.
TỪ 1-7 ĐẾN 30-7-2016

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản

.

Bắt đầu từ ngày 1-7 đến 30-7-2016, cả nước diễn ra cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản. Đây là cuộc tổng điều tra lớn, thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Trung (ảnh), quyền Cục trưởng Cục Thống kê thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản thành phố về cuộc điều tra này.

* Xin ông cho biết mục đích, nội dung chính của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016?

- Ngày 31-7-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1225/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Mục đích của tổng điều tra nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phục vụ việc đánh giá, xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung, từng địa phương nói riêng.

Đối tượng tổng điều tra là các xã; các trang trại; toàn bộ hộ dân cư ở khu vực nông thôn; các hộ có tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở khu vực thành thị; ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn; văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Ba nội dung chính được điều tra lần này, gồm: thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thông tin về thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn; các thông tin về tình hình cư dân nông thôn…

* Đối với thành phố Đà Nẵng, công tác chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra đến thời điểm hiện nay diễn ra như thế nào, thưa ông?

 - Để triển khai công tác tổng điều tra, ngày 18-2-2016, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND về việc thành lập BCĐ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 thành phố Đà Nẵng, do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban. Sau khi thành lập, BCĐ thành phố có văn bản hướng dẫn việc thành lập BCĐ và Tổ Thường trực BCĐ cấp quận, huyện và phường, xã. Sau khi dự tập huấn ở Trung ương, BCĐ thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác tổng điều tra trên phạm vi toàn thành phố; xây dựng kế hoạch tuyên truyền; tổ chức hội nghị triển khai công tác tổng điều tra cho BCĐ cấp thành phố, cấp quận, huyện; hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổng điều tra cho các giảng viên, giám sát viên cấp huyện; chỉ đạo các địa phương tổ chức hội nghị tập huấn cho điều tra viên và tổ trưởng điều tra; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bao gồm: vật tư, văn phòng phẩm, tài liệu tuyên truyền, biểu mẫu, tài liệu điều tra,... phục vụ tổng điều tra; hướng dẫn BCĐ cấp quận, huyện và cấp phường, xã tuyển chọn 362 điều tra viên, tổ trưởng điều tra để triển khai thu thập thông tin.

Nhiều mô hình trang trại rau sạch tại huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều mô hình trang trại rau sạch tại huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thành phố đã hoàn thành công tác chọn các hộ mẫu điều tra tại 21 địa bàn thuộc 9 xã của huyện Hòa Vang theo đúng hướng dẫn của BCĐ Trung ương. Đến thời điểm này đã hoàn tất công tác chuẩn bị để tiến hành phát động điều tra vào sáng 1-7-2016 tại huyện Hòa Vang.

* Để bảo đảm thực hiện thành công tổng điều tra, theo ông, cần coi trọng những vấn đề gì?

- Ban Chỉ đạo các cấp cần chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ tất cả các mặt, các khâu công tác theo đúng quy trình, tiến độ, kế hoạch đề ra. Trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu như: Tăng cường hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức để các tổ chức và người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của cuộc tổng điều tra, qua đó sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cho điều tra viên. Điều tra viên, tổ trưởng điều tra phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia công tác tổng điều tra; thực hiện nghiêm túc các quy định về nghiệp vụ của tổng điều tra. Triển khai thu thập thông tin ở địa bàn điều tra đúng thời điểm, tiến độ quy định, tuyệt đối tuân thủ phương pháp điều tra là trực tiếp phỏng vấn đúng người, đúng đối tượng để thu thập thông tin. Cần tăng cường khâu giám sát, kiểm tra kết hợp với thanh tra thường xuyên, đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hạn chế, sai sót làm ảnh hưởng đến chất lượng tổng điều tra.

Với sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của BCĐ Trung ương; của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự ủng hộ của nhân dân trong thành phố cùng tinh thần trách nhiệm cao của BCĐ tổng điều tra các cấp, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tại thành phố Đà Nẵng.

* Xin cảm ơn ông!  

Qua rà soát, ước tính toàn thành phố sẽ có 265 địa bàn nằm trong khu vực được điều tra. Trong đó, khu vực thành thị 65 địa bàn, khu vực nông thôn 200 địa bàn. Tổng số hộ dự tính sẽ điều tra khoảng 41.000 hộ.

VIỆT DŨNG thực hiện

;
.
.
.
.
.