.

Dạy trẻ khuyết tật sống độc lập

.

Đánh răng, rửa mặt, trò chuyện, quét nhà… là những việc quá đơn giản với đứa trẻ 15, 16 tuổi. Thế nhưng, với những em bé bị bệnh down, tự kỷ, làm được những việc đó tưởng mãi chỉ là ước mơ.

Các em của lớp học “Hoa xương rồng” chuẩn bị bữa cơm trưa.
Các em của lớp học “Hoa xương rồng” chuẩn bị bữa cơm trưa.

Một buổi sáng, tại lớp học “Hoa xương rồng” do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng, các cô bé, cậu bé cùng nhau vẽ tranh, kết cườm, làm nên những chiếc vòng đeo tay xinh xắn. Thoạt nhìn, ít ai nghĩ đó là những đứa trẻ bị khuyết tật, tự kỷ…

Phải đến lần thứ ba mới xâu xong hạt cườm, nhưng Thúy (17 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) rất hào hứng với sản phẩm của mình. Tham gia lớp học “Hoa xương rồng” được hơn nửa năm nay, từ một cô bé chỉ hành động theo ý thích của bản thân và quậy phá trong lớp, giờ đây sức khỏe của Thúy đã dần ổn định. Thúy thích kết cườm và tự mình làm ra những chiếc vòng đá xinh đẹp. Bị tâm thần phân liệt nên mới học đến lớp 9, Thúy phải nghỉ học. Nhìn con lúc tỉnh, lúc mê, cha mẹ Thúy đau thắt ruột.

Ngồi cạnh Thúy là Bảo 18 tuổi (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), cậu bạn bị bệnh down từ nhỏ. Khi mới vào lớp học, Bảo rất rụt rè, hay sợ hãi và không giao tiếp với ai, thi thoảng cười một mình. Ngày Bảo biết cầm chổi quét nhà, mẹ Bảo quay đi giấu những giọt nước mắt hạnh phúc. Dù đôi tay con lóng ngóng, vụng về, phải mất cả giờ đồng hồ mới quét nhà xong nhưng với người mẹ, đó là niềm vui vô bờ. Các cô giáo cho biết, Bảo rất thích dán tranh, cứ đến giờ dán tranh là em say mê, chăm chú…

Mỗi ngày thứ bảy hằng tuần, 8 em bé có khó khăn về mặt trí tuệ lại đến lớp học “Hoa xương rồng”. Ở đây, các em được làm những điều mình yêu thích với sự hỗ trợ của các cán bộ Trung tâm và đặc biệt là họa sĩ Dư Dư như: làm hoa voan, hoa hồng bằng giấy, xé giấy dán tranh, làm thiệp mang về tặng bà, tặng mẹ.

Đến buổi trưa, các em được cùng cô giáo đi chợ, nhặt rau, gọt củ quả và tự tay chế biến những món ăn ưa thích. Nồi cơm có lúc bị nhão do nước quá nhiều hay nồi canh có lúc quá mặn không ăn nổi, thế nhưng cả cô và trò đều hào hứng. Buổi chiều là lúc các em làm quen với âm nhạc cùng những điệu nhảy vui nhộn. “Tụi con rất thích nhảy múa, thích nấu ăn. Ở nhà mẹ thường bảo con không làm được việc gì nên con chỉ ngồi chơi và xem ti-vi thôi ạ”, Thúy thổ lộ. Theo các cô giáo, âm nhạc là phần không thể thiếu được lồng ghép trong các hoạt động rèn luyện kỹ năng, giúp tư duy phát triển.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng cho biết, khi mới triển khai mô hình lớp học “Hoa xương rồng” dành cho các em khuyết tật, nhiều người vẫn không tin các em có thể làm được những việc đơn giản như: quét nhà, nấu cơm… hoặc những việc mang tính mỹ thuật như: dán tranh, học nhạc. Bây giờ, Bảo đã giúp được mẹ những việc nhỏ trong nhà, Thúy đang tham gia lớp học ôn để chuẩn bị đi học lại cùng các bạn… “Chỉ mới hơn nửa năm nhưng những gì mà các em làm được vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Dự kiến chúng tôi sẽ nhận thêm nhiều em nữa để hỗ trợ, giúp các em phát huy khả năng. Bởi các em dù khiếm khuyết về mặt trí tuệ nhưng hoàn toàn có thể sống độc lập, nếu được tạo điều kiện phát triển và hòa nhập cộng đồng”, bà Hoa nói.

Điểm khác biệt của mô hình này là không những hỗ trợ cho các em có khó khăn về mặt trí tuệ mà còn giúp phụ huynh hiểu hơn về con em mình. Phụ huynh được tham gia lớp học, trau dồi các kỹ năng để hỗ trợ, giúp đỡ con ngay tại nhà.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.