.

25 tác phẩm đoạt giải Báo chí TP. Đà Nẵng năm 2015

.

Báo Đà Nẵng đoạt 2 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba

Tối 17-6, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) và trao giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2015.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng Mai Đức Lộc trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng Mai Đức Lộc trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Đến dự có các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại miền Trung-Tây Nguyên; Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng 2015; Phạm Quý, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Đặng Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng; Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng.

Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng Mai Đức Lộc đã có bài phát biểu ôn lại truyền thống và sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ (xem trong số báo này).

Dịp này, có 25 tác phẩm báo chí đoạt giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2015. Theo đó, ở thể loại Báo viết có 15 tác phẩm đoạt giải: Nhóm A (Bài phản ánh, ghi chép, phỏng vấn, ảnh báo chí) có 9 tác phẩm  phẩm đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích. Loạt bài về Xử lý biệt phủ xây dựng trái phép ở rừng Hải Vân- Thuốc thử kỷ cương, phép nước của nhà báo Trương Công Định và Phạm Ngọc Đoan (Báo Đà Nẵng) đoạt giải nhất; Đi tìm cơ chế quản lý bệnh viện Ung thư Đà Nẵng của nhà báo Nguyễn Chung Anh và Lê Thị Phương Trà (Báo Đà Nẵng) đoạt giải nhì.

Nhóm B (phóng sự, phóng sự điều tra, chuyên luận, bình luận có 6 tác phẩm đoạt giải, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích). Ở thể loại này, tác phẩm 40 năm nhìn lại và suy ngẫm của tác giả Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (đăng trên Báo Đà Nẵng) đoạt giải nhất; tác phẩm Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân của nhà báo Nguyễn Văn Hiếu (Báo Công an TP. Đà Nẵng) đoạt giải nhì.

Ở thể loại truyền hình, có 8 tác phẩm đoạt giải. Nhóm A (phỏng vấn, chương trình chuyên đề, tổng hợp, giao lưu, tọa đàm) có tác phẩm Cải cách để gần dân hơn  của nhóm tác giả Hà Hùng, Hồng Quang Năm, Lê Quang Nuôi (Đài PT-TH Đà Nẵng) đoạt giải nhất. Nhóm B (phóng sự, phóng sự điều tra, chuyên luận, bình luận có 7 tác phẩm đoạt giải, gồm 2 giải nhì, 1 giải 3 và 4 giải khuyến khích. Trong đó, tác phẩm Người Đà Nẵng trong Dinh Độc Lập ngày đại thắng của Quốc Phồn và Thoại Nguyên (Đài PT- TH Đà Nẵng) và tác phẩm Trong sóng gió biển Đông của các tác giả Phạm Thị Hồng Liên và Đặng Lê Thế Phong (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8) đoạt giải nhì.

Thể loại phát thanh có 2 tác phẩm đoạt giải. Nhóm A (phỏng vấn, chương trình chuyên đề, tổng hợp, giao lưu, tọa đàm) có 1 tác phẩm đoạt giải khuyến khích. Nhóm B (phóng sự, phóng sự điều tra, chuyên luận, bình luận) có 1 tác phẩm đoạt giải ba.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức Giải báo chí thành phố năm 2015 Đặng Việt Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích, kết quả to lớn, có ý nghĩa quan trọng mà đội ngũ những người làm báo thành phố Đà Nẵng đạt được và chúc mừng các tác giả được trao giải Báo chí thành phố năm 2015. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định: Trong quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng, nhất là sau 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, đã có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của các phương tiện truyền thông, của các nhà báo. Vì mỗi sự kiện diễn ra, mỗi thành tựu đạt được, hay những khó khăn, trở ngại và cả những khiếm khuyết… đều được các phương tiện truyền thông phản ánh đến với bạn đọc trong nước và quốc tế một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Báo chí thành phố cũng đã tập trung tuyên truyền đậm nét về các ngày kỷ niệm lớn của Ðảng, của đất nước, của thành phố góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Báo chí đã phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước của nhân dân thành phố. Ðồng thời, báo chí đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, chống “diễn biến hòa bình” của  các thế lực thù địch.

Nhân dịp này, Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng cũng đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp báo chí cho 13 hội viên; đồng thời trao 10 suất học bổng (mỗi xuất 3 triệu đồng) cho con em hội viên có thành tích xuất sắc trong học tập.

ĐẶNG NỞ

;
.
.
.
.
.