Chính trị - Xã hội
Đất giao khoán toàn cây rừng nguyên sinh
Tiếp tục tìm thu thập thông tin về vụ phá rừng ở khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà, ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà, chúng tôi phát hiện thêm nhiều sai phạm ở đây. Nói là giao khoán rừng sản xuất nhưng thực tế khu đất này là khu rừng giàu, toàn cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Không những thế, sau khi được nhận đất, chủ nhân khu đất này đã tranh thủ xây dựng nhiều công trình trái phép ở đây.
Một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà. |
Những loại cây giá trị kinh tế cao
Không như những khu rừng sản xuất khác, chỉ có đồi trọc hoặc cây cối nghèo nàn, đất rừng mà Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà “ưu ái” giao khoán cho hộ ông Phạm Hùng Mạnh và một số hộ dân khác với diện tích 63ha ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà toàn là rừng giàu, với hàng nghìn cây nguyên sinh, trong đó có nhiều loài cây tuổi đời hàng trăm năm.
Vừa bước chân vào cổng khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà, nhiều người không khỏi choáng ngợp khi thấy những cây cổ thụ to bằng vòng tay người ôm (có nhiều cây còn lớn hơn nhiều), cành nhánh sum suê rợp bóng mát. Hầu hết những cây rừng nguyên sinh ở đây có giá trị kinh tế cao như chò, dẻ, lim, nhội… Theo quan sát, khuất sau những cánh rừng đã được chủ nhân phát dọn lau lách chạy dọc con đường bê-tông dẫn vào khu du lịch, phía sau là khu rừng rậm um tùm.
Cũng chính vì đây là rừng nguyên sinh nên các đàn voọc chà vá chân nâu thường kéo về tìm thức ăn, trú ngủ. Anh Hồ Xuân Mai (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người hay đi chụp ảnh voọc chà vá chân nâu cho biết: “Khu vực này voọc chà vá chân nâu nhiều lắm. Trước đây, tôi thường đến đây chụp ảnh”. Còn ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (trụ sở quận Sơn Trà) cũng khẳng định, khu rừng nguyên sinh ở tiểu khu 63 có nhiều đàn voọc chà vá chân nâu (loài vật quý hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam, còn gọi nữ hoàng linh trưởng) thường kéo cả đàn đến đây tìm kiếm thức ăn.
Trước thực trạng chặt phá rừng ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà, một cán bộ kiểm lâm từng nhiều năm công tác ở Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn khẳng định rằng, rừng ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà là rừng trung bình, nghĩa là rừng có mật độ cây gỗ tự nhiên nhiều, không thuộc diện giao khoán theo Nghị định 01 của Chính phủ. Xưa nay giao khoán đất rừng sản xuất, người ta chỉ giao rừng nghèo, diện đất trồng đồi trọc để người dân trồng cây phát triển kinh tế, kết hợp với việc bảo vệ rừng. “Tôi thấy việc giao khoán đất rừng trung bình như thế là sai”, vị cán bộ này nói thêm.
Xây dựng công trình trái phép
Sáng 10-6, theo chân đoàn công tác khám nghiệm hiện trường do Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chủ trì, chúng tôi trở lại khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà để ghi nhận công tác khám nghiệm. Thế nhưng, khi vừa đến cổng khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà, ông Phạm Hùng Mạnh chạy ra ngăn cản quyết liệt không cho phóng viên vào. Mặc dù các phóng viên báo, đài trình bày vào ghi nhận công tác khám nghiệm hiện trường, nhưng ông Phạm Hùng Mạnh kiên quyết xua đuổi, khóa cổng lại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên trong khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà có nhiều công trình xây dựng trái phép đang tồn tại. Ông Huỳnh Văn Bảy, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho biết, qua kiểm tra, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà ghi nhận ở tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà hiện có 1 căn nhà cấp 4, 1 nhà bếp, 1 nhà vệ sinh, 1 nhà gỗ có gác, 1 nhà thờ cúng.
Về việc xử lý công trình xây dựng trái phép ở khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho hay: “Cách đây mấy năm, hồi tôi chưa làm Chủ tịch UBND phường Thọ Quang đã thấy UBND thành phố chỉ đạo xử lý vụ việc”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng qua điện thoại trưa 10-6, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nói rằng, UBND quận Sơn Trà đã báo cáo vụ việc cho UBND thành phố Đà Nẵng, Thanh tra thành phố.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN