Chính trị - Xã hội

Xây dựng đô thị thông minh tại Đà Nẵng

07:59, 29/06/2016 (GMT+7)

Ngày 28-6, đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2016 và tình hình triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Về phía lãnh đạo Đà Nẵng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo UBND thành phố.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tìm hiểu mô hình tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố  Đà Nẵng.             							  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tìm hiểu mô hình tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động, trọng tâm là triển khai 3 đột phá về phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thực hiện các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Nhờ đó, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục phục hồi.

Năm 2015, tổng sản phẩm xã hội tăng 9,8% so với năm 2014; 6 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 24.501 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, đến năm 2015 ước đạt 62,65 triệu đồng, tương đương 2.908 USD, gần bằng hai lần năm 2010; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng dịch vụ trong GRDP đạt 62,6%, công nghiệp - xây dựng 35,3% và nông nghiệp 2,1%.

Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại và đa dạng, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, đời sống và hội nhập quốc tế. Trong đó, hoạt động du lịch phát triển khởi sắc, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; năm 2015 đón 4,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 20,5%; 6 tháng đầu năm 2016 đón 2,47 triệu lượt du khách, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch đạt 7.177 tỷ đồng, tăng 15,5%.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 tăng 10,9%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, thành phố tập trung khai thác các thế mạnh về biển (thủy sản, vận tải biển, du lịch...); đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cảng biển; hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền, nâng cao năng lực bám biển, khai thác hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Công tác quản lý, điều hành ngân sách được chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2015 đạt 13.521,5 tỷ đồng, đạt 111,7% dự toán; 6 tháng đầu năm 2016 đạt 9.577 tỷ đồng, đạt 64,1% dự toán.

Cơ cấu nguồn thu chuyển biến tích cực theo hướng ổn định và bền vững. Công tác điều hành chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ. Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được tập trung thực hiện tốt. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị tiếp tục được đầu tư khá mạnh, nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, hiện đại được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án, công trình trong Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tích cực triển khai đầu tư các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp. Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- thành phố môi trường” được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực…

Công tác quốc phòng - an ninh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện hiệu quả. Thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, tết, Đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Nhờ đó, an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm, không để bị động bất ngờ. Các hoạt động tấn công, trấn áp tội phạm, cùng với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì và triển khai sâu rộng, góp phần kiềm chế tội phạm, giảm các vụ trọng án. Trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra; tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 7 liên tiếp về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (2009-2015).

Hướng đến xây dựng thành phố thông minh

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Quang Thanh báo cáo tình hình triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Theo đó, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hình thành cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông hiện đại, đặc biệt là hạ tầng truyền dẫn sẵn sàng, thuận lợi cho việc triển khai kết nối các chương trình, dự án xây dựng thành phố thông minh.

Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng bước đầu đem lại hiệu quả, được các tổ chức, cộng đồng hoạt động về CNTT trong và ngoài nước ghi nhận. Với mô hình triển khai tại trung tâm, tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc triển khai bổ sung các lớp ứng dụng cho thành phố thông minh tích hợp trên hệ thống thông tin Chính quyền điện tử.

Đến nay, Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án thí điểm liên quan đến thành phố thông minh dựa trên nền tảng Chính quyền điện tử đã đạt được những kết quả bước đầu. Hiện tại, thành phố Đà Nẵng đang triển khai các dự án ở bước 1 và bước 2 về “xây dựng các hệ thống giám sát - phân tích dữ liệu” của lộ trình gồm 3 bước xây dựng thành phố thông minh (với bước 3 của lộ trình là điều khiển và tự động hóa dựa trên kết quả phân tích).

Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2016.

Về tình hình triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã có những ý kiến về phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh. Qua đó, đồng chí gợi ý, Đà Nẵng muốn xây dựng thành phố thông minh đầu tiên của cả nước thì cần xác định Đà Nẵng đã có tiền đề gì, còn thiếu gì; Đà Nẵng nên triển khai xây dựng thành phố thông minh như thế nào; công tác tổ chức và chọn đối tác nào về CNTT và truyền thông để thực hiện chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

Ngoài ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra rằng, để xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố (cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư...); cần quy hoạch thông minh, hướng đến quản lý giao thông thông minh; quản lý môi trường thông minh; xây dựng chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh - công dân thông minh; công dân thông minh - dịch vụ thông minh và nông nghiệp thông minh.

Viettel đề xuất tài trợ 10 tỷ đồng cho ngành y tế Đà Nẵng

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel nêu một số vấn đề về triển khai dự án thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Theo đó, thống nhất phối hợp với thành phố Đà Nẵng khảo sát, phân tích và chọn lựa triển khai tổng thể, toàn diện cho ngành giáo dục và y tế về lĩnh vực thông minh. Đối với các ngành khác, Viettel sẽ chọn các lĩnh vực có thế mạnh, kinh nghiệm để đề xuất triển khai như: hành chính công, giao thông, thu phí bãi đỗ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song với việc triển khai chi tiết tại từng ngành, Viettel tiếp tục hỗ trợ thành phố xây dựng bài toán tổng thể thành phố thông minh. Về cam kết tài chính, Viettel đề xuất tham gia lĩnh vực y tế với tổng kinh phí tài trợ 10 tỷ đồng.

ĐẶNG NỞ

.