Chính trị - Xã hội

Cuộc đời như giấc ngủ trưa

07:58, 10/06/2016 (GMT+7)

Hoa và cây xương rồng thường tươi lâu, mọc thẳng, đã nở thì nở xòa, đơn giản nhưng lung linh hương sắc. Hoa này không tượng trưng cho một triết lý gì cao siêu về cuộc đời, nó đơn giản như cuộc sống con người vậy, giống như ông thường trò chuyện: Cuộc đời như giấc ngủ trưa. Và, ông ra đi vào một chiều, sau một giấc ngủ trưa.

Đồng chí Hoàng Minh Thắng (bìa phải) đón tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm1985. 						         Ảnh: Ngọc Hợi
Đồng chí Hoàng Minh Thắng (bìa phải) đón tiếp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm1985. Ảnh: Ngọc Hợi

Cuộc đời như một dòng sông, như một con đường, như một bài thơ, hay cuộc đời là kỷ niệm dài, kỷ niệm nối tiếp kỷ niệm.

Chẳng biết định nghĩa thế nào cho rõ về cuộc đời. Phải chăng “cuộc” là chuỗi sự việc nối tiếp sự việc, còn “đời” là khoảng thời gian sống nhất định, đã đi qua và đang đi qua.

Thế nhưng, đối với ông Hoàng Minh Thắng, cuộc đời như được định nghĩa đơn giản hơn nhiều.

Cuộc đời giống như một giấc trưa dưới hàng cây thân thương xào xạc lá. Một giấc ngủ trưa có tiếng à ơi của mẹ có bước chân chầm chậm của cha, đâu đây vọng lại tiếng sáo của trẻ mục đồng…

Tôi biết ông Hoàng Minh Thắng vào những năm sau này khi từ làng quê xa xôi đất Quảng khăn gói ra Hà Nội học.

Thời ấy ông vừa thôi làm Bộ trưởng Bộ Thương mại chuyển sang làm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trụ sở ở đường Nguyễn Thái Học - Hà Nội.

Ngôi nhà ông ở cách đó không xa, trên đường Vạn Bảo, trước kia nằm trong góc vắng, phía trước có một con kênh già nua, quanh năm ẩm ướt, cỏ mọc um tùm, phủ kín bởi những tàu chuối tươi khô, lào xào, nhiều nhất vẫn là chuối hạt, chuối mốc, chiều lại lá sấu nhà ai lất phất bay, rơi rụng đầy vườn.

Mãi sau này khi Hà Nội chỉnh trang đô thị ngôi nhà cũ kỹ dành cho hai hộ công chức xa nhà năm xưa mới khang trang ra giống như ông khi thôi mọi việc kể cả cái chức Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt
Nam - Mông Cổ mới thấy mình thật sự nhàn hạ, mới thư thái tự tại để dồn tâm làm khuyến học hơn nữa, đi đây đó thăm viếng, viết sách, thỉnh thoảng viết dăm bài báo để kể về những hy sinh của đồng bào, đồng chí, kể cả những người lính chưa một lần yêu vẫn còn nằm lại đâu đó trên chiến trường xưa như những lời tri ân, thương nhớ… quá chừng...

Ông viết bằng tình yêu và trách nhiệm với những người đã ngã xuống với bao thao thức. Đó là những gì ông đã đi qua và chứng kiến, là những gì đau đáu chắt chiu trong quá khứ xa xăm, như không có bến bờ.

Có thể tập hồi ký “Nơi ấy tôi đã sống” của ông do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2003, gần 400 trang hay một tuyển tập “Sống mãi với thời gian” gồm những bài viết xuất bản sau đó hai năm… cùng hàng trăm bài báo gói gém trong ấy là cả tấm lòng của ông, dù ít dù nhiều.

Tôi biết những năm tháng “công cán” của ông kể cả những năm tháng ác liệt mà ông là một trong số người lính - người chỉ huy trên chiến trường Khu 5 - Quảng Đà, Quảng Nam cũng là quãng thời gian ông tự học, để có kiến thức, kinh nghiệm tự vươn lên trên chính mình, như “tự tri giả anh tự thắng giả hùng” mới đảm đương được nhiều chức vụ, trọng trách quan trọng khác nhau, có những công việc mà ông chưa một lần quen.

Ngay cả việc viết lách của ông cũng vậy, nhờ sự tự học, tự thu xếp ngổn ngang hàng ngàn sự kiện, sự việc trong trí nhớ vốn vô hình và hữu hạn của con người mà ông dễ dàng hồi tưởng lại mọi điều khi có dịp hồi tưởng.

Năm 1986, từ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, ông được Trung ương điều động ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội thương, sau này khi 3 bộ (Nội thương, Ngoại thương và Vật tư) sáp nhập làm một, ông được chọn làm Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Ông nhớ lại: Tại một cuộc họp ở Tam Đảo, trong giờ nghỉ giải lao, Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi Trung ương dự kiến phân công ông làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, ông trả lời việc ấy là tùy tổ chức phân công. Phân công việc gì, trọng trách gì, ông sẵn sàng làm việc ấy.

Ông kể lại: Mình nói vậy thôi chứ thực ra trong lòng cũng lo nhiều vì lúc đó yêu cầu về đổi mới đất nước, đổi mới kinh tế với nhiều việc đặt ra trong đó cơ man việc là việc liên quan đến lưu thông phân phối, đến hàng - tiền, đến những chủ trương xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ” khi chuyển mạnh từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, sau đó là kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời đó, giá cả nhiều mặt hàng đắt đỏ, khan hiếm, cái chính do ngăn sông cấm chợ, cho nên ngay từ ngày đầu khi làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, ông đã thân chinh đi kiểm tra nhiều ngày trời, nhiều nơi, và mạnh mẽ đề nghị Trung ương dẹp bỏ ngay những hàng rào phi lý, rất chi phi lý nhưng lại tồn tại nhiều năm trời.

Đây là dấu ấn ban đầu của ông khi đặt chân vào lĩnh vực thương mại mà ông vẫn tự bạch không thuộc sự hiểu biết của chính mình.

Dấu ấn quan trọng này đặt nền móng ban đầu cho nền kinh tế khơi thông, kích cầu sản xuất, kinh doanh từ Nam chí Bắc, làm hạ nhiệt dần sự ngột ngạt, nóng bỏng đến nghẹt thở của nền kinh tế thời bấy giờ.

Chính sự tự học, tự hiểu biết, thông qua nhiều cách khác nhau chứ không phải phép nhiệm màu nào khác mà trong những năm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông đã đề xuất nhiều chính sách xóa hẳn bao cấp, cân đối hàng tiền trên nhiều phương diện. Kể cả những năm chuyển sang làm Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, chính ông “đệ trình” thành lập và cho ra đời ngân hàng ngoài quốc doanh đầu tiên - viên gạch đầu tiên làm nên hệ thống ngân hàng đa dạng với đủ sắc màu như hôm nay.

Thời ấy ra đời một ngân hàng ngoài quốc doanh là chuyện được coi “nhạy cảm”, như đi ngược với các chủ trương vốn có. Vậy mà nó vẫn ra đời và tồn tại, mới biết ông và những sáng lập viên quyết tâm như thế nào vì một nền kinh tế, vì một thị trường tín dụng sớm muộn gì cũng phải khơi thông.

Không cứ làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, những tố chất chấp nhận đột phá - đột phá vào thành lũy cũ kỹ kiềm hãm nghèo nàn lạc hậu của đất nước trong ông mới hiển hiện, mà ngay cả thời kỳ làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, ý chí “quyết đánh, quyết thắng”, “bám thắt lưng địch mà đánh” của 30 năm làm lính (từ học viên Trường Lục quân đến Chính ủy sư đoàn) trong ông luôn được bộc lộ. Việc nhẹ tay, dám nhẹ tay trong việc “đánh” tư sản trong những năm đầu giải phóng là ví dụ. Quyết định rà phá bom mìn, quy hoạch mồ mả, tăng gia sản xuất cứu đói là một ví dụ.

Quyết định mở rộng đường 2 Tháng 9  thành phố Đà Nẵng - nay là đường Điện Biên Phủ là ví dụ. Xây dựng Trung tâm Thương nghiệp (chợ Cồn Đà Nẵng) và Nhà hát Trưng Vương là ví dụ. Xây dựng tượng đài Mẹ Nhu bằng đồng là ví dụ. Và, xây dựng 4 tuyến đường nhựa lên các huyện miền núi là một ví dụ. Đặc biệt một công trình đi vào lịch sử của Quảng Nam và Đà Nẵng là hồ chứa nước Phú Ninh với sức huy động hàng trăm ngàn thanh niên trai tráng từ mọi làng quê cả tỉnh tòng quân, chung tay xây dựng để chống giặc đói, giảm thiên tai, có điện thắp sáng là một công trình quy mô chiến lược trên nhiều phương diện.

Điều muốn nói là các công trình ấy thi công khẩn trương trong điều kiện ngân sách khan hiếm, thậm chí trống vắng. Tất nhiên, tất cả không phải chỉ mình ông lo và làm, triển khai mà còn nhiều đồng sự của ông nữa; chẳng hạn cố Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh - một con người “văn võ song toàn”, có tài đảm lược, như nhiều người từng biết. Tuy nhiên, xét ở góc độ một người đứng đầu tỉnh chịu trách nhiệm cao nhất tỉnh, trước Nhà nước và người dân, vai trò của ông và ông Hồ Nghinh giữ vị trí then chốt trong mọi quyết định.

Tôi được nghe ông kể về thi công công trình chứa nước Phú Ninh lớn lao nhưng sao mà đơn giản lạ.

Chuyện thế này:

Sau ngày Quảng Nam-Đà Nẵng giải phóng, những cơ quan hữu quan đã phát hiện trong kho tài liệu do chế độ cũ để lại có tài liệu cùng các bản vẽ, nghiên cứu về công trình thủy lợi Phú Ninh do các kỹ sư người Pháp, kể cả kỹ sư người Việt trước 1954 và 1975 xây dựng. Hồ này có sức chứa 300 triệu m3 nước, đáp ứng cho các cánh đồng thuộc 7 huyện trong tỉnh với khả năng tưới khoảng 26.000ha. Tại đây, tại cổng chính xả nước có thể đặt một trạm thủy điện có công suất lớn.

Từ các căn cứ, tài liệu cùng với khảo sát thực địa, sau khi bàn bạc và chuẩn bị kỹ ngày 29-3-1977 - sau hai năm giải phóng 29 phát mìn phá đá nổ vang trời mở màn cho lệnh tổng khởi công bắt đầu.

Công trình khẩn trương thi công như chiến trận năm nào do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Nam trực tiếp chỉ huy, sau mấy năm là hoàn thành.

Ông Hoàng Minh Thắng kể lại: Năm 2000, khi đó tôi đã chuyển công tác ra Hà Nội, tình cờ gặp lại ông Nguyễn Thanh Bình - Thường trực Ban Bí thư (vào năm 1977 là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi). Gặp tôi, ông trò chuyện: Mấy ông Quảng Nam các ông to gan thật. Năm 1977 các ông mới nghe thông báo về sự đồng ý của Hội đồng Bộ trưởng qua điện thoại thế mà mấy ngày sau các ông đã cho thi công hồ chứa nước Phú Ninh. Chẳng ai liều như thế, các nơi người ta chờ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra văn bản đồng ý mới được làm.

Không cứ gì ông Nguyễn Thanh Bình mà nhiều người khác cũng cho ông Thắng, ông Nghinh “liều”.
Ông Thắng tâm sự: Ngày ấy nếu không sớm quyết định e rằng mất cơ hội trong khi bao người dân cả tỉnh hồi hộp, nóng lòng trông mong.

Và, không cứ gì công trình này mà ngay trong những năm đánh giặc, nhất là trong trận đánh lịch sử “trận đầu diệt Mỹ” tại Chu Lai - Núi Thành mà ông trực tiếp chỉ huy và tham gia lúc ấy đã đơn phương quyết định nhiều việc trước một trận đánh đầy trách nhiệm, như trước một trang giấy không có đường mòn...

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không muốn liệt kê về những thành tích, những việc làm của ông, người viết chỉ một tham vọng nhỏ nhoi là phác họa một vài tính cách riêng chung của một người con đất Quảng bởi như ông thường trò chuyện: Tất cả thành tích hay thành quả ngọt ngào cả một đời người chen lẫn gừng cay muối mặn đôi khi không thuộc về một con người, ngược lại nó thuộc về tất cả. Ý ông - tôi hiểu, ông muốn nói tất cả thuộc về nhân dân. Nhân dân mới là người làm nên lịch sử.

Có lẽ từ suy nghĩ vậy chăng, khi đã bước sang tuổi 90, là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông được tặng thưởng 21 huân chương các loại, cao nhất là Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…, ông vẫn như mọi ngày, như ngày xưa thân ái, vẫn tiếp tục làm công tác từ thiện - khuyến học... và viết những gì cần viết cho quê hương, đồng đội, đồng bào. Ông cũng thích hài hước và lãng mạn. Hình như ông muốn kết các kỷ niệm xưa cũ, vui có, chưa vui cũng có thành lẵng hoa kỷ niệm.

Ông có thích chơi hoa không?

Tôi không rõ, chỉ biết đến ngày sinh nhật của ông (20-10), hoa nhiều vô kể. Trong số các lẵng hoa ấy có các loài hoa khác nhau, có cả hoa xương rồng trên cát, giống như loài hoa mọc nhiều ở cồn cát Tiên Đỏa - Bình Sa, Thăng Bình quê ông. Hoa và cây xương rồng thường tươi lâu, mọc thẳng, đã nở thì nở xòa, đơn giản nhưng lung linh hương sắc. Hoa này không tượng trưng cho một triết lý gì cao siêu về cuộc đời, nó đơn giản như cuộc sống con người vậy, giống như ông thường trò chuyện: Cuộc đời như giấc ngủ trưa. Và, ông ra đi vào một chiều, sau một giấc ngủ trưa.

Hồ Đông Đà

.