Chính trị - Xã hội
Chính phủ truy đến cùng từng giấy phép 'hành' doanh nghiệp
Trước phiên họp Chính phủ về các dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ (VPCP) liên tục làm việc với các bộ ngành, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia về các dự thảo này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp chuyên đề xây dựng phát luật. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Nhiều vấn đề thực sự hóc búa, nhưng đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ mà chúng ta phải giải quyết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật ngày 23/6.
Nội dung quan trọng và cũng còn nhiều vướng mắc cần giải quyết tại phiên họp là các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh. Theo yêu cầu của Luật Đầu tư, thì các nghị định này phải được ban hành kịp thời điểm 1/7 tới đây khi các thông tư do các bộ ban hành sẽ đương nhiên mất hiệu lực.
Tuy nhiên, điều khiến Thủ tướng băn khoăn nhất là nhiều bộ vẫn “sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới”. Trong khi, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh phải kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp.
Do đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, trước khi tới bàn nghị sự của Chính phủ tại phiên họp này, các dự thảo nghị định đã phải trải qua hàng loạt “bộ lọc” với những trao đi, đổi lại giữa VPCP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia với các bộ ngành chủ trì soạn thảo.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, VCCI được trực tiếp trình bày, phản biện với tất cả các bộ ngành và phần lớn các kiến nghị của doanh nghiệp đã được tiếp thu với tinh thần rất cởi mở. “Chưa bao giờ cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, trực tiếp như vậy”, ông Lộc bày tỏ.
Thà “bỏ sót” để không trói buộc doanh nghiệp
Cuộc làm việc gần nhất giữa VPCP và 17 bộ diễn ra chỉ một ngày trước phiên họp Chính phủ.
Tại đây, VCCI đại diện tiếng nói của doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với tiếng nói phản biện độc lập của chuyên gia, đã thẳng thắn nêu kiến nghị vào từng dự thảo trong số 49 dự thảo nghị định. VCCI đưa ra 225 trang kiến nghị với hơn 300 kiến nghị, trong đó đề nghị loại bỏ hơn 70 điều kiện kinh doanh cụ thể.
Qua các cuộc làm việc, vấn đề vướng mắc nhất nổi lên vẫn là xác định đâu là điều kiện kinh doanh (áp dụng với doanh nghiệp) và đâu là tiêu chuẩn, quy chuẩn (áp dụng với hàng hóa, dịch vụ). Điều này đặc biệt quan trọng, bởi nếu điều kiện kinh doanh đặt ra rào cản với doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp, thì tiêu chuẩn, quy chuẩn chỉ áp dụng với hàng hóa khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.
“Tinh thần là cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu có ranh giới không rõ ràng giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thà “bỏ sót” điều kiện kinh doanh còn hơn là đưa vào nghị định để trói buộc doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng bày tỏ quan điểm. Với tinh thần này, ông đồng tình với hàng loạt kiến nghị của VCCI, CIEM.
Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định “băn khoăn lớn nhất” là phân biệt điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, kỹ thuật. “Rạch ròi được thì tuyệt vời, nhưng nếu chưa rạch ròi được thì tôi cho rằng nên thiên về quy chuẩn, kỹ thuật cho tới khi làm rõ, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, các nước chủ yếu quản lý bằng quy chuẩn, kỹ thuật, doanh nghiệp đi vào hoạt động rất dễ nhưng khi đưa hàng hóa vào thị trường thì quản rất chặt. Điều kiện kinh doanh chỉ nên đặt ra trong những trường hợp rất đặc biệt, mà theo Hiến pháp là có thể ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Nhiều điều kiện cần xem lại
Các cơ quan thẩm định, thẩm tra, phản biện đã chỉ ra nhiều vấn đề cần xem lại trong các dự thảo. Ví dụ là quy định buộc doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền của chính hãng trong Thông tư 20/2011/TT-BCT, nay được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo nghị định. Lãnh đạo VPCP, Bộ Tư pháp, VCCI và CIEM đều không đồng tình với quy định từng được chính các doanh nghiệp đánh giá là mang tính “triệt tiêu” doanh nghiệp này.
Về một dạng điều kiện kinh doanh rất phổ biến là quy định về quy mô kinh doanh tối thiểu, với lý do thường được các bộ đưa ra là bảo đảm an toàn, an ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng cần xem lại vì không hẳn cứ quy mô lớn là an toàn hơn, trong khi yêu cầu hiện nay là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh, tạo động lực cho khởi nghiệp.
Bộ trưởng lấy ví dụ, một tỉnh miền núi không thể tiêu thu nhiều gas như Hà Nội, nên yêu cầu doanh nghiệp phải có hàng trăm nghìn vỏ bình gas là lãng phí và “bóp chết” những doanh nghiệp nhỏ. Quan điểm này được Bộ KH&ĐT ủng hộ.
Các cơ quan thẩm định, thẩm tra, phản biện chỉ ra, có những thủ tục mất quá nhiều thời gian của doanh nghiệp, như thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp theo dự thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. Theo đó, mất 45 ngày mới xong thủ tục, riêng việc xem có đủ hồ sơ không đã mất 5 ngày.
Cùng với đó là những quy định chung chung như “phải có thiết bị phù hợp”, “cao, thoáng gió” hay “tốt” trong nhiều dự thảo. Những quy định này được cho là không có căn cứ để doanh nghiệp tuân thủ mà phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người kiểm tra và như vậy sẽ rất khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp khi bị thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, tại phiên họp Chính phủ, VPCP đã chính thức đề nghị Chính phủ không ban hành Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, quản lý, vận hành nhà chung cư và điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Lý do là không cần thiết quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề này, chỉ quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ này bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật do bộ ban hành.
Tiếp tục lắng nghe, sửa đổi sau thời điểm 1/7
Kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các bộ đã phối hợp chặt chẽ với VPCP, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, khi gặp vấn đề khó thì cùng trao đổi, tranh luận trực tiếp và tập trung đôn đốc, “nếu cứ giấy tờ qua lại mãi thì không ra vấn đề được”.
Tinh thần được Thủ tướng nhấn mạnh kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách. Từ nay đến trước 1/7, cần tiếp tục cầu thị đến cùng, công khai dự thảo, lắng nghe, kịp thời tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động liên quan. Với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt là về vấn đề điều kiện kinh doanh hay quy chuẩn, tiêu chuẩn, các bộ ngành, VCCI và các chuyên gia tiếp tục thảo luận, trao đổi, trình Thủ tướng, Chính phủ quyết định.
Hơn nữa, kể cả sau thời điểm 1/7, khi các nghị định đã được ban hành, các bộ, ngành cần tiếp tục thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá, tiếp thu ý kiến của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, cắt giảm kịp thời các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý “hành” doanh nghiệp.
Đặc biệt, trước những ý kiến cho rằng nhiều ngành nghề không cần phải đặt ra điều kiện kinh doanh mặc dù Luật Đầu tư đã quy định, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát lại 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật, trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi với tinh thần phục vụ sự phát triển.
Theo Chinhphu.vn