.

Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 3: "Gieo chữ" ở Trường Sa

.

Ở quần đảo Trường Sa, cùng với cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, có những thầy giáo đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để ngày ngày lặng thầm gieo con chữ cho các em nhỏ. Người thầy giáo nơi đây vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, đồng thời là chiến sĩ góp phần canh giữ biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Thầy Lê Văn Mạnh giảng bài cho học sinh.	               Ảnh: NGỌC ĐOAN
Thầy Lê Văn Mạnh giảng bài cho học sinh. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Lớp học “2 trong 1”

Theo chỉ dẫn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi tìm đến Trường tiểu học Song Tử Tây. Vừa đến trường đã nghe tiếng học sinh ê a đọc bài. Trên bục giảng, hai thầy giáo Lê Xuân Quyết và Lê Văn Mạnh đang hướng dẫn học sinh đánh vần các chữ cái.

Trường tiểu học Song Tử Tây được xây dựng khá khang trang, sạch đẹp. Ngoài những phòng học dành cho học sinh, chỗ ở dành cho giáo viên, phía ngoài sân có nhà banh, cầu trượt… cho học sinh vui chơi. Lớp học của các thầy giáo Lê Xuân Quyết và Lê Văn Mạnh rất đặc biệt, được xem là lớp học “2 trong 1”, bởi chỉ có 10 học sinh đang theo học chương trình mầm non và chương trình tiểu học. Vì là lớp ghép nên công việc “gieo chữ” của các thầy phải thực hiện khéo léo. Sau khi hướng dẫn cho học sinh mầm non vẽ tranh, các thầy tiếp tục dạy Toán, tiếng Việt cho học sinh tiểu học. Thi thoảng, các bé mầm non tập tô tranh ảnh sai thì í ới: “Thầy ơi, bày con tô cái ảnh này với!”. Thế là các thầy đến cầm tay hướng dẫn cho các bé tô tỉ mỉ.  

Cùng với việc giảng dạy theo chương trình phân phối của Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa và theo sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT, các thầy sáng tạo dạy học sinh theo chủ điểm các tháng khác nhau để các em dễ nhớ, dễ học. Thầy Lê Văn Mạnh cho biết, tháng 1 và 2 dạy cho các em theo chủ đề “Tết quê em”, tháng 3: “Tiến lên đoàn viên”, tháng 4 và 5: “Yêu quý cha mẹ”, tháng 9 và 10: “Biển đảo quê hương”...

Ở đảo Trường Sa Lớn, Trường tiểu học thị trấn Trường Sa được xây dựng kiên cố gồm 2 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi và 1 thư viện. Trường cũng được trang bị máy tính, máy chiếu và sách vở phục vụ công tác dạy và học. Trường có hai lớp ghép, mỗi lớp có 8 học sinh. Một lớp ghép của thầy Phạm Trung Việt gồm học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Còn thầy Đồng Minh Hiệp phụ trách lớp ghép học sinh mầm non và lớp 1.

Theo thầy Phạm Việt Trung, dù điều kiện học tập còn khó khăn nhưng học sinh ở đây rất ngoan và ham học. Vì vậy, các thầy cô giáo nỗ lực giúp đỡ để các em tiếp thu kiến thức. Sau này, các em chuyển vào đất liền tiếp tục học bậc THCS sẽ theo kịp bạn bè.    

Mong gắn đời mình với biển đảo

Thầy Lê Văn Mạnh cho rằng, cuộc đời thầy có duyên nợ với Trường Sa. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm ngành Sử Trường ĐH Quy Nhơn, năm 2013, hay tin Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên đi dạy ở quần đảo Trường Sa trong thời hạn 5 năm, không chút đắn đo, thầy Mạnh viết đơn đăng ký tình nguyện.

“Hồi ấy, cả nước dấy lên phong trào góp đá xây Trường Sa. Mỗi người thể hiện tình yêu biển, đảo theo mỗi cách. Nhìn thấy hình ảnh nhiều cụ già góp từng đồng tiền lẻ cho phong trào, tôi rất xúc động. Nghĩ mình còn trẻ, cần làm gì đó để cống hiến cho quê hương, đất nước, nên tôi quyết định đăng ký ra đây dạy học cho các em nhỏ”, thầy Mạnh tâm sự.

Cũng giống như các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây, thầy Mạnh thức dậy khi kẻng báo thức lúc 5 giờ 30. Đến 7 giờ, thầy cắp cặp đến lớp dạy chữ cho học sinh. Kết thúc mỗi ngày lên lớp, thầy Mạnh lại cùng các em vui chơi, đá bóng, hoặc hướng dẫn các em trồng rau xanh trong khu vực trường. Sinh hoạt trên đảo còn không ít khó khăn nhưng thầy trò yêu thương nhau như người trong một nhà. Trong ngần ấy năm công tác, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ, người dân và học sinh trên đảo, thầy Mạnh luôn xem mảnh đất này như chính quê hương mình và không muốn rời xa. Mỗi kỳ nghỉ hè về đất liền thăm gia đình, dù chỉ xa đảo, xa học trò thời gian ngắn nhưng thầy Mạnh cảm thấy nhớ da diết.  

Thầy giáo Lê Xuân Quyết tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Khánh Hòa. Cũng giống như thầy Lê Văn Mạnh, ra trường đúng thời điểm ngành GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa vận động ra Trường Sa gieo chữ, thầy Quyết viết đơn tình nguyện xung phong ra Trường Sa.

Thầy Quyết tâm sự rằng, nếu đi dạy ở đất liền, cuộc sống sẽ nhàn nhã hơn, có thể dạy thêm hoặc làm việc gì khác để có thêm thu nhập. “Thế nhưng, trong tôi có một tình yêu biển đảo quê hương vô bờ, nên nguyện góp sức mình cho Trường Sa thân yêu. Sau khi hết thời hạn công tác, nếu được các cơ quan cho phép, tôi nguyện gắn đời mình trên mảnh đất yêu thương này”, thầy Quyết nói.  

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ giáo viên công tác ở quần đảo Trường Sa, học sinh tiến bộ rõ rệt và học lực không thua kém gì nhiều so với học sinh ở đất liền. Theo ông Đỗ Thế Tuyến, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, sau khi các em hoàn thành chương trình tiểu học sẽ được bố mẹ đưa vào đất liền học tiếp chương trình THCS. Ngoài việc học văn hóa, các thầy còn chú trọng đến việc bồi dưỡng lý tưởng, niềm tự hào dân tộc cũng như tình yêu biển đảo thiêng liêng của đất nước.

CHUNG ANH - NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.