1. Tại các điểm rút tiền tự động trên địa bàn Đà Nẵng đều có thùng rác để bên cạnh, vậy mà không ít người đến giao dịch vẫn vô tư vứt rác xuống nền. Bất chấp nỗ lực của các ngân hàng luôn gắn thùng rác bên cạnh máy ATM nhưng rác giấy in biên lai lúc nào cũng hiện hữu ở các “cây rút tiền”. Nhiều người còn xé nát hoặc vo tròn bản in sao kê rồi tiện tay vứt ngay bên cạnh máy ATM, dù thùng rác gần đó chỉ chưa đầy một tầm tay với. Có người không biết vô tình hay cố ý bấm mục in sao kê nhưng khi biên lai chạy ra ở khe rút thì họ lại không lấy, để người sau đến rút tiền vứt thay.
Khi trao đổi về vấn đề này, một cán bộ ngân hàng cho rằng, nếu không cần in biên lai để thì khách hàng đừng chọn mục in bản sao kê. Chiếc máy rút tiền được coi là văn minh của thời hiện đại nhưng bị làm mất hình ảnh bởi hành động vô ý thức của nhiều người.
2. Đà Nẵng đang vào mùa nắng. Đôi khi dừng xe ở một ngã tư, giữ xe ở chợ hay siêu thị, nhiều người bất đắc dĩ phải nhận tờ giấy quảng cáo các dịch vụ từ những kẻ phát tờ rơi. Nào là dạy kèm, nào là luyện thi đại học, nào là dạy năng khiếu cho trẻ…, các dịch vụ dường như nóng lên theo cái nóng của những ngày hè. Không ít lần tại các ngã tư, khi vừa nhận tờ rơi quảng cáo, có người vứt ngay xuống đất thay vì phải bỏ vào túi áo hoặc trong giỏ xách đem về nhà vứt sọt rác. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh thì ngã tư đó bỗng nhiên bị làm bẩn bởi vô số tờ giấy quảng cáo của những người kém ý thức vứt xuống mặt đường.
3. Đôi lần tôi cùng người thân, bạn bè đến một số quán ăn trên địa bàn thành phố. Quan sát thấy nhiều quán ăn vừa mới mở hàng khá sạch sẽ, hầu như ở bàn ăn nào cũng có một sọt rác để thực khách bỏ các loại giấy lau miệng hoặc vỏ lon nước ngọt, vỏ bánh kẹo vào. Thế nhưng, nhiều người vẫn tự tiện vứt giấy ra nền nhà. Nhiều quán ăn buổi sáng mở hàng hết sức tinh tươm nhưng đến cuối buổi trở nên nhếch nhác vì vô số giấy lau miệng bị thực khách vứt xuống nền nhà một cách vô ý thức. Có thực khách nói vui miệng “sọt rác có cũng như không” vì thấy giấy vứt ra nền nhà nhiều hơn cả trong sọt rác. Tất nhiên chủ quán luôn coi “Khách hàng là thượng đế”, nên dù muốn dù không cũng không thể đến từng bàn ăn nhắc thực khách rằng “anh hay chị nhớ vứt giấy vào sọt rác”. Thế nên, nhiều quán ăn tế nhị in cả tấm giấy to tướng “Xin vứt rác vào giỏ” dán lên tường, nhưng nhiều người cố tình làm ngơ.
4. Tại các điểm công cộng khác như: bệnh viện, bến xe, trạm chờ xe buýt, khu chung cư, công viên…, thùng rác luôn có mặt ở khắp nơi để mọi người tiện vứt rác khi có nhu cầu. Thế nhưng, không ít người quên sự có mặt của nó. Có người vứt rác ngay trên nắp thùng rác, có người vì sợ mùi hôi thối đứng từ xa ném bao rác mặc kệ nó có trúng vào miệng thùng rác hay không, có người để ngay bịch nước mía trên ghế đá ở công viên dù cách đó không xa cũng có thùng rác… Có vẻ như khi thấy chị lao công hay bác công nhân công ty môi trường còng lưng đẩy xe rác đến nơi tập kết, nhiều người vẫn không thấy áy náy, bứt rứt mỗi khi vứt rác bừa bãi hay xả rác không đúng nơi quy định.
5. Ở các khu dân cư, khu công nghiệp hay trên các đường phố luôn xuất hiện những tấm pa-nô, áp-phích tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong đó, việc vận động người dân sử dụng thùng rác công cộng hợp lý là việc làm cần thiết đối với cuộc sống ngày nay vì một thành phố an toàn, sạch đẹp, văn minh. Thế nhưng, bất chấp những tuyên truyền, quy định xử phạt của các khu dân cư, tổ dân phố..., tình trạng xả rác bừa bãi vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều người cứ nghĩ, việc dọn rác là trách nhiệm của công nhân môi trường nên không thấy xấu hổ khi xả rác ở nơi công cộng. Hành động bỏ rác vào thùng tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng lại không hề giản đơn với những người coi văn hóa xả rác là chuyện không đáng để họ bận tâm.
HOÀNG HÂN