Chưa bao giờ bức tranh tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề tại Đà Nẵng lại “xám xịt” như hiện nay. Các trường “khai tử” nhiều ngành đào tạo, “gồng mình” nuôi bộ máy cán bộ và chứng kiến số lượng học sinh - sinh viên giảm chóng mặt, cụ thể nhất là năm 2015, gần chục cơ sở không tuyển được học sinh - sinh viên nào.
Kỹ thuật chế biến món ăn là một trong những ngành thu hút khá đông người học do dễ kiếm việc làm. Trong ảnh: Sinh viên học nghề tại Trường CĐ Nghề Việt-Úc. |
Cả trường công và trường tư đào tạo nghề hiện nay đều rơi vào tình trạng ít người học. Có trường bi đát đến mức một năm không tuyển được một học sinh-sinh viên (HS-SV) nào. Nhiều cơ sở dạy nghề chỉ còn cách vay ngân hàng hàng tỷ đồng để cầm cự.
Tuyển sinh khó khăn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Nguyễn Văn Trỗi thở dài: “Đây là vấn đề đau đầu”. Không đau đầu sao được khi số HS-SV theo học tại trường liên tục giảm đến chóng mặt. Đợt cao điểm năm học 2010-2011, nhà trường có đến 3.500 HS-SV.
Năm học 2013-2014, HS-SV giảm hơn một nửa với 1.500 em và nay chỉ còn 400 HS-SV đang theo học. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường là 1.000 HS-SV. Cơ sở vật chất khang trang với tường vôi còn mới tinh, hệ thống phòng ốc hiện đại, đầy đủ trang thiết bị dạy học của nhà trường trở nên lãng phí, bởi số lượng HS-SV quá ít và ngành có, ngành không.
Với Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, bức tranh tuyển sinh có khá hơn khi “năm nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu”, có điều không đồng đều giữa các ngành. Năm 2012, nhà trường có 2.438 HS-SV; đến 2015 còn 1.325 HS-SV. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã “mất” gần nửa HS-SV, mặc dù “từ năm 2012 trở lại đây, trường cũng xét tuyển nhưng không loại nhiều, trừ em nào quá yếu”, như lời chia sẻ của bà Thái Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường.
So với các trường nghề trên địa bàn, Trường CĐ Nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) với thế mạnh chuyên đào tạo các nghề kỹ thuật có vẻ nhỉnh hơn khi số lượng HS-SV theo học hằng năm đều dao động ổn định từ 1.200-1.500 HS-SV.
Tuy vậy, con số này vẫn chưa đáp ứng mức chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường đặt ra là 1.800 HS-SV/năm. Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, không chỉ tuyển HS-SV tốt nghiệp THPT, nhà trường còn đi “vét” (chữ dùng của Đại tá Hoàng - PV) HS-SV tốt nghiệp THCS; đã thế, thầy, cô giáo phải vừa dạy, vừa “dụ dỗ”, nếu không, số HS-SV sẽ giảm hơn 15% vào cuối khóa…
Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho thấy, năm 2015, công tác tuyển sinh nghề khó khăn đến mức một số trường không tuyển được như: Trường CĐ Nghề Hoa Sen, Trường Trung cấp Nghề Cao Thắng Đà Nẵng, Trường Trung cấp Nghề Việt Á, Trường Trung học Bưu chính viễn thông và CNTT II, Trường CĐ Lạc Việt, Trường CĐ Dân lập Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du… Một số trường chỉ tuyển sinh được trình độ sơ cấp nghề như: Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Đà Nẵng, Trường Trung cấp Nghề Giao thông công chính Đà Nẵng…
“Khóa sổ” nhiều ngành học
Đà Nẵng hiện có 56 cơ sở dạy nghề, trong đó có 6 trường CĐ, 4 trường trung cấp, 14 trung tâm và 32 cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề. Cùng với đó, ở mỗi quận, huyện còn có hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên do ngành giáo dục quản lý. Để thu hút người học, các trường nghề đều tung ra nhiều “chiêu” khác nhau.
Nếu các năm trước, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng miễn giảm học phí cho đối tượng ưu tiên, thì năm nay nhà trường còn tính đến việc hỗ trợ sinh hoạt phí. Cũng trong năm nay, không chỉ Phòng Đào tạo và Trung tâm tư vấn tuyển sinh của nhà trường làm công tác tuyển sinh, mà cả bộ máy cán bộ đều ráo riết vào cuộc, bởi “có HS-SV là có tất cả!”.
Nhà trường còn chủ động khảo sát nhu cầu thị trường lao động tại Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để “không chỉ tư vấn cái mình có mà còn tư vấn cái người học cần”. Tuy vậy, tình hình không mấy cải thiện khi nhiều ngành phải đóng cửa vì không có HS-SV hoặc không đồng đều giữa các ngành. Năm nay, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã đóng cửa 4 ngành: Văn thư hành chính, Quản trị cơ sở dữ liệu, Điện tử công nghiệp, Điện tử dân dụng (hệ trung cấp). Trong khi đó, Trường CĐ Nguyễn Văn Trỗi “khai tử” hàng loạt ngành: Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Hướng dẫn viên du lịch và tiếp đến sẽ “loại” ngành Kế toán vào năm sau.
Nhiều ý kiến cho rằng, xảy ra tình trạng như vậy một phần là do việc mở trường, mở ngành ồ ạt. Chẳng hạn, chỉ riêng ngành Du lịch đã có hàng loạt nơi đào tạo như: Trường CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng, CĐ Nghề Việt-Úc, CĐ Nghề Đà Nẵng, CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi cùng nhiều cơ sở khác.
Bài và ảnh: MỘC MIÊN