.

Triển khai quản lý thực phẩm theo chuẩn

.

Ngày 2-6, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố tổ chức họp, đánh giá kết quả công tác thực hiện, đặc biệt trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2016. Kết quả chuyển biến tích cực nhưng chưa như kỳ vọng, sớm triển khai việc quản lý thực phẩm theo chuỗi, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật… là những nội dung đáng chú ý tại buổi họp này.

Cần  có những cơ chế riêng để việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả, không lãng phí.  Trong ảnh: Nhân viên Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố lấy mẫu nước tiểu heo trước khi giết mổ để kiểm tra chất tạo nạc tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn. 		                 Ảnh: PHAN CHUNG
Cần có những cơ chế riêng để việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả, không lãng phí. Trong ảnh: Nhân viên Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố lấy mẫu nước tiểu heo trước khi giết mổ để kiểm tra chất tạo nạc tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn. Ảnh: PHAN CHUNG

Một tháng, xử lý hơn 160 cơ sở

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương, thực hiện kế hoạch của thành phố, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường thành lập các đoàn kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, các chợ, siêu thị; bên cạnh đó là kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về nhãn mác hàng hóa, thực phẩm giả, kém chất lượng.

“Trong tháng hành động vì ATVSTP, trên địa bàn chưa xảy ra ca ngộ độc nào, các cơ sở vi phạm chủ yếu thiếu giấy chứng nhận về ATVSTP, không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Trong một tháng từ ngày 15-4 đến 15-5, chúng tôi đã kiểm tra, xử lý 161 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 318 triệu đồng”, ông Phúc cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP được đơn vị thực hiện với nhiều nội dung như: kiểm tra điều kiện ATVSTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản; lấy mẫu kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, thực phẩm; các cơ sở sản xuất rau và kinh doanh vật tư nông nghiệp.

“Tại các vùng sản xuất rau, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đều nằm trong danh mục cho phép. Các mẫu rau tại chợ đầu mối khi tiến hành kiểm tra nhanh đều không phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đối với chất cấm trong chăn nuôi, thực phẩm, chúng tôi đã lấy các mẫu nước tiểu ngẫu nhiên tại các lò mổ và kết quả đều không phát hiện các chất cấm như Clenbuterol hay Salbutamol”, ông Tám nói.

Trước đó, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố cũng đã giao Sở Y tế chủ trì thực hiện và xây dựng các kế hoạch về thanh, kiểm tra thực phẩm; công tác truyền thông về ATVSTP cũng như làm việc với các doanh nghiệp để thống nhất xây dựng cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, cung cấp chuỗi thực phẩm sạch cho địa bàn thành phố.

Thiếu sự phối hợp

Chủ trì buổi họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã phê bình Chi cục ATVSTP thành phố khi các nhiệm vụ, kế hoạch thành phố giao từ trước nhưng đơn vị lại không thực hiện theo chỉ đạo, đặc biệt là công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cơ sở.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố, một trong những khó khăn hiện nay là kinh phí. Đơn vị này đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền từ đầu năm 2016 với kinh phí 700 triệu đồng nhưng hiện nay vẫn chưa được bố trí đồng nào. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định, kinh phí có thể chậm nhưng kế hoạch không được trì hoãn. Việc tuyên truyền là hết sức cần thiết, cần phải sớm triển khai vì thời gian không còn nhiều.

Liên quan đến công tác phối hợp, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng, các đơn vị, sở, ngành không có sự phối hợp với nhau trong việc triển khai kế hoạch của thành phố.

“Ngay như việc Sở Y tế xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật về ATVSTP trong đó có sự tham gia, góp ý của các sở, ngành liên quan. Nhưng đến hạn cuối cùng, chúng tôi chỉ nhận được góp ý của một đơn vị là Sở Công thương, kết quả là đến nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý, thực hiện công tác ATVSTP tốt hơn”, bác sĩ Hồng cho biết.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng đề nghị các sở, ngành liên quan cần sớm xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm ATVSTP; cần đưa ra các mốc thời gian cụ thể để có mục tiêu phấn đấu, hoàn thành.

“Các địa phương cũng cần triển khai quyết liệt hơn nữa. Quận Sơn Trà cần triển khai quyết liệt hơn việc chấm điểm các nhà hàng đạt chuẩn theo các tiêu chí trước đó, kể cả nhà hàng lớn lẫn nhà hàng nhỏ vì mùa du lịch đang đến rất gần. Riêng huyện Hòa Vang trong tháng 6 này phải phối hợp với Sở NN&PTNT đưa các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư vào một điểm tập trung”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nói.  

Sẽ mạnh dạn xin cơ chế riêng

Trước những bất cập trong việc quản lý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho biết, Đà Nẵng sẽ mạnh dạn kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xin phép có cơ chế thí điểm riêng về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); không để tình trạng phân khúc, chồng chéo như hiện nay. Bởi lẽ, thực trạng hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, họp hành nhiều, gây lãng phí thời gian. Luật Quản lý ATVSTP ra một đường nhưng thông tư hướng dẫn một nẻo, chưa quản lý theo một chuỗi. Tình trạng một sản phẩm nhưng có tới 3 ngành quản lý đã dẫn đến việc họp hành thì đông nhưng hiệu quả không cao. Ngay cả trong một sở cũng phân khúc việc quản lý sản phẩm dẫn đến cồng kềnh bộ máy, tốn kém cơ sở vật chất, nhân lực.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cũng đề nghị các sở, ban, ngành mạnh dạn kiến nghị lên các bộ để điều chỉnh cơ chế quản lý phân khúc như hiện nay, hướng tới một sản phẩm chỉ có một đơn vị quản lý từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.