.

Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

.

LTS: Sau gần 20 năm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997), bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng đã có những bước phát triển mang ý nghĩa lịch sử, góp phần thay da, đổi thịt vùng đất “trung dũng, kiên cường”. Trong quá trình phát triển, quan hệ Đà Nẵng-Quảng Nam luôn gắn bó mật thiết, sinh động nhất là hai địa phương chung tay triển khai có hiệu quả Kết luận số 08-KL/TUĐN-TUQN cùng liên kết, hợp tác để phát triển bền vững hơn. Từ hôm nay, Báo Đà Nẵng khởi đăng loạt bài về mối quan hệ hợp tác Đà Nẵng - Quảng Nam sau 20 năm chia tách.

Từ năm 2008 đến nay, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã tuyển 127 học sinh tỉnh Quảng Nam. Đây là một điểm sáng về hợp tác giáo dục giữa Đà Nẵng - Quảng Nam trong 20 năm qua. Ảnh: NGỌC HỢI
Từ năm 2008 đến nay, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã tuyển 127 học sinh tỉnh Quảng Nam. Đây là một điểm sáng về hợp tác giáo dục giữa Đà Nẵng - Quảng Nam trong 20 năm qua. Ảnh: NGỌC HỢI

Bài 1: Dấu ấn con đường nghĩa tình

Tuyến đường Đà Nẵng từ Túy Loan đi thị trấn P’rao - thủ phủ huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) trước đây gọi là đường ĐT604, nay được nâng cấp thành quốc lộ 14G. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối giao thương các huyện Đông Giang, Tây Giang với thành phố Đà Nẵng. Lịch sử hình thành con đường này lưu dấu nhiều kỷ niệm mà theo ông Nguyễn Bằng, Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang, đó là con đường thể hiện nghĩa tình sâu nặng, hợp tác gắn kết chặt chẽ giữa Đà Nẵng-Quảng Nam. Nếu không có con đường đó, Đông Giang sẽ khó phát triển như bây giờ.

Hợp sức mở đường  

Ông Nguyễn Bằng chia sẻ, huyện Đông Giang (tách ra từ huyện Hiên năm 2003) là một trong 7 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Trước đây, do thiếu đường vận chuyển tiêu thụ hàng hóa nên người dân thường bị tư thương ép giá nông sản. Chính vì vậy, huyện luôn xem việc xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội. Với tư duy đó, năm 1999 (khi đó ông Nguyễn Bằng làm Chủ tịch UBND huyện Hiên), lãnh đạo huyện Hiên quyết định phải phá thế cô lập của huyện với đồng bằng mới phát triển được. Trước hết là phải làm con đường nối thị trấn P’rao xuống xã Ba, tiếp giáp với xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Huyện đề xuất tỉnh Quảng Nam phương án làm đường chia thành nhiều đoạn, giao cho từng doanh nghiệp đầu tư; huyện sẽ trả chậm bằng ngân sách.

Khi nghe chuyện huyện Hiên quyết tâm làm đường, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh - lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Hiên, khẳng định Đà Nẵng sẽ nâng cấp tuyến đường ĐT604 đoạn từ Túy Loan đến Dốc Kiền - vốn đã xuống cấp, để cùng khớp nối với tuyến đường từ xã Ba đến thị trấn P’rao.

Lãnh đạo hai địa phương thống nhất quyết tâm làm xong tuyến đường trong thời gian một năm. Bằng cách làm quyết liệt, không ngại khó, ngại khổ, năm 2000, tuyến đường Túy Loan-Dốc Kiền nối với tuyến xã Ba - thị trấn P’rao hoàn thành trong niềm phấn khởi của cán bộ, nhân dân hai địa phương. Từ đây, giao thương được thông suốt. Đoạn đường 82km từ thị trấn P’rao về đến trung tâm Đà Nẵng đã rút ngắn thời gian từ 1 buổi xuống còn 2 giờ đi ô-tô. “Muốn phát triển thì phải mở đường đi trước. Nếu không có đường sá thuận lợi, mọi thứ sẽ không thể phát triển, càng không thể kết nối với bên ngoài”, ông Bằng tâm đắc.

Ở tuổi 90 nhưng già làng Y Kông (thôn Tống Cói, xã Ba) còn khỏe mạnh và nhớ như in cái thời ông còn là lãnh đạo của huyện Hiên cách đây gần 30 năm. Tiếp chúng tôi, ông kể: Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là Bí thư Huyện ủy Hiên, mỗi lần xuống thành phố Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) họp, đi bộ mất hơn 2 ngày. Đường đi toàn sỏi đá, nắng bụi, mưa bùn. Mãi sau này khi có Nông trường Quyết Thắng, thi thoảng xe hàng của nông trường về xuôi, cán bộ và nhân dân mới xin đi nhờ mỗi khi có việc cần. Từ khi có con đường ĐT604, chuyện đi bộ hay mất cả buổi đi xe đò về Đà Nẵng đã lùi xa vào dĩ vãng. Đúng là có đường, nhân dân Đông Giang nói chung, xã Ba nói riêng mới có cuộc sống đổi đời như hôm nay.  

Xã Ba là xã đầu tiên của huyện Đông Giang đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nguyễn Văn Cân chia sẻ: Tiếp giáp với xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nên xã Ba có nhiều thuận lợi. Những năm gần đây, trên địa bàn xã Hòa Phú phát triển nhiều khu du lịch giáp giới địa bàn xã Ba. Xã coi đây là một cơ hội cùng phát triển du lịch với xã Hòa Phú và để quảng bá các sản phẩm của xã phục vụ du lịch như: rượu cacun, ớt ariêu, chè dây, dệt thổ cẩm, đặc biệt là phát triển mạnh du lịch cộng đồng để du khách trải nghiệm cuộc sống và không gian văn hóa của người Cơtu…

Già làng Y Kông tự hào đánh giá con đường Đà Nẵng-P’rao góp phần giúp huyện Đông Giang phát triển nhanh hơn.
Già làng Y Kông tự hào đánh giá con đường Đà Nẵng-P’rao góp phần giúp huyện Đông Giang phát triển nhanh hơn.

Triển vọng từ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2

Hiện nay, huyện Đông Giang có hơn 16.000 héc-ta nguyên liệu keo lá tràm. Hầu hết sản lượng keo đều được vận chuyển đến cảng Tiên Sa để xuất khẩu. Ngoài ra, hơn 600 héc-ta trồng chuối của huyện Đông Giang cũng cung ứng phần lớn cho thị trường Đà Nẵng, nhiều nhất là tại chợ Đầu mối Hòa Cường. Một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của huyện Đông Giang là chè trồng tại Nông trường Quyết Thắng cũng được vận chuyển về Đà Nẵng để tỏa đi tiêu thụ các nơi. Nhiều địa phương khác như Tây Giang, Phước Sơn cũng đưa hàng hóa xuống Đà Nẵng tiêu thụ.

Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chia sẻ, ông từng nhiều lần đề xuất nhanh chóng khơi thông tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 nối từ cảng Đà Nẵng qua cửa khẩu Đắk-ốc (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) sang cao nguyên Boloven (Lào) đến Bangkok (Thái Lan). Tuyến đường này có vị trí thuận lợi và rất quan trọng để làm đòn bẩy trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực nói chung, trong đó có các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Tuy vậy, đến nay, tuyến này vẫn chưa thông suốt nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Văn Sơn, từ năm 2012, tuyến đường ĐT604 nối Túy Loan-P’rao (tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh) được Bộ Giao thông vận tải nâng cấp thành quốc lộ 14G. Tuy nhiên, công tác đầu tư nâng cấp đến nay chậm triển khai, hiện một số điểm trên tuyến đường đã xuống cấp.

Theo kiến nghị của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn cho dự án nâng cấp tuyến đường này. Khi tuyến quốc lộ 14G hoàn thành, không chỉ rút ngắn thời gian Đà Nẵng đi P’rao xuống còn 1 giờ, mà còn mở ra triển vọng cùng liên kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Đà Nẵng; đồng thời khai thác được lợi thế, giá trị của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 cho sự phát triển chung của cả Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

"Tôi mong quốc lộ 14G sớm được nâng cấp. Như thế, người dân, du khách khắp nơi sẽ đến với Đông Giang ngày càng nhiều hơn. Đồng bào Cơtu ở miền núi Quảng Nam vẫn còn lưu giữ gần như nguyên bản các nét đẹp văn hóa truyền thống như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, dựng nhà Gươl, lập làng... Đây là những đặc sản để thu hút du khách trong và ngoài nước tìm hiểu văn hóa bản địa độc đáo của Quảng Nam"

Già làng Y Kông

Bài và ảnh: Việt Dũng - Sơn Trung

;
.
.
.
.
.