Chính trị - Xã hội
Tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng chống thiên tai
Chiều 2-6, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2016.
Về BV&PTR, 5 năm qua, thành phố đã quy hoạch xong 3 loại rừng, bao gồm: rừng đặc dụng: 31.116,7ha, rừng phòng hộ: 8693,8ha, rừng sản xuất: 17.385ha. Ngoài ra còn có 2.729,9ha rừng tự nhiên và rừng trồng được quy hoạch vào mục đích sử dụng khác. Đến nay, có 8.844ha đã giao cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước quản lý sử dụng. Độ che phủ rừng đến cuối năm 2015 là 42,4%. Giai đoạn 2011-2015, thành phố đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng 9,528 tỷ đồng (bình quân 1,9 tỷ đồng/năm). Từ 2011-2015, trên lâm phận thành phố xảy ra 63 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 446ha rừng các loại.
Với mục tiêu bảo vệ rừng an toàn, nâng độ che phủ rừng lên 47% vào năm 2020, ngành nông nghiệp thành phố chủ trương nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, đẩy mạnh chương trình trồng rừng tập trung, phục hồi rừng nghèo, phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng tự nhiên đạt gần 41.000ha và rừng trồng 16.000ha.
Đối với lĩnh vực PCTT&TKCN, năm 2015, công tác phòng chống kịp thời, hiệu quả, thiệt hại vật chất khoảng 9,5 tỷ đồng. Trong năm có 12 trường hợp tàu cá bị sự cố trên biển đã được cứu hộ, cứu nạn kịp thời không thiệt hại về người và tài sản.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đánh giá cao và ghi nhận kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phòng chống thiên tai của thành phố. Thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết yêu cầu đặc biệt chú trọng việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đủ về quân số, mạnh về ý chí tinh thần, tích cực tuần tra truy quét chống chặt phá rừng, ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ an toàn lâm phận được giao, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ khu vực đầu nguồn, không để xảy ra cháy rừng quy mô lớn. Đẩy mạnh hơn nữa chương trình trồng rừng tập trung, đưa các giống cây mới vào trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng rừng sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân miền núi.
Với công tác PCTT&TKCN, các cấp, các ngành phải đặc biệt chú trọng và quán triệt sâu sắc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, tích cực chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, kịp thời ứng phó khi tình huống xảy ra. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải chuẩn bị phương án đầy đủ chi tiết, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tập huấn, nâng cao kỹ năng tự phòng chống thiên tai trong nhân dân…
N.C