Chính trị - Xã hội

Giảm 30% vị thành niên mang thai ngoài ý muốn

08:28, 28/06/2016 (GMT+7)

Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết, mỗi năm, cả nước có tới 300.000 ca nạo phá thai độ tuổi vị thành niên (VTN), cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Do đó, giảm 30% số VTN, thanh niên (TN) mang thai ngoài ý muốn vào năm 2020 là mục tiêu mới mà ngành y tế hướng đến.

Học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Liên Chiểu tham gia buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản.    Ảnh: MAI KHUÊ
Học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Liên Chiểu tham gia buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: MAI KHUÊ

Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số giai đoạn 2016- 2020 có 3 mục tiêu cấp thiết: Giảm mức tăng nhanh tỷ số giới tính (không quá 115 bé trai/100 bé gái đến năm 2020); gia tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại (đạt 71,9% vào năm 2020); gia tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số (năm 2020 phấn đấu đạt 50% bà mẹ mang thai được sàng lọc, 80% trẻ em mới sinh được sàng lọc). Bên cạnh đó, còn thêm mục tiêu mới là: Giảm 30% số VTN, TN mang thai ngoài ý muốn vào năm 2020.

Mang thai ở tuổi VTN là thách thức lớn đối với công tác dân số. Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi học đường. Các vụ nạo, phá thai trẻ VTN, TN gia tăng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tương lai của các em, cũng như có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác mà gia đình và xã hội phải gánh chịu. Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở VTN ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của các em về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng là do VTN, TN thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản (SKSS). Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, các em có nhiều điều kiện tiếp cận với các luồng thông tin khác nhau, trong đó có nhiều thông tin lệch lạc. Trong khi đó, các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội thường e ngại, né tránh đề cập chủ đề SKSS. Muốn biết về SKSS, theo sự phát triển của tâm sinh lý lứa tuổi này, các em chỉ còn cách tự mày mò tìm hiểu. Đáng lo là sự tìm hiểu ấy nhiều khi không đúng hướng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nạo phá thai không an toàn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn, vô sinh trong tương lai và gây tử vong. Nhiều em phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần sau khi nạo phá thai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống, tương lai của chính các em, mà còn tác động lớn đến chất lượng dân số và giống nòi.

Việc mang thai sớm ở tuổi VTN làm mất tiềm năng, cơ hội học hành, hạn chế sự lựa chọn nghề nghiệp của những “ông bố”, “bà mẹ” trẻ. Làm mẹ khi tâm lý chưa hoàn thiện dễ khiến các em bị khủng hoảng tinh thần, tổn thương tình cảm, mặc cảm với bạn bè và người xung quanh. Nếu kết hôn sớm, các em cũng phải chịu áp lực sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi chưa đủ trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần. Để định hướng tốt nhất cho VTN về SKSS, việc lắng nghe ý kiến, nhu cầu của chính các bạn trẻ là điều rất quan trọng.

Tình dục không phải là vấn đề cấm đoán mà cần cung cấp kiến thức để các em hiểu biết đầy đủ, phù hợp theo từng giai đoạn và lứa tuổi. Đặc biệt, giáo dục giới tính ở nhà trường phải được triển khai toàn diện. Ngăn cấm hiểu biết về giới tính, tình dục không phải là cách giúp các em có một cuộc
sống an toàn và lành mạnh. Điều quan trọng là định hướng cho VTN, TN có quan điểm, thái độ và hành vi tích cực về tình dục để có trách nhiệm về quyết định của mình, nhằm giảm tình trạng mang thai sớm.

MAI KHUÊ

.