viên trên tàu bị rơi xuống biển trong đêm.

Sau khi nhận được thông tin, khoảng 6 giờ 30 ngày 4-5, tàu cá QNa 94998 do ông Phạm Phú Trung (cùng trú tại xã Bình Minh) làm thuyền trưởng đang hoạt động gần tàu bị nạn của ông Thành đã dừng đánh bắt thủy sản và tiếp cận cứu tàu bị nạn. Ngay khi nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp và tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 đã cử tàu 412 lên đường ứng cứu.

Ngày 6-5, Hội Nghề cá Quảng Nam đã có văn bản báo cáo và lên tiếng vụ tàu lạ đâm chìm tàu cá QNa 95959TS của ngư dân Phạm Phú Thành khiến 34 ngư dân chơi vơi trên biển; toàn bộ tàu cá, ngư lưới cụ cùng 30 tấn hải sản bị mất trắng.

Hội Nghề cá Quảng Nam đề nghị lên tiếng phản đối hành động vô nhân đạo của tàu lạ đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam; kêu gọi sự hỗ trợ của các cấp, các nhà hảo tâm giúp bà con ngư dân sớm khôi phục nghề nhằm tiếp tục ra khơi đánh bắt theo nghề truyền thống, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; đồng thời, đề nghị các cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam tăng cường các hoạt động tuần tra trên biển, bảo vệ ngư dân an tâm bám biển sản xuất.

Trung ương Hội nghề cá Việt Nam có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối hành vi vô nhân đạo của tàu lạ khi đâm chìm tàu cá QNa 95959TS.

Bài và ảnh: VŨ HỮU TRƯỜNG

.